Vì sao Thanh tra Chính phủ kết luận Công ty Vinasport tùy tiện trong vụ chuyển hàng trăm nghìn EUR

Bách Thuận Thứ sáu, ngày 03/03/2023 14:12 PM (GMT+7)
Thanh tra Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam (Vinasport), Thanh tra Chính phủ phát hiện cả loạt vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài sản và vốn nhà nước tại công ty này.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ đã kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Vinasport. Nhiều vấn đề nghiêm trọng được cơ quan thanh tra chỉ ra, đề nghị đơn vị liên quan làm rõ, xử lý theo đúng quy định, thậm chí có nhiều nội dung thông tin được chuyển đến Bộ Công an để điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.

Đầu tiên là vi phạm trọng quản lý, sử dụng vốn và tài sản. Theo đó, qua thanh tra kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinasport từ năm 2007 đến tháng 6/2021 và việc quản lý hồ sơ kế toán tại Vinasport, Thanh tra Chính phủ thấy, từ năm 2007 đến 30/6/2021, doanh nghiệp chưa bảo toàn và phát triển vốn, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp để đảm bảo việc bảo toàn và phát triển vốn theo quy định.

Công ty Vinasport đã làm gì để Thanh tra Chính phủ kết luận là tùy tiện? - Ảnh 1.

Thanh tra Công ty Vinasport, Thanh tra Chính phủ nhận thấy ở giai đoạn nào công ty này cũng có vấn đề. Ảnh: HN

Việc bàn giao hồ sơ, chứng từ, giải trình số liệu của người quản lý cũ cho người kế nhiệm không được thực hiện; hồ sơ lưu trữ sổ kế toán chi tiết các năm từ 2007 đến 2017 không đầy đủ; không xác định được tính chính xác số dư đầu kỳ từ 1/1/2017; không có đủ hồ sơ kế toán liên quan đến số dư của một số khoản mục…

Trách nhiệm này thuộc về Ban Giám đốc, kế toán trưởng và người đại diện phần vốn nhà nước qua từng thời kỳ.

Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Vinasport, việc huy động vốn của Xí nghiệp sản xuất dụng cụ thể dục thể thao từ giai đoạn 2008 đến 2010 cũng được xác định vi phạm điều lệ và quy chế tài chính của Vinasport khi không xin ý kiến của HĐQT. Trách nhiệm thuộc người trực tiếp huy động vốn là ông Trần Văn Chương.

Ngoài ra, việc không có các hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại Vinasport, trách nhiệm thuộc Tổng Giám đốc Bùi Duy Nghĩa, kế toán trưởng Nguyễn Phi Hùng giai đoạn 2008 – 2009 và ông Trần Văn Chương.

Trong việc kiểm kê hàng hóa tồn kho và xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện thể dục thể thao Vĩnh Phúc, Thanh tra Chính phủ thấy, việc xuất đạn này là trái pháp luật, không có hợp đồng, không có khả năng thu hồi gây thất thoát số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc Tổng Giám đốc và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty giai đoạn 2009 – 2012.

Công ty Vinasport đã làm gì để Thanh tra Chính phủ kết luận là tùy tiện? - Ảnh 2.

Công ty Vinasport được đánh giá là tùy tiện khi chuyển trước cho một đơn vị 150.000 EUR khi chưa có kết quả trúng thầu. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Về khoản tiền Vinasport đã chuyển trước cho hãng ASIA là 150.000 EUR, việc này xảy ra khi chưa có kết quả trúng thầu, là việc làm tùy tiện, cố ý làm trái các quy định của nhà nước.

Hiện nay không có khả năng thu hồi khoản tiền này, làm mất vốn của Vinasport. Trách nhiệm thuộc Tổng Giám đốc và người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinasport giai đoạn 2013.

Thanh tra Chính phủ qua thanh tra cũng phát hiện, việc mua bán phôi thép với Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng không có khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport. Trách nhiệm thuộc Tổng Giám đốc và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty giai đoạn năm 2015.

Kiểm tra việc chuyển tiền cho Công ty Nam Đô của Vinasport, Thanh tra Chính phủ cũng nhận thấy, Vinasport đã chuyển cho công ty trên 1 tỷ đồng để "Trả 1 phần tiền hợp đồng số 65 ngày 20/7/2012 về việc nhận chuyển nhượng 6.000m2 đất tại khu công nghiệp", hiện nay khoản chi này không có khả năng thu hồi, có nguy cơ mất vốn của Vinasport. Trách nhiệm tiếp tục thuộc về Tổng Giám đốc và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty giai đoạn 2012.

Thanh tra Chính phủ chuyển 7 thông tin đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an

1. Xuất đạn cho Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao Vĩnh Phúc trái pháp luật, xuất khống không có hợp đồng, không có khả năng thu hồi gây thất thoát số tiền hơn 1,4 tỷ đồng của Vinasport.

2. TRả trước số tiền 150.000 EUR cho hãng ASIA khi chưa có kết quả trúng thầu, không có khả năng thu hồi làm mất vốn của Vinasport.

3. Nội dung liên quan đến các khoản công nợ phải thu. Các khoản huy động vốn tại Xí nghiệp sản xuất dụng cụ thể dục thể thao từ giai đoạn 2008 – 2010.

4. Khoản chi chuyển tiền cho Công ty Nam Đô số tiền 1 tỷ đồng. Trên chứng từ chỉ ghi "Trả 1 phần tiền hợp đồng số 65 ngày 20/7/2012", hiện nay, khoản chi này không có khả năng thu hồi.

5. Các thông tin liên quan đến hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trái quy định đối với hợp đồng với Công ty HBI.

6. Việc phá dỡ tài sản là nhà xưởng tại số 181 Nguyễn Huy Tưởng để hợp tác đầu tư nhưng không được thực hiện gây thiệt hại tài sản nhà nước (nguyên giá hơn 7,4 tỷ đồng).

7. Việc mua bán phôi thép với Công ty TNHH An Việt Úc, không có khả năng thu hồi, làm mất vốn với số tiền hơn 5,8 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem