Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị bắt?

Q.N Thứ sáu, ngày 10/12/2021 18:30 PM (GMT+7)
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vừa bị bắt tạm giam để điều tra, làm rõ những sai phạm trong quá trình công tác.
Bình luận 0

Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, ra lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với ông Trương Quốc Cường thay thế biện pháp "cấm đi khỏi nơi cư trú" đã được phê chuẩn trước đó, để phục vụ công tác truy tố và xét xử.

Lãnh đạo cấp cao ngành y vướng vòng lao lý

Việc bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Tuấn nhằm làm rõ những sai phạm trong công tác đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, xảy ra từ năm 2015 khi ông Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trước đó, ông Tuấn bị khởi tố nhưng cho tại ngoại từ ngày 21/10. Cùng tội danh trên, ông Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT Công ty Thiết bị y tế Hoàng Nga) bị bắt tạm giam.

Vì sao ông Nguyễn Quang Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bị bắt? - Ảnh 2.

Trước khi làm giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Quang Tuấn là giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Bệnh viện tim Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố một số cán bộ của Bệnh viên Tim Hà Nội, như: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội); Nguyễn Thị Dung Hạnh (nguyên Kế toán trưởng); Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh, cùng là nguyên phó trưởng phòng phụ trách phòng vật tư thiết bị y tế.

Các bị can còn lại là Trần Phú Hưng (Tổng giám đốc) và Nguyễn Hồng Dũng (Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư định giá AIC VN - Công ty AIC VN), Nguyễn Trung Dũng (chuyên viên thẩm định giá Công ty AIC VN), Phạm Huy Lập, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Hoàng Nga và Phạm Thị Kim Oanh, Kế toán trưởng công ty này.

Theo C03, các bị can đã có hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản hơn 40 tỷ đồng cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị bắt? - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng tiến hành khám nhà ông Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: VOV

Đối với Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, ông bị bắt tạm giam sau hơn 1 tháng khởi tố với cáo buộc thiếu trách nhiệm để 7 loại thuốc giả nhãn mác nhập về Việt Nam tiêu thụ gây thiệt hại 50,6 tỷ đồng.

Đây là diễn biến trong quá trình Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát điều tra vụ án: "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược - Bộ Y tế". 

Trước đó, cơ quan an ninh đã có kết luận điều tra bổ sung đề nghị truy tố 14 bị can trong vụ án, ông Trương Quốc Cường bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường… bị đề nghị truy tố tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.

Vụ án buôn bán thuốc giả tại VN Pharma từng gây rúng động dư luận đã kéo dài hơn 7 năm, trải qua 2 giai đoạn điều tra. Ông Trương Quốc Cường đã bị khởi tố sau 2 lần Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ yêu cầu Cơ quan an ninh điều tra bổ sung.

Theo kết luận điều tra, hành vi của ông Cường là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, còn thuộc cấp của ông có hành vi cố ý làm trái quy định, tiếp tay cho thuốc giả nhãn mác.

Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị bắt? - Ảnh 4.

Công an làm việc tại trụ sở Bộ Y tế ngày 4/11. Ảnh: Q.N

Có căn cứ thay thế biện pháp ngăn chặn với các bị can

Trao đổi với Dân Việt, một nguyên lãnh đạo Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, trong các vụ án những trường hợp bị can cho tại ngoại hầu hết là tội ít nghiêm trọng. 

Nếu bị can ở trường hợp nằm trong nhóm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà cho tại ngoại thì thường có vấn đề như sức khoẻ.... Tuy nhiên, quan trọng nhất là không ảnh hưởng gì đến hoạt động điều tra. 

Trường hợp bị can bị khởi tố được cho hưởng tại ngoại nhưng sau đó bị bắt tạm giam để đảm bảo công tác điều tra như ông Trương Quốc Cường và ông Nguyễn Quang Tuấn là điều bình thường.

Đồng quan điểm, TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, bắt bị can để tạm giam và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú (còn gọi tại ngoại) là các biện pháp ngăn chặn trong quá trình thực hiện các hoạt động tố tụng trong vụ án hình sự. 

Việc áp dụng biện pháp tạm giam hay cấm đi khỏi nơi cư trú thì phải căn cứ vào quy định của bộ luật tố tụng hình sự, trên cơ sở đối với từng bị can, trong từng vụ án cụ thể.

Trước đây, cơ quan điều tra áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Tuấn và ông Cường có thể vì lý do nào đó. Đến nay, để đảm bảo thuận lợi cho hoạt động điều tra vụ án hình sự thì cơ quan điều tra đã căn cứ vào quy định tại điều 119 bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để áp dụng biện pháp tạm giam đối với ông Tuấn và ông Cường là có căn cứ.

Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị bắt? - Ảnh 6.

TS-LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội). Ảnh: LSCC

Cả ông Trương Quốc Cường và ông Nguyễn Quang Tuấn đều là những cán bộ lãnh đạo cấp cao trong ngành y tế, từng giữ những chức vụ quan trọng và có những cống hiến được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

Tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 diễn ra chiều 2/12, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, lực lượng công an luôn quyết liệt đấu tranh với quan điểm thượng tôn pháp luật, xử lý đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

"Đối với những vụ án tham nhũng, gây bức xúc dư luận, nhất là khi người bị xử lý lại là người có chức vụ cao, có ảnh hưởng xã hội thì trong quá trình tố tụng, lãnh đạo Bộ Công an rất quan tâm", Tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra đều nghe, xem xét một cách cẩn trọng khi xử lý những sai phạm của người có chức vụ, quyền hạn. Lãnh đạo Bộ Công an cũng yêu cầu phải cá thể hóa trách nhiệm người vi phạm, xem xét hành vi sai trái của người đó là vì cái chung hay vì cái riêng; nếu vì cái chung thì sẽ xem xét khác.

Còn những vụ án có sự ăn chia, có tiêu cực, cần phải xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, khi áp dụng các biện pháp tố tụng, xét về tính nhân văn của pháp luật, cơ quan thực thi pháp luật đã áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú", thay vì bắt tạm giam.

Trong thời gian qua, không chỉ có ông Trương Quốc Cường và ông Nguyễn Quang Tuấn, một số cán bộ ngành y khác cũng vướng vòng lao lý vì những sai phạm trong hoạt động đấu thầu và mua sắm vật tư, thiết bị y tế. Đây là vấn đề được đánh giá là "đau xót" và các đại biểu Quốc hội nêu ra tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua.

Trả lời chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát lại các hướng dẫn, thể chế có liên quan đến việc quản lý, mua sắm, đấu thầu; về việc phân cấp, phân quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương, các đơn vị y tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem