Vì sao Trung Quốc xả nước xuống Mê Kông 1 tháng, ĐBSCL vẫn hạn?

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 21/02/2020 18:51 PM (GMT+7)
Theo thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Trung Quốc sẽ xả đập thủy điện Lan Thương để khắc phục phần nào tình hình hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Kông. Theo đó, từ ngày 24/1, Trung Quốc tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương từ 850 m3/s lên 1.000 m3/s. Tuy nhiên, đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn hạn.
Bình luận 0

Thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ, từ năm 2019 đến nay, dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, toàn bộ lưu vực sông Lan Thương và sông Mê Kông ghi nhận lượng mưa luôn ở mức thấp, khiến Trung Quốc và nhiều nước trong lưu vực gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Lượng mưa bình quân tại lưu vực sông Lan Thương thuộc phạm vi lãnh thổ Trung Quốc chỉ ở mức 728mm, thấp hơn 34% so với hàng năm.

Lượng nước dự trữ tại các hồ chứa phía thượng du đã xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử. Mặc dù vậy, phía Trung Quốc vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo lưu lượng nước xả hợp lý của sông Lan Thương.

img

Một đập thủy điện trên sông Mê Kông do Trung Quốc xây dựng. Ảnh: I.T

Theo thông báo này, mặc dù lưu lượng dòng chảy ngoài lãnh thổ Trung Quốc của sông Lan Thương chỉ chiếm khoảng 13,5% lưu lượng dòng chảy ra biển của sông Mê Kông, nhưng để hỗ trợ khắc phục phần nào tình hình hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Kông, phía Trung Quốc quyết định từ ngày 24/1 sẽ tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương từ 850 m3/s lên 1000 m3/s.

"Mặc dù cũng đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán gay gắt, nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng biện pháp đặc biệt, gia tăng quy mô xả tràn nước, có những dàn xếp đặc biệt trong phạm vi năng lực của mình. Phía Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hơn nữa chia sẻ thông tin và hợp tác về lĩnh vực nguồn nước với các quốc gia lưu vực Mê Kông, để thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục khó khăn trước mắt" - thông báo nêu rõ.

Dù phía Trung Quốc nói sẽ tăng lưu lượng xả nước đập thủy điện Lan Thương (đoạn sông Mê Kông chảy qua Trung Quốc nhưng hiện Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn đối mặt với hạn mặn kỷ lục.

Theo ông Vũ Đức Long - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ đầu tháng 2 đến nay ở khu vực ĐBSCL hầu như không có mưa. Ngày 08-15/2/2020, do ảnh hưởng của triều cường xâm nhập mặn đã tăng cao và xâm nhập sâu vào các cửa sông ở ĐBSCL.

Cụ thể sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên độ mặn 4g/l đã xâm nhập vào sâu hơn năm 2016 từ 3-7km; trong ngày 10/2/2020, độ mặn tăng đột biến (3,5g/l) xuất hiện trong thời gian ngắn tại rạch Cái Cui, sông Hậu, Cần Thơ (cách cửa Trần Đề khoảng trên 85km); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn ở mức thấp hơn từ 4-12km.

Hiện tại, mực nước trên dòng chính sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) và cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,8m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều và ở mức tương đương cùng kỳ năm 2016.

img

Hạn mặn nghiêm trọng, người dân xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đành cắt lúa cho bò ăn. Ảnh: Huỳnh Xây.

Dự báo xâm nhập mặn trong thời gian tới, ông Long cho biết, mùa mưa ở khu vực Nam Bộ sẽ đến muộn và ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, tình trạng nắng nóng sẽ bắt đầu xảy ra trên diện rộng từ nửa cuối tháng 03 và kéo dài đến giữa tháng 5/2020. Dòng chảy trên sông Mê Kông về Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục suy giảm.

Do đó, thời gian còn lại của mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra và tăng cao trong các đợt triều cường. Cụ thể cuối tháng 2 (thời kỳ từ ngày 21-27/02), phạm vi xâm nhập mặn trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại khoảng 45-52km; sông Hàm Luông khoảng 65-76km; sông Cổ Chiên khoảng 55-62km (ở mức giảm hơn từ 10-15km so với đợt 08-15/02).

Thời kỳ từ 06-15/03, phạm vi xâm nhập mặn có khả năng ở mức tương đương và cao hơn đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2; từ cuối tháng 3 xu thế xâm nhập mặn giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn có khả năng gia tăng lượng xả tương tự các năm gần đây.

Xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020, sau giảm dần.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa tiếp tục kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

Theo GS.TS.Vũ Trọng Hồng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, việc nguồn nước từ sông Lan Thương về ĐBSCL phụ thuộc vào việc Campuchia có lấy nước phục vụ sản xuất hay không, Lào có lấy tích nước để phát thủy điện hay không.

"Trước đây, Trung Quốc từng mở đập Cảnh Hồng nhưng nước cũng không về Việt Nam là mấy do đã bị chia sẻ vào các chi nhánh phía trên. Khi xả nước, Trung Quốc làm việc với các nước đề nghị họ không lấy thì nước mới về được Việt Nam" - ông Hồng nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem