Vì sao Tưởng Giới Thạch biết Lâm Bưu trước sau gì cũng phản Mao Trạch Đông?

Hữu Cường (theo AP, ANTG) Thứ năm, ngày 13/08/2020 20:30 PM (GMT+7)
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, nghĩa là trước khi xảy ra sự kiện "13-9"gần chục năm, Tưởng Giới Thạch đã khẳng định, Lâm Bưu trước sau cũng sẽ phản lại Mao Trạch Đông...
Bình luận 0

Tờ tạp chí Quan Đông tác gia (Nhà văn Quan Đông) Trung Quốc số ra năm 2007 đã đăng bài của nhà sử học Doãn Gia Dân, kể về chi tiết ít người biết đến này.

Ngày 13/9/1971, tại Đại lục Trung Quốc đã xảy ra sự kiện chấn động địa cầu: Lâm Bưu phản bội Mao Trạch Đông, lên máy bay riêng chạy trốn và chết tan xác cùng máy bay.

Vì sao Tưởng Giới Thạch biết Lâm Bưu trước sau gì cũng phản Mao Trạch Đông? - Ảnh 1.

Lâm Bưu và Mao Trạch Đông.

Trong 10 năm Cách mạng Văn hóa 1966-1976, Lâm Bưu được coi là nhân vật số 2, được tung hô là "người bạn chiến đấu thân thiết nhất của Mao Chủ tịch", nhưng mối bất hòa giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu càng về sau càng lộ rõ.

Mở đầu từ năm 1969, khi mâu thuẫn về "hình thái ý thức" giữa Trung – Xô đến giai đoạn cực kỳ căng thẳng và đế quốc Mỹ ngày càng leo thang trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mao Trạch Đông thấy phải nhanh chóng thay đổi cục diện bất lợi cả trước mắt và lâu dài.

Đúng lúc đó, Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra một số động thái muốn hòa hoãn với Trung Quốc. Ông ta cử Đại sứ Stosel tìm cách tiếp xúc với Dương Lôi, Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Ba Lan.

Theo truyền thống "viễn giao cận công" (thông thương giao hòa với kẻ ở xa, o ép tấn công kẻ ở gần – một chiến lược trong "Binh pháp Tôn Tử" xưa), Mao Trạch Đông lập tức quyết định nâng hội đàm Trung – Mỹ lên cấp Đại sứ.

Nhưng tháng 3/1970, Mỹ xua quân xâm lược Campuchia, nên cuộc hội đàm cấp Đại sứ Trung – Mỹ tạm dừng. Tuy nhiên, cửa đóng nhưng không cài then, đôi bên đều cố tìm phương thức thích hợp nhất nhích đến gần nhau. Và tư duy của Mao Trạch Đông – Nixon, 2 nhân vật chóp bu của hai nước đã có điểm bắt đầu "cộng hưởng".

Lâm Bưu phản đối hòa hoãn Trung – Mỹ. Đương nhiên, mục đích phản đối của ông ta là gì chưa có tài liệu nào khẳng định. Nhưng ông ta không dám chống ra mặt, mà chỉ ngấm ngầm vì ngại Mao Trạch Đông.

Càng ngày, quan điểm về thế giới, về Mỹ, Liên Xô, về chiến tranh giữa Lâm Bưu và Mao Trạch Đông càng xa nhau. Mao Trạch Đông có câu nói nổi tiếng: "Muốn làm cách mạng, trước hết phải tạo dư luận cách mạng".

Vì sao Tưởng Giới Thạch biết Lâm Bưu trước sau gì cũng phản Mao Trạch Đông? - Ảnh 2.

Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch bên lề cuộc gặp thượng đỉnh Quốc - Cộng tháng 8/1945 tại Trùng Khánh.

Lâm Bưu rất biết thói quen bắn tin bóng gió: "Nói Sơn Tây chết cây Sơn Đông" của Mao Trạch Đông, lời nói sắc như dao, chẳng biết về sau thế nào, Lâm Bưu càng nghĩ càng cảm thấy lạnh sống lưng.

Ngày 3/6/1971, Lâm Bưu bỏ cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Rumania, tới ngồi một mình trên chiếc ghế đặt ở góc tây – bắc đại sảnh ngoài cửa, khiến các cảnh vệ của Mao Trạch Đông, Lâm Bưu, Chu Ân Lai đều lấy làm lạ và không hiểu ông ta đang nghĩ gì.

Không lâu sau đó, Lâm Bưu quay về Bắc Đới Hà. Còn Mao Trạch Đông bắt đầu cuộc "vi hành" phương Nam. Hai người xa nhau từ đấy.

Ngày 14/9/1971, khi biết tin Lâm Bưu bị chết trên đường bỏ trốn, Tưởng Giới Thạch sửng sốt và buồn vô hạn. Không phải ông ta nghĩ tới tình thầy trò xưa, mà tiếc cho Lâm Bưu đang "danh nổi như cồn, vinh quang tuyệt đỉnh, dưới một người trên muôn người", trong thời kỳ Đại cách mạng Văn hóa, và tiếc cho mình trước đây chưa hiểu đúng về Lâm  Bưu ở Đại lục.

Nhưng rồi tại Đài Loan, trong một cuộc họp Thường vụ Trung ương Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch đã nói thẳng: "Tôi không tin kẻ như Lâm Bưu sẽ tận trung với Mao Trạch Đông".

Sau cuộc họp, thư ký riêng của Tưởng Giới Thạch là Đào Hy Thánh (đồng hương  Hoàng Cương với Lâm Bưu) thắc mắc hỏi chuyện này, Tưởng liền nói: "Anh cứ tra lại những hồ sơ lưu trữ năm 1945 sẽ rõ".

Năm 1945, khi cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc kết thúc, Lâm Bưu muốn nhận nhiệm vụ đi Trùng Khánh (thủ đô kháng chiến của Quốc dân đảng) làm tiền trạm cho cuộc gặp thượng đỉnh Quốc - Cộng giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch sắp tới.

Khi gặp Tưởng Giới Thạch, Lâm  Bưu tỏ ra rất cung kính, một điều "thưa hiệu trưởng", hai điều "thưa hiệu trưởng". Lấy làm lạ, Tưởng Giới Thạch hỏi lại: "Trong Đảng Cộng sản các anh vẫn cho phép xưng hô với tôi vậy à?".

Lâm Bưu ngó trước nhìn sau, nói nhỏ rất thận trọng: "Em tuy có chân trong Đảng Cộng sản, nhưng trong tương lai thầy hiệu trưởng sẽ thấy em cống hiến cho quốc gia như thế nào".

Trước mặt Tưởng Giới Thạch, Lâm Bưu không dám nói nhiều, sợ "tai vách mạch rừng" và biểu thị có một số "ý kiến" muốn "giãi bày khúc mắc" với người tâm phúc của Tưởng để truyền đạt lại cho Tưởng rõ. Tưởng lập tức cho gọi Phó cục trưởng Cục Quân thống (Cơ quan Mật vụ Trung ương Quốc dân đảng).

Trịnh Giới Dân (cũng là học sinh cũ của Trường Quân sự Hoàng Phố như Lâm Bưu mà Hiệu trưởng là Tưởng Giới Thạch). Trước mặt Trịnh Giới Dân, Lâm Bưu nói: "Là bạn học cũ, Lâm  Bưu tôi có một số ý kiến muốn trao đổi chi tiết với anh".

Trịnh Giới Dân kéo Lâm Bưu tới một nhà hàng sang trọng bên bờ sông Gia Lăng cùng ăn cơm và "tâm sự" mấy giờ đồng hồ liền. Sau đó, gã Cục phó mật vụ này đã đệ trình Tưởng Giới Thạch một bản báo cáo dài.

Vào những năm 60 thế kỷ trước, Đào Hy Thánh đã đọc lại bản báo cáo năm ấy của Trịnh Giới Dân và càng hiểu lời nhận xét của Tưởng Giới Thạch về Lâm Bưu.

Mãi sau này, Tưởng Giới Thạch còn mấy lần nữa nói với Đào Hy Thánh: "Rất tiếc là thoạt đầu không tin Lâm Bưu nên không dám ngầm liên lạc thiết lập một tuyến với anh ta!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem