Vì sao tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết mạnh tay “rót” tiền vào giáo dục?

03/09/2019 12:04 GMT+7
Các ông lớn có tên tuổi ở Việt Nam như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vương, FLC của ông Trịnh Văn Quyết, FPT của ông Trương Gia Bình,… đang là những cái tên sở hữu thương hiệu chuỗi các trường học nổi tiếng tại Việt Nam.

Gần đây nhất, ngày 29/8 tại Hà Nội, Savills Việt Nam đã ký kết với trường Đại học Phenikaa (phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội). Theo đó, Savills Việt Nam sẽ cũng cấp dịch vụ quản lý cơ sở vật chất và tiện ích thuộc trường bao gồm giảng đường, ký túc xá, sân bóng, nhà thi đấu đa năng, nhà ăn sinh viên/giảng viên, bãi đỗ xe và các dịch vụ cho thuê khác từ giữa tháng 9/2019.

Được đánh giá là một trong những dự án bất động sản giáo dục đầu tiện trong danh mục quản lý của Savills. Góp mặt trong dự án này sẽ có sự tham gia làm việc của đội ngũ nhân sự quản lý chủ chốt.

Trường Đại học Phenikaa có diện tích gần 13 ha kết nối trực tiếp với hệ thống giao thông công cộng hiện đại của Thủ đô. Đây là trường học do Tập đoàn Phenikaa – một tập đoàn sản xuất công nghiệp của Việt Nam sở hữu thương hiệu VICOSTONE. Để chuẩn bị cho năm học 2019 – 2020, trong năm 2018 Tập đoàn Phenikaa đã đầu tư gần 1.600 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất hiện đại trên khuôn viên tại quận Hà Đông - Hà Nội.

Trước đó, ngày 25/8, Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã tổ chức lễ khởi công trường Đại học FLC tại Khu đô thị Đại học FLC Quảng Ninh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Trường học này được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyêt chủ trương thành lập vào ngày 3/6/2019. Trường có quy mô 50 ha, tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.

Tập đoàn FLC tổ chức lễ khởi công trường Đại học FLC tại Khu đô thị Đại học FLC Quảng Ninh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Đây sẽ là một tổ hợp hoàn chỉnh với diện tích dự kiến hơn 700 ha, FLC kiến tạo để trở thành một mô hình đầu tiên đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế kết nối hệ sinh thái đô thị thông minh, quần thể nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

Điểm đặc biệt của dự án này đó chính là lấy trường Đại học FLC làm hạt nhân trung tâm. Xung quanh có các khu nghỉ dưỡng cao cấp, đô thị thông minh, khu thương mại dịch vụ,… với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cung ứng dịch vụ sẽ như các vệ tinh phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, học tập và huấn luyện nghề nghiệp của học viên.

Dự kiến trường Đại học FLC của ông Trịnh Văn Quyết sẽ đào tạo đa ngành nhưng tập trung vào 3 lĩnh vực mũi nhọn là Du lịch, Hàng không và Công nghệ cao trong giai đoạn đầu. Theo như dự kiến, quy mô đào tạo 600 sinh viên trong mùa tuyển sinh đầu tiên vào cuối năm 2020, và tăng lên 6.100 sinh viên vào năm 2024, 20.000 sinh viên vào năm 2035.

Một đại gia khác không thể bỏ sót là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Hồi tháng 3/2018, Tập đoàn Vingroup đã công bố tham gia lĩnh vực Giáo dục Đại học với thương hiệu Đại học VinUni. Trường Đại học của Vingroup sẽ tập trung phát triển trong 3 lĩnh vực: Kinh doanh, Công nghệ và Khoa học sức khỏe.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã từng rất thành công với mô hình trường học liên cấp từ mầm non đến hết phổ thông trung học Vinschool. Hệ thống trường học của Vinschool được Vingroup đầu tư xây dựng và phát triển trong các khu đô thị tiêu chuẩn của Vingroup trên toàn quốc. Trường học được trang bị hệ thống phòng chức năng hiện đại, đảm bảo sự phát triển toàn diện và năng động của trẻ như: thư viện, phòng nhạc, phòng mỹ thuật, phòng học ngoại ngữ hay phòng thể chất đa năng, sân thể thao, bể bơi...

Mô hình trường học liên cấp từ mầm non đến hết phổ thông trung học Vinschool.

Tháng 8/2019, Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), thuộc Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố tài trợ 124  tỷ đồng cho 20 dự án khoa học và công nghệ. Tổng mức tài trợ dành cho 20 dự án là 124 tỷ đồng. Mức cao nhất là 10 tỷ đồng/dự án.

Điều này cho thấy, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rất coi trọng công tác giáo dục, sáng tạo khoa học công nghệ. GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup chia sẻ, “Đây là chương trình hỗ trợ hàng năm của Vingroup, có cơ chế tài chính linh hoạt, thủ tục hành chính tối giản và các nguồn lực mạnh mẽ nhằm mang đến điều kiện làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học; đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu đi vào ứng dụng thực tế. Chúng tôi mong muốn góp phần hỗ trợ các nhà khoa học Việt Nam thực hiện thành công những dự án xuất sắc, có tầm ảnh hưởng lớn, với định hướng ứng dụng cùng phương pháp tiếp cận và công nghệ hiện đạị”.

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều các đại gia khác cũng cùng chung hướng đi đầu tư cho giáo dục như Đại học FPT của ông Trương Gia Bình, hệ thống trường TH School của bà Thái Hương, Đại học Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến, trường Đại học Văn Hiến của Holdings, trường mầm non quốc tế Sunshine Maple Bear của Sunshine Group,…

Theo đánh giá của ông Troy Griffiths,  Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam, “Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển theo hướng hiện đại hóa, xu hướng đô thị hóa sẽ tiếp tục lan rộng với tốc độ chóng mặt, phát triển giáo dục quốc gia đã và đang trở thành ưu tiên hàng đầu để nâng cao kỹ năng lực lượng lao động và tăng năng suất làm việc. Với quy mô dân số lớn – trên 96 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển mảng giáo dục; tuy vậy cần hướng đến trọng tâm là cải thiện chất lượng”.

 

Phương Thảo
Tags:
Cùng chuyên mục