Vì sao Viettel Global "ôm" khoản lỗ lũy kế lên tới 5.000 tỷ đồng?

L.T Thứ năm, ngày 28/03/2019 08:37 AM (GMT+7)
Với 3 quý lỗ và chỉ có 1 quý lợi nhuận tăng trưởng dương khiến cho Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel - Viettel Global (Upcom: VGI) lỗ ròng gần 800 tỷ đồng trong năm 2018 và nâng số lỗ lũy kế lên tới hơn 5.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel - Viettel Global (Upcom: VGI) mới đây đã có Báo cáo tài chính quý IV.2018.

Lãi ròng sau 5 quý liên tiếp lỗ nặng

Trong quý IV.2018, doanh thu thuần của Viettel Global đạt 4.430 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm là do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV.2018 của doanh nghiệp chỉ đạt xấp xỉ 4.434 tỷ đồng, giảm tương ứng 27% so với cùng kỳ. Trong kỳ, giá vốn hàng bán của Viettel Global cũng được tiết giảm 36% chỉ chiếm 2.898 tỷ đồng.

img 

Bên cạnh đó, các khoản chi phí trong quý đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Chi phí tài chính chiếm 944 triệu đồng, giảm 27%. Chi phí bán hàng chiếm 347 tỷ đồng, giảm 36%. Chi phí quản lý doanh nghiệp chiếm 578 tỷ đồng, giảm 39%.

Nhờ đó, tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong kỳ đạt 16,4 tỷ đồng, vượt xa cùng kỳ năm trước lỗ hơn 645 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 14,9 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái lỗ 754 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ở mức 79 tỷ đồng. Như vậy, sau khi chào sàn ngày 25.09.2018, tại quý đầu tiên Viettel Global đã có lãi sau 5 quý lỗ liên tiếp.

Theo lý giải của Viettel Global, kết quả kinh doanh trên báo cáo tài chính hợp nhất trong quý IV.2018 tăng 102% so với cùng kỳ năm 2017 chủ yếu là do lãi từ hoạt động kinh doanh viễn thông có sự tăng trưởng. Tổng công ty đã giảm hoạt động bán hàng hóa thiết bị vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp để tập trung vào các hoạt động cốt lõi là cung cấp dịch vụ viện thông, tích cực thực hiện các giải pháp tối ưu dòng tiền, tối ưu chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng.

Lợi nhuận cả năm âm 800 tỷ, lỗ lũy kế tới hơn 5.000 tỷ

Lũy kế cả năm 2018, Viettel Global đạt gần 16.862 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 2.100 tỷ đồng so với năm trước, tương đương mức giảm 11%. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu kinh doanh thiết bị giảm từ gần 3.900 tỷ xuống 1.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ viễn thông vẫn tăng 400 tỷ đồng lên 15.561 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp qua đó tăng hơn 500 tỷ đồng lên 4.492 tỷ đồng.

Đóng góp chính vào doanh thu vẫn là 2 thị trường châu Phi và ASEAN, đạt lần lượt là 7.100 tỷ đồng và 6.100 tỷ đồng. Thị trường Mỹ La-tinh đóng góp gần 2.300 tỷ đồng.

img 

Báo cáo tài chính hợp nhất mới công bố của Viettel Global còn cho thấy, doanh nghiệp này tiếp tục lỗ 163 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết trong quý IV.2018. Lũy kế cả năm lỗ 1.419 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân khiến Viettel Global lỗ đó là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá. Theo đó, năm 2018, VGI lỗ hơn 1.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá, tuy nhiên, so với năm 2017, khoản lỗ này giảm khoảng 70% (từ 2.732 tỷ đồng xuống còn 1.081 tỷ đồng).

Cùng với đó là khoản lỗ của các công ty liên doanh liên kết. Năm 2017, lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết đóng góp 439 tỷ đồng vào lợi nhuận của VGI, năm 2018, khoản này lỗ hơn 1.419 tỷ đồng. 

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Viettel Global cũng cho thấy năm 2018 VGI đã chi 15.129 tỷ đồng để  cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác, tăng gần 200% so với năm 2017 là 5.483 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lưu chuyển dòng tiền hoạt động đầu tư của Viettel Global âm tới 10,7 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 300% so với năm 2017 là 3,1 nghìn tỷ đồng. 

Hiện nhóm công ty liên kết của Viettel Global gồm 4 đơn vị: Công ty TNHH Viễn thông Star Telecom (STL) vận hành mạng viễn thông Unitel tại Lào (sở hữu 49%); Công ty TNHH Metcom là công ty liên kết của VTC, hoạt động tại Campuchia (sở hữu 44%) và đáng chú ý là Công ty TNHH Myanmar National Tele & Communications (Mytel) đầu tư mạng viễn thông tại Myanmar (sở hữu 49%) và Công ty TNHH Quốc tế Bitwallet Myanmar kinh doanh ví điện tử tại Myanmar (sở hữu 49%). Hai doanh nghiệp tại Myanmar mới chỉ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6.2018.

Cộng hưởng với các khoản lỗ trong 3 quý liền trước, cả năm 2018, VGI vẫn phải báo lỗ gần 797 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 799 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên hơn 5.073 tỷ đồng bất chấp việc biên lãi gộp hoạt động kinh doanh lên tới 30%.

img 

Nếu so với cùng kỳ, lãi ròng năm 2018 giảm 66% chủ yếu là do ảnh hưởng từ việc hợp nhất kết qủa kinh doanh của công ty mẹ Mytel (là công ty liên kết mà Tổng công ty mới đầu tư tại Myanmar). Ngày 9.6.2018, Mytel chính thức khai trương dịch vụ nên chi phí phát sinh lớn trong khi doanh thu chưa đủ bù chi phí.

Tại thời điểm cuối năm 2018, VGI có tổng tài sản hơn 58.000 tỷ đồng, tăng 12% so đầu năm. Trong đó, nợ phải trả tại ngày cuối niên độ không biến động nhiều so đầu năm, ở mức gần 33.000 tỷ đồng.

Trong năm, VGI đã thay đổi cơ cấu tài trợ nợ khi tăng vay nợ dài hạn đến 41%, đồng thời giảm vay nợ ngắn hạn 30%. Giá trị của vay nợ ngắn hạn và dài hạn được VGI ghi nhận là trên 8.000 tỷ đồng và gần 12.000 tỷ đồng.

Do thua lỗ liên tiếp, nên vốn chủ sở hữu của Viettel Global tuy có tăng từ mức 18.458 tỷ lên trên 25.000 tỷ đồng vào cuối năm 2018, nhưng so với vốn góp là hơn 30,4 nghìn tỷ đồng vẫn âm. Hơn nữa, việc tăng vốn chủ sở hữu chủ yếu là do cổ đông tăng vốn điều lệ từ hơn 22,4 nghìn tỷ lên 30,4 nghìn tỷ trong năm 2018. Trong đó, công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Viễn Thông Quân đội (Viettel) đóng góp tới 99,03% vốn, tương ứng 30.142 tỷ đồng. Năm 2018, ghi nhận lợi ích vốn góp cổ đông âm hơn 2,1 nghìn tỷ tăng so với năm 2017.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem