Vì sao xuất khẩu nông sản giảm tới 22,5%?

Thiên Hương Thứ tư, ngày 01/03/2023 14:29 PM (GMT+7)
"Rất bết bát! Không có đơn hàng mới, nên khó khăn nhiều vô kể" là những lời chia sẻ của đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khi trao đổi với PV Dân Việt về tình hình xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2023.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp thủy sản chưa có đơn hàng mới

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,01 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kì năm 2022. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chính cũng giảm so với cùng kì, trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt khoảng 3,18 tỷ USD, giảm 7,5%; lâm sản chính trên 1,74 tỷ USD, giảm 34,8%... 

Điều này kéo theo tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản 2 tháng đầu năm cũng giảm, đạt khoảng 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kì năm trước. Đây cũng là điều đã được dự báo trước từ cuối năm 2022, nhưng đại diện một số doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng, không ngờ lại giảm mạnh và nhanh như vậy. 

Đối với lĩnh vực thủy sản, 2 mặt hàng được coi là chủ lực của toàn ngành giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu tôm giảm 54,9%, đạt 251 triệu USD; xuất khẩu cá tra 133 triệu USD, giảm tới 64,1%. 

Trao đổi với PV Dân Việt ngày 1/3/2023, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: "Hiện nay chúng tôi vẫn đang đợi báo cáo của Tổng cục Hải quan, tuy nhiên phía Bộ NNPTNT cũng đã có những con số ban đầu về tình hình xuất nhập khẩu nông, lâm thủy sản 2 tháng đầu năm. Nhìn chung rất bết bát. Nhiều doanh nghiệp đến thời điểm này vẫn không có đơn hàng mới". 

Vì sao xuất khẩu nông sản giảm tới 22,5%? - Ảnh 1.

Nông dân An Giang thu hoạch cá tra, cân bán cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ảnh: Dân Việt

Ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh, tình hình tiêu thụ các mặt hàng thủy sản trong quý I/2023 đã được dự đoán trước là rất khó khăn, do tình hình lạm phát dai dẳng, tiêu thụ các nước đều giảm, đặc biệt là với tôm và các mặt hàng giá cao. Doanh nghiệp trong Hiệp hội cũng đã tính toán chuẩn bị trước cho kịch bản này, song không ngờ tình hình lại quá khắc nghiệt. Đơn hàng mới chưa có, trong khi giá nguyên liệu, giá vận chuyển, chi phí, lãi vay... đều tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao. 

"Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn đang phải tiếp tục gồng gánh, cầm cự. Hi vọng hết quý 1, khi các nhà bán lẻ giải quyết hết lượng hàng tồn kho, cộng với thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại thì tình hình sẽ sáng sủa hơn" - ông Hòe nói. 

Theo ông Hòe, xuất khẩu gặp khó khăn, lượng tiêu thụ giảm đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và bà con nông dân. Tuy nhiên đến vụ thì bà con vẫn thả nuôi, bởi không bán cho nước ngoài thì chúng ta còn phải phục vụ thị trường nội địa. 

"Như năm rồi, tôm bán cho thị trường trong nước còn không đủ, dù giá tăng cao" - ông Hòe dẫn chứng. 

Nói về kế hoạch, chiến lược của Hiệp hội cho giai đoạn tới, ông Hòe thở dài nói: "Chưa có chiến lược gì cả, mọi thứ vẫn phải phụ thuộc vào thị trường. Chúng ta phải dựa vào các tín hiệu từ thị trường, nhu cầu của thị trường thì mới đưa ra bài toán hiệu quả được. Căn cứ tình hình này, người tiêu dùng sẽ quay sang mua sản phẩm có giá vừa túi tiền, còn các sản phẩm cao cấp sẽ khó hơn. Theo đó, các nhà sản xuất sẽ phải điều chỉnh lại cơ cấu mặt hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng". 

Trước đó, trong tháng 1/2023, xuất khẩu cá tra giảm sâu tới 61% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 83,6 triệu USD. Đáng chú ý là xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều giảm 2 con số. Ví dụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm mạnh nhất 81%, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 65%.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem