Việc Sở GDĐT TP.HCM lùi giờ vào học của trẻ: Giống như "đẽo cày giữa đường"

Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 31/10/2022 12:29 PM (GMT+7)
Rất nhiều phụ huynh vẫn đưa con đến trường như thời gian cũ mới kịp giờ đi làm, nên việc lùi giờ học cũng không hỗ trợ được gì.
Bình luận 0

Vừa qua, Chánh văn phòng Sở GDĐT TP.HCM thông tin về việc điều chỉnh giờ học đối với học sinh các cấp trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, khối mầm non và tiểu học được điều chỉnh vào học sớm nhất lúc 7h30 phút sáng, khối THCS vào học lúc 7h15 và khối THPT vào học lúc 7h.

Bên cạnh đó, Sở cũng yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6h30 mỗi ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho những phụ huynh cần đưa con đến trường sớm.

Giờ đi học của con phụ thuộc giờ đi làm của phụ huynh: Lùi cũng như không? - Ảnh 1.

Dù được lùi giờ học nhưng nhiều phụ huynh vẫn đưa con đến trường theo giờ cũ để kịp đi làm. Ảnh: MQ

Con lùi giờ học, cha mẹ không lùi giờ làm: Cũng như không!

Đây là động thái được đưa ra sau khoảng thời gian ngắn rộ lên câu chuyện giờ học của học sinh tại TP.HCM đang quá sớm, nhất là đối với khối tiểu học. Điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập, tinh thần của học sinh...

Ngay sau khi Sở GDĐT TP.HCM đưa ra điều chỉnh giờ học, rất nhiều phụ huynh thể hiện sự tán thành, hài lòng với việc điều chỉnh của Sở. Những ý kiến này hầu hết cho rằng, việc học sinh tiểu học được lùi 30 phút giờ vào lớp là rất quan trọng, có thể khắc phục được tình trạng học sinh phải dậy sớm, ăn sáng vội vàng để kịp giờ học. Cả phụ huynh lẫn học sinh đều có thêm thời gian, thoải mái hơn, chuẩn bị được tinh thần tỉnh táo để học tập, làm việc...

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều phụ huynh cho rằng, việc Sở GDĐT lùi giờ học cũng không thay đổi được gì khi mà giờ đến trường của con phụ thuộc vào giờ đi làm của phụ huynh. Những phụ huynh làm việc theo giờ nhà nước (7h hoặc 7h30) Dù có lùi 30 phút hay lùi một tiếng, thì nhiều phụ huynh vẫn phải đưa con đến trường như trước để kịp đi làm.

Trao đổi với Dân Việt, anh T.D (TP.Thủ Đức) cho biết, anh có hai con đang học lớp 1 và 3 trên địa bàn quận. Cả hai vợ chồng anh T.D đều làm việc ở trung tâm thành phố, do đó, dù trường có vào học lúc 7h30 hay 8h thì cũng không thay đổi thời gian đưa các con đi học.

Giờ đi học của con phụ thuộc giờ đi làm của phụ huynh: Lùi cũng như không? - Ảnh 3.

Phụ huynh tranh thủ cho con ăn sáng trong khuôn viên trường trước khi vội vã đi làm. Ảnh: MQ

"Biết là lùi 30 phút thì các con có thêm thời gian để chuẩn bị, ăn uống, thậm chí ngủ nướng... Nhưng giờ vào làm của hai vợ chồng tôi cố định lúc 8h, nếu không đưa con đi học theo giờ cũ thì không thể đến công ty kịp giờ. Vậy nên việc lùi giờ học với chúng tôi không có ý nghĩa gì, mọi thứ vẫn như cũ. Sáng 6h cả nhà cùng dậy, 6h20 ra khỏi nhà, cho các con ăn sáng rồi đưa vào trường", anh D nói.

Tương tự, chị B.H (quận 12) cho biết, con chị hiện đang học lớp 2 tại quận Bình Thạnh. Chị H là viên chức nhà nước, làm việc lúc 7h30 sáng nên sáng nào hai mẹ con cũng rời nhà lúc 6h. 

"Từ quận 12 di chuyển sang Bình Thạnh hết gần 30 phút, cho con ăn sáng khoảng 30 phút nữa và vào trường lúc 7h. Vậy nên dù có lùi giờ học thì chúng tôi vẫn di chuyển theo lịch trình cũ thôi", chị H nói.

Giờ đi học của con phụ thuộc giờ đi làm của phụ huynh: Lùi cũng như không? - Ảnh 4.

Phụ huynh vẫn đưa con tới trường đông nghẹt trước 7h sáng. Ảnh: MQ

Cần có cơ sở khoa học, đừng "đẽo cày giữa đường"

Chị Tiên Thuỷ - một phụ huynh ở quận 5, TP.HCM cho biết: Chương trình dạy và học không thay đổi, do đó nếu vào học muộn sẽ nghỉ học muộn, nghỉ học muộn thì về nhà muộn, làm bài tập và đi ngủ muộn hơn... Việc vào học sớm hay muộn phải tùy từng vùng, không phải nhà ai cũng có điều kiện đưa đón con bất cứ giờ nào. Rất nhiều gia đình phụ huynh đi làm xa, làm sớm, không có người phụ giúp thì phải đưa con đi học trước để đi làm. Điều này đồng nghĩa với việc có học 7h30 hay 8h thì 6h các cháu vẫn phải dậy để đi học thôi. 

"Việc quyết định giờ vào lớp nên áp dụng theo tình hình thực tế, số đông, chứ không thể vì một bộ phận có điều kiện đưa đón rồi làm khổ nhiều gia đình, nhiều học sinh khác", chị Thuỷ nói.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng lo ngại việc kẹt xe sẽ xảy ra nặng nề hơn khi giờ đi học sát với khung giờ đi làm. Điều này sẽ khiến lượng phương tiện đổ ra đường gia tăng vào khung giờ từ 7h đến 8h, trong đó có cả người đưa con đi học lẫn những người đi làm.

Một cựu giáo chức ở TP.HCM cho rằng, việc ấn định giờ vào lớp và tan lớp cần có nghiên cứu thật khoa học, kỹ lưỡng. 

"Tuỳ vào độ tuổi của học sinh, chương trình học, điều kiện kinh tế cũng như đặc điểm địa lý từng vùng (thậm chí tính tới cả yếu tố thời tiết theo từng mùa) để quyết định. Không nên áp đặt một cách tuỳ tiện, cảm tính theo kiểu "đẽo cày giữa đường" có thể gây xáo trộn một cách không cần thiết", vị này nêu ý kiến.

Sở GDĐT TP.HCM cho biết, theo đề án lệch giờ học được thành phố áp dụng 10 năm qua (2006 - 2017), trước đây bậc tiểu học thực hiện chương trình một buổi nên vào học lúc 7h. Tuy nhiên, hiện nay chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai với các khối 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Nhiều trường dạy 2 buổi/ngày, chưa kể chương trình mới cũng có nhiều điểm khác biệt với chương trình năm 2006. Đây là một trong những căn cứ để Sở GDĐT ấn định mốc thời gian vào học sớm nhất với bậc mầm non, tiểu học là 7h30, THCS 7h15 và THPT 7h.

Sở yêu cầu, tùy vào điều kiện cụ thể của từng trường cũng như tình hình giao thông ở các địa phương, các trường sẽ xây dựng giờ vào học, giờ ra về theo hướng lệch ca, lệch giờ với các khối lớp. Đối với các trường nằm trên một cung đường thì phải có sự bàn bạc, thống nhất với nhau để ấn định giờ vào học, giờ ra về lệch nhau, tránh tình trạng kẹt xe trước cổng trường và kẹt xe trên cung đường này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem