Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí: Chia tội phạm trong vụ Việt Á thành 3 loại để xử lý

Nguyễn Hoà Thứ hai, ngày 20/03/2023 15:24 PM (GMT+7)
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 20/3, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, các cơ quan tố tụng đã chia tội phạm trong vụ Việt Á thành 3 loại để xử lý.
Bình luận 0

Chiều 20/3, tiếp tục phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí là người đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa  - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định chất vấn, thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.

Đại biểu đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Viện trưởng Lê Minh Trí: Chia tội phạm trong vụ Việt Á thành 3 loại để xử lý - Ảnh 1.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đăng đàn trả lời chất vấn chiều 20/3. Ảnh: Quốc hội

Trả lời chất vấn, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết vấn đề này ông cũng trăn trở, suy nghĩ và cũng phát biểu ở một số lần ở các hội nghị khác nhau.

Trước hết Viện trưởng và ngành Kiểm sát xác định là sẽ tiếp tục quyết tâm cao trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về việc triển khai hiệu quả với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và nhân dân đang mong muốn hiện nay.  Để bảo vệ chế độ và giữ vững niềm tin của người dân đối với Đảng là chúng ta phải làm tốt điều này.

Chúng ta phải xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu, các đối tượng chủ mưu, vụ lợi, chiếm đoạt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, càng xử lý nghiêm khắc, răn đe giáo dục chung càng tốt.

"Tuy nhiên vấn đề đặt ra, trong thực tiễn các vụ án, việc áp dụng pháp luật hiện nay, có những trường hợp do thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, dưới tham mưu nhưng tham mưu không chính xác, không đầy đủ, đó là sự rủi ro, hoặc có những yếu tố rủi ro, bất cập, bất khả kháng. Những yếu tố đó khi người ta chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, khi thấy sai sửa, giúp cơ quan điều tra làm rõ vụ án, việc này áp dụng miễn, giảm, tha" - Viện trưởng Lê Minh Trí trả lời.

Viện trưởng Lê Minh Trí: Chia tội phạm trong vụ Việt Á thành 3 loại để xử lý - Ảnh 2.

Trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Phương Hoa (ảnh), Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, ông và ngành Kiểm sát xác định là sẽ tiếp tục quyết tâm cao trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Quốc hội

Cũng theo ông Lê Minh Trí, những lỗi vô ý, do khối lượng công việc lớn kiểm soát không được, không có chủ đích chiếm đoạt vụ lợi, thực sự với các điều khoản luật hiện hành hiện nay, ông Trí đề nghị nên rà soát lại các điều luật cụ thể có ảnh hưởng đến việc hậu quả không lớn nhưng vẫn bị xử lý hình sự, nếu không xử lý thì vi phạm pháp luật.

"Vừa rồi các vụ án lớn như vụ Việt Á, Cơ quan điều tra, kiểm sát, kể cả Tòa ngồi lại với nhau, nghiên cứu để đề xuất các cấp thẩm quyền có chủ trương về chính sách hình sự, phân hóa thành 3 loại.

Loại xử lý nghiêm, loại giảm, loại không xử lý hình sự mà chỉ xử hành chính. Nhưng đó là trong từng vụ án cụ thể với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhiều đối tượng thì cơ quan chức năng tham mưu, đề xuất như thế. Để áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc thì chưa có" – người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nói.

Ngoài ra, theo Viện trưởng Lê Minh Trí, bây giờ vận dụng thì làm được nhưng áp dụng đối chiếu với luật là sai. Vận dụng thì nhiệm kỳ này là được, không biết nhiệm kỳ sau có được hay không.

"Vừa qua có kiến nghị với đồng chí Thường trực Ban Bí thư… chúng ta có văn bản quy định 14, chúng ta có quy định 69, trong đó có nói khi chấp hành mệnh lệnh của cấp trên mà làm sai thì không kỷ luật.

Nhưng điều này cũng phải cụ thể hóa bằng luật pháp. Đảng thì chúng ta không kỷ luật nhưng hành vi cụ thể là hành vi vi phạm pháp luật cộng với hậu quả thì chỗ này sẽ vướng" – ông Lê Minh Trí chia sẻ.

Giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là áp lực cho cả ngành kiểm sát và tòa án

Trả lời chất vấn về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, dưới góc độ ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết, luật quy định 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên thực tế ở nước ta có tâm lý sau khi nhận được quyết định bản án có hiệu lực thi hành đương sự có ngay đơn giám đốc thẩm, tình trạng xét xử không có điểm dừng và ngày càng nhiều.

Trách nhiệm xem xét đơn kháng nghị là của cả Tòa án và Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, 2 ngành cùng giải quyết 1 vụ việc thì ngành nào thuận lợi hơn thì ngành kia không làm, thì lại không đạt tỷ lệ giải quyết. Đối với những vụ việc mà Viện Kiểm sát có hồ sơ thì đều giải quyết đạt trên và vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên, nếu tính cứ có đơn là phải giải quyết thì ngành kiểm sát không đạt bởi nhiều vụ việc không có hồ sơ.

Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm áp lực lớn cho cả Tòa án và Viện Kiểm sát. Thời gian tới người dân nhận thức được điểm dừng, đồng thời các ngành tư pháp nâng cao chất lượng giải quyết. Ngành kiểm sát cũng nỗ lực, cử kiểm sát viên phân loại và xử lý, kiểm soát tỉ lệ giải quyết đơn. Theo đó, đồng bộ từ quy định pháp luật, nhận thức của người dân và nỗ lực của ngành thì mới có thể kiểm soát được tỉ lệ giải quyết.

Về án hành chính, ông Lê Minh Trí cho biết hiện nay phần lớn án hành chính liên quan đến đất đai. Thời gian tới, cần giải quyết những bất cập trong Luật Đất đai hạn từ đó hạn chế khiếu kiện tranh chấp, giá trị đất đai xác định khách quan.

Mặt khác, trong án hành chính có yếu tố cả nể. Cùng với đó, án hành chính liên quan đến quá trình dài, tính chất phức tạp, hồ sơ tài liệu không phải lúc nào cũng được cơ quan hành chính cung cấp đầy đủ, hay việc tham gia phiên tòa của người đứng đầu cơ quan bị khởi kiện hạn chế, hay khi bản án có hiệu lực thi hành thì không phải lúc nào cũng được nghiêm túc thi hành. Từ những nguyên nhân trên ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết án hành chính. Do đó, cần xem xét căn cơ từ pháp luật đến mối quan hệ giữa các cơ quan trong hệ thống.

Về giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng đây là vấn đề lớn, vĩ mô liên quan đến nhiều cấp ngành. Dưới góc độ của ngành kiểm sát, vị Viện trưởng kiến nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, nhà nước, tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật động bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác.

Đồng thời cần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kịp thời chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng giải quyết xử lý, tăng tính răn đe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem