Việt Nam có thêm 2,2 tỷ người tiêu dùng từ RCEP: Không chỉ màu hồng

An Vũ Thứ ba, ngày 17/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết chính thức với 15 thành viên - 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Theo các chuyên gia kinh tế, RCEP mang lại cho Việt Nam thị trường rộng lớn nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.
Bình luận 0

8 năm đàm phán RCEP

Trưa 15/11, RCEP được ký kết theo hình thức trực tuyến, đặt ra kỳ vọng là hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới mang lại lợi ích lớn cho tất cả các nước thành viên.

Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu từ cuối năm 2012 tại Hội nghị cấp cao ASEAN 21 diễn ra tại Campuchia. Theo đề xuất ban đầu là 10 nước ASEAN và 6 đối tác, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Ấn Độ.

Tuy nhiên, vào tháng 11/2019, Ấn Độ rút khỏi RCEP do các vấn đề chưa được giải quyết.

Lợi ích và thách thức từ RCEP với Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký Hiệp định RCEP. Ảnh: TTXVN.

RCEP là hiệp định năng động và có quy định: 18 tháng sau khi RCEP có hiệu lực, các nước khác có quan tâm và mong muốn tham gia hiệp định này có thể nộp đơn xin tham gia hiệp định, việc tham gia này sẽ được quyết định theo thống nhất chung của nước này với tất cả các thành viên của Hiệp định RCEP.

Với riêng Ấn Độ, 15 nước tham gia đàm phán cũng đã thống nhất có cơ chế riêng mang tính thuận lợi hơn để nước này có thể sớm quay lại tham gia RCEP khi điều kiện cho phép.

Sau khi Ấn Độ rút ra, khu vực RCEP có 2,2 tỷ dân, chiếm 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu.

RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp ở các nước thành viên, đặc biệt những nước có quan hệ thương mại lớn và là những đối tác thương mại lớn của nhau.

RCEP: Thị trường rộng nhưng cạnh tranh khốc liệt

Về ý nghĩa của RCEP mang lại, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), RCEP được ký kết và đi vào thực thi sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 14 thị trường trong khối, với phần lớn người tiêu dùng không quá khó tính (ngoại trừ Nhật Bản, Australia, New Zealand). Nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.

RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, bởi chỉ tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của nước ta hàng năm vượt 30 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, với chủ yếu là nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…

Lợi ích và thách thức từ RCEP với Việt Nam - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia kinh tế, RCEP mang lại cho Việt Nam thị trường rộng lớn nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.

Theo Bộ Công thương, năm 2019, nước ta nhập từ ASEAN 32,1 tỷ USD, năm 2020 dự kiến nhập 32,2 tỷ USD, nhập siêu lần lượt là 6,85 và 8,6 tỷ USD.

Đồng thời, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất doanh nghiệp được Việt Nam nhập khẩu từ các nước RCEP cũng sẽ được xem như là nguồn nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước có ký kết hiệp định song phương, đa phương với Việt Nam.

Ngoài ra, với RCEP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Chính vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, RCEP là ưu tiên trong chiến lược hội nhập của Việt Nam. Ông Trần Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, thì EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020 và RCEP chuẩn bị ký kết sẽ có tác động tích cực giúp hồi phục và phát triển kinh tế, đồng thời tạo ra một cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy tự do hóa.

Tuy nhiên, RCEP cũng không phải là mầu hồng. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…

Không chỉ là chuyện xuất khẩu hàng hóa, gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, cải cách hải quan, mà RCEP sẽ là hiệp định mang tính toàn diện, mở rộng cho tự do đầu tư trực tiếp, thương mại dịch vụ, kể cả dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics, bán hàng điện tử với các nước thành viên, trong đó có Trung Quốc 

Tương tự như vậy, GS Nguyễn Mại (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài) cho rằng, cơ hội mà RCEP mang lại cũng sẽ đi kèm với những thách thức lớn về sức ép cạnh tranh.

Theo GS Nguyễn Mại, để có thể tận dụng tốt những gì RCEP mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần phải sớm cải thiện năng lực cạnh tranh trước khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, việc sớm  cải thiện năng lực về công nghệ cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố rất quan trọng.

Khi so sánh RCEP với CPTPP, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, nếu như EVFTA và CPTPP mang lại cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn, hướng đến thị trường khó tính, đưa ra các điều kiện cao giúp doanh nghiệp nội địa biết tự nâng mình lên, nâng chất lượng hàng hóa lên; thì RCEP là một thị trường mênh mông hơn, nhưng tiêu chuẩn thấp hơn, mà trong đó, Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem