Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu như thế nào?

P.V Thứ hai, ngày 18/07/2022 06:32 AM (GMT+7)
Năm 2021, Việt Nam chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chủ đạo đều tăng so với năm 2020. Con số này của 5 tháng đầu năm 2022 là 2,04 tỷ USD.
Bình luận 0

60% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phụ thuộc nhập khẩu

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thức ăn chăn nuôi gia súc và nguyên liệu về Việt Nam tháng 5/2022 tăng mạnh trở lại, tăng 53,7% so với tháng 4/2022 và cũng tăng 36% so với tháng 5/2021, đạt 605,12 triệu USD. 

Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu nhóm hàng này đạt trên 2,04 tỷ USD, giảm nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Achentina vẫn luôn là thị trường cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất cho Việt Nam - chủ yếu là ngô và đậu tương, chiếm 26,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt trên 549,72 triệu USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó riêng tháng 5/2022 đạt 168,4 triệu USD, tăng mạnh 43,9% so với tháng 4/2022 nhưng giảm 22% so với tháng 5/2021.

Đứng thứ 2 là thị trường Brazil chiếm tỷ trọng 21,4%, đạt trên 437,42 triệu USD, tăng rất mạnh 178,4%; riêng tháng 5/2022 nhập khẩu từ thị trường này đạt 139,93 triệu USD, tăng mạnh 63,7% so với tháng 4/2022 và tăng 266,8% so với tháng 5/2021.

Tiếp đến thị trường Mỹ trong tháng 5/2022 tăng mạnh 167,8% so với tháng 4/2022 và tăng 93% so với tháng 5/2021, đạt 95,83 triệu USD; cộng chung cả 5 tháng đầu năm 2022 nhập khẩu từ thị trường này giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2021; đạt 278,01 triệu USD, chiếm trên 13,6% trong tổng kim ngạch.

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại về Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2020. 

Như vậy, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm qua cao hơn năm 2020 tới hơn 1 tỷ USD (năm 2020 đạt 3,841 tỷ USD) và là mức cao nhất trong lịch sử nhập khẩu nhóm hàng này.

Việt Nam đang phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu như thế nào? - Ảnh 1.

5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chi 2,04 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là ngô và đậu tương. Trong ảnh: Nông dân liên kết trồng ngô ở Lào Cai. Ảnh: TCTC.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tính toán, nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đạt 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm. Trong đó, quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) dành cho ngành gia cầm.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu làm giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn ở mức cao. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh do nhà hàng, khu công nghiệp giảm tiêu thụ.., khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Dự báo, giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chính có thể tăng trong năm 2022, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chi phí logistics chưa thể hạ nhiệt. Việc này sẽ gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng 6 lần

Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp đã tăng giá cám 6 lần. Trung bình mỗi tháng tăng 1 lần, mỗi lần tăng 400 đồng/kg, tương đương 10.000 đồng/bao cám 25kg. Như vậy, bình quân giá 1 bao cám hiện khoảng 600.000 đồng.

Để nuôi 1 con heo từ khi cai sữa tới lúc xuất chuồng, tiêu tốn hết khoảng 6 bao cám, tương đương 3,5 - 3,5 triệu đồng.

Giá cám tăng phi mã, giá thuốc thú y cũng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Các loại chi phí vận chuyển, bốc xếp cũng tăng từng ngày, ví dụ chi phí vận chuyển trước đây 4.000-5.000 đồng/bao, nay tăng lên 8.000 đồng/bao.

"Tình hình này khiến người chăn nuôi vô cùng lo lắng, bức xúc, bởi cái gì cũng tăng mà giá heo hơi thì dưới giá thành suốt mấy tháng trời. Giá heo hơi phải đạt trên 60.000 đồng/kg nông dân mới có lãi, đó là trang trại đáp ứng được điều kiện an toàn dịch bệnh. Còn nếu trại nào không đảm bảo, bị dịch bệnh thì kiểu gì cũng lỗ" – ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nói.

Cũng theo lời ông Đoán: "Thực trạng hiện nay là người chăn nuôi đang lâm vào ngõ cụt. Nếu tiếp tục duy trì chăn nuôi thì phải chấp nhận lỗ".

Nói về giải pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, Chính phủ sẽ rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. 

Tập trung chỉ đạo đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem