Việt Nam hỗ trợ Singapore trước nguy cơ thiếu lương thực vì dịch Covid-19
Trước tình hình trên, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã chủ động kết nối với các Hiệp hội ngành hàng của hai nước nhằm tranh thủ cơ hội thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore.
Trước đó, từ tháng 2/2020, Đoàn các nhà nhập khẩu rau củ quả Singapore đã tới Việt Nam nhằm kết nối, tìm nguồn cung. Sau đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ tại nước này tiếp tục bám sát các đối tác nhằm kịp thời nắm bắt các đơn hàng mua sắm công của Chính phủ Singapore. Sau đó, Thương vụ nhanh chóng thông tin cho các doanh nghiệp trong nước.
"Tính riêng trong tháng 3/2020, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã kết nối được hơn 20 đơn hàng trong các lĩnh vực mặt hàng khác nhau (cà phê, mì ăn liền, khoai lang, bắp cải, bí, cà tím, dứa, dưa hấu, thanh long…), ước khoảng 500 tấn hàng từ Việt Nam.
Theo thống kê của Cục doanh nghiệp Singapore, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn trong tháng 2/2020 đã tăng 49% so với tháng 1/2020 và tăng 102.78% so với cùng kỳ năm 2019", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết.
Đáng chú ý, trong chuỗi hoạt động lần này, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã đề xuất với hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines cùng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Hiện tại, nhằm tuân thủ quy định của hai nước về việc đóng cửa biên giới nhằm kiểm soát và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Vietnam Airlines sẽ hủy tất cả các chuyến bay phục vụ hành khách từ Việt Nam sang Singapore và ngược lại.
"Tuy nhiên, Vietnam Airlines sẽ vẫn duy trì các chuyến bay chở hàng từ Singapore đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại nhằm đảm bảo thông thương hàng hóa, vật tư giữa hai nước.
Đặc biệt, đối với các đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam xuất sang Singapore, Vietnam Airlines sẽ dành ưu đãi mức giá vận chuyển thấp hơn mức giá của thị trường", đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết thêm.
Được biết, trong những tuần gần đây, trước sự bùng phát của Covid-19, hình ảnh người dân khắp nơi tranh nhau vơ vét gạo và các loại thực phẩm ở siêu thị lập tức làm dấy lên vấn đề an ninh lương thực. Đặc biệt tại đảo quốc Sư tử, nơi 6 triệu dân hầu như không có đất nông nghiệp đã khiến chính quyền lo lắng.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, trong năm 2018, Singapore là nước đứng đầu về chỉ số an ninh lương thực toàn cầu trong số 113 quốc gia xét theo một số tiêu chí cơ bản. Tuy nhiên, khi tính đến những rủi ro liên quan đến khí hậu và tài nguyên thì đã bị tụt xuống vị trí thứ 12 trong năm 2019.
Bên cạnh đó, Singapore không được đánh giá cao về khả năng bảo an ninh lương thực do không có tài nguyên thiên nhiên, đất đai và nguồn nước dồi dào. Do đó, đảo quốc này cần có các chính sách rõ ràng để bảo vệ nguồn cung cấp cũng như một số khả năng sản xuất trong nước.
Do nguồn tài nguyên khan hiếm trong khi lại có lợi thể phát triển tốt hơn những lĩnh vực khác có giá trị kinh tế cao hơn nông nghiệp nên Singapore lâu nay vẫn thường theo đuổi chính sách đa phương hóa nguồn nhập khẩu thực phẩm.