Việt Nam khó đạt tăng trưởng GDP 2020 là 6.8%, vì… Covid-19

Quốc Hải Thứ hai, ngày 16/03/2020 15:44 PM (GMT+7)
Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6,8%. Nhưng điều quan trọng là Việt Nam đã đẩy nhanh được việc tạo lập các nền tảng cho tăng trưởng cao trong tương lai…
Bình luận 0

Theo SSI, các nỗ lực kích thích kinh tế đồng thời bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ giảm thiểu những thiệt hại từ dịch bệnh, tăng trưởng sẽ được bù đắp từ cuối 2020 và năm 2021, khi hàng loạt các dự án hạ tầng bằng vốn đầu tư công bắt đầu lan tỏa sang các thành phần kinh tế.

Chính phủ các nước ứng phó ra sao với Covid-19?

Ở thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh vẫn là một ẩn số nhưng các tác động của nó đến thương mại, sản xuất và du lịch toàn cầu đang ngày càng hiển hiện khiến các Chính phủ không thể đứng yên.

Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6.8% vì… Covid-19 - Ảnh 1.

Các ngân hàng tung gói hỗ trợ cho DN mùa dịch Covid-19 (Ảnh: IT)

Tại Trung Quốc, nền kinh tế quốc gia này vốn đang xuống sức sau 18 tháng đối đầu thương mại với Mỹ lại phải ứng phó với dịch bệnh bùng phát đã khiến NHTW Trung Quốc tiếp tục mạnh tay nới lỏng tiền tệ như: Hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 bps (điểm cơ bản), giảm 5 bps lãi suất cho vay trung dài hạn và 10 bps lãi suất cho vay cơ bản, bơm mạnh tiền trên thị trường mở… Hiện tại, tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc là 12.5% với các NHTM lớn, lãi suất MFL và LPR kỳ hạn 1 năm lần lượt là 3.25% và 4.05%/năm, vẫn là mức khá cao nên Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc còn có thể tiếp tục mở rộng quy mô nới lỏng.

Một số nước chịu ảnh hưởng trực tiếp như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Nga… tiếp bước theo Trung Quốc khi giảm 25 bps lãi suất điều hành.

Trong khi đó, đầu tháng 3, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải hạ lãi suất khẩn cấp 50 bps vào ngày 3/3/2020 và tiếp tục hạ thêm 100 bps xuống mức 0-0.25% vào 15/3/2020, đồng thời bơm 1.000 tỷ USD trên thị trường mở và mua vào 700 tỷ USD trái phiếu.

Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6.8% vì… Covid-19 - Ảnh 2.

Tương quan lãi suất điều hành với GDP và chỉ số chứng khoán Mỹ

Như vậy, có thể thấy làn sóng nới lỏng toàn cầu được kích hoạt, chỉ từ đầu tháng 3 đến nay đã có thêm 20 nước giảm lãi suất điều hành từ 25-100 bps trong đó có Anh, Canada, Úc, Hồng Kông.

Đặc biệt, nếu tính từ giữa 2019 đến nay, lần giảm lãi suất này đa phần đã là đợt giảm thứ 3 và 4 của các NHTW, vùng lãi suất điều hành hiện tại đã rất thấp: Mỹ 1-1.25%; Anh 0.25%; EU 0%; Úc 0.25%; Canada 1.25%... thậm chí lãi suất âm 0.1% đã được duy trì trong một thời gian dài ở Nhật Bản.

Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6.8% vì… Covid-19 - Ảnh 3.

Lãi suất điều hành của các NHTW lớn từ 2000 đến nay

Bên cạnh việc nới lỏng tiền tệ, chính sách nới lỏng tài khóa cũng được thực hiện đồng thời. Theo đó, cũng như giai đoạn 2008, để trợ lực cho chính sách tiền tệ trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, các Chính phủ đang nới lỏng tài khóa thông qua tăng chi tiêu chính phủ và giảm/hoãn thuế. 

Chẳng hạn, Singapore đã công bố gói ngân sách trị giá 4.6 tỷ USD; Nhật Bản cung cấp gói chi tiêu khẩn cấp 4.1 tỷ USD; Anh thông qua dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc 106 tỷ bảng; Trung Quốc công bố một loạt chính sách ưu đãi thuế với các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Chính phủ Mỹ đang đề xuất giảm thuế bảng lương về 0%; Hàn Quốc thông qua gói ngân sách bổ sung 9.8 tỷ USD; Malaysia miễn thuế TNCN cho lao động trong ngành du lịch;…

Chính phủ Việt Nam "phản ứng" gì?

Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều có các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa, Việt Nam đã có những phản ứng khá kịp thời. Cụ thể, về chính sách tiền tệ: Tính đến 4/3/2020, có 926 nghìn tỷ đồng của 23 NHTM, tương đương 14.27% tổng dư nợ 23 NHTM và 11.3% dư nợ cho vay toàn hệ thống, đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Ngày 13/3/2020, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, văn bản hóa các chỉ đạo trước đó trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng. Theo đó, các NHTM đã hỗ trợ trên 44.000 khách hàng được tái cơ cấu, miễn, giảm lãi vay; 32/45 ngân hàng tham gia miễn/giảm phí giao dịch.

"NHNN cũng công bố sẽ sớm giảm lãi suất điều hành, chúng tôi cho rằng việc giảm lãi suất sẽ thực hiện ngay trong tháng 3/2020 và mức giảm là 50 bps với các lãi suất OMO, Tín phiếu, Tái cấp vốn, chiết khấu – cao hơn so với mức cắt giảm 25 bps vào 9/2019. Các lãi suất điều hành không tác động trực tiếp tới lãi suất huy động và cho vay doanh nghiệp và dân cư nhưng có thể kéo giảm lãi suất trên liên ngân hàng, hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM" - đại diện Công ty Chứng khoán SSI dự báo.

Bên cạnh đó, các gói tín dụng với tổng trị giá 285 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0.5-2%/năm cũng đang được các NHTM triển khai với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy vậy, việc hấp thụ gói tín dụng này sẽ hạn chế bởi hoạt động sản xuất kinh doanh đang đình trệ.

"Thực tế, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 0.06%, mức thấp nhất so với cùng kỳ của 6 năm trở lại đây, tức là chỉ có 5.000 tỷ đồng được giải ngân trong 2 tháng qua. Bởi vậy, thời điểm hiện tại, NHNN vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ hết sức thận trọng, điều tiết cung tiền chặt chẽ qua thị trường mở", SSI nhận định.

Về chính sách tài khóa, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công - giải pháp được coi là cấp bách và hiệu quả nhất để kích thích nền kinh tế. Một ví dụ là Chính phủ đã chuyển đổi 3 trong 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) của dự án đường cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công, kiến nghị Quốc hội quyết định để khởi công trong tháng 8/2020. Tổng vốn đầu tư của 3 dự án chuyển đổi là 33.610 tỷ đồng chiếm 38% tổng vốn đầu tư của 8 dự án PPP hiện tại (88.234 tỷ đồng).

Việc chuyển sang đầu tư 100% từ vốn ngân sách sẽ giúp các dự án nhanh chóng được triển khai vì các dự án theo hình thức PPP thường bị trì hoãn do các NHTM không muốn cho vay.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đang gửi xin ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ ban hành. Theo đó, gia hạn thuế GTGT phải nộp trong quý 1 và 2/2020 đến trước 31/12/2020, ước tính khoảng 22.600 tỷ đồng; gia hạn thuế đất phải nộp đầu kỳ năm 2020 đến trước 31/10/2020, ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng; gia hạn thuế GTGT, thuế TNCN 2020 của cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng đến trước 15/12/2020, ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tổng giá trị thuế được gia hạn là 30.100 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem