Việt Nam muốn đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gỗ, thu 25 tỷ USD vào năm 2030

Khánh Nguyên (ghi) Thứ tư, ngày 30/03/2022 08:20 AM (GMT+7)
Đó là một trong những mục tiêu hàng đầu trong Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), ngành sẽ tập trung xây dựng, hình thành các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình luận 0

3 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ đạt 4 tỷ USD

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 327/2022/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 25 tỷ USD. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Đề án với việc phát triển ngành chế biến và xuất khẩu hiện nay?

Ngành chế biến và xuất khẩu gỗ ngày càng chứng tỏ là một ngành kinh tế có đóng góp to lớn trong tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Chính vì vậy, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 327/2022/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; đưa Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Ưu tiên xây dựng thương hiệu gỗ Việt - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, mục tiêu của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong giai đoạn tới là tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế.

Theo đề án này, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD; 25 tỷ USD vào năm 2030, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD. 

Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến. Đặc biệt, đề án đặt ra mục tiêu 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đề án đặt ra là hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ. 

Phát triển, mở rộng các khu, cụm công nghiệp chế biến gỗ tại các địa phương có tiềm năng, lợi thế phát triển; xây dựng 1 trung tâm triển lãm đồ gỗ quốc gia tầm cỡ quốc tế. Phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường. 

Tiếp tục duy trì, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và mở rộng thị trường mới có nhiều tiềm năng, lợi thế.

Ưu tiên xây dựng thương hiệu gỗ Việt - Ảnh 2.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của sản phẩm gỗ Việt. 2 tháng đầu năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt 1,49 tỷ USD. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Lâm Việt. Ảnh: Cao Cẩm.

Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD. Ông đánh giá thế nào về dư địa của ngành chế biến gỗ để đạt được mục tiêu này?

-Tôi nghĩ dư địa xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam vẫn rất lớn vì liên tục mấy năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đều liên tục lập kỷ lục mới, riêng năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt 15,8 tỷ USD. 

Còn trong 3 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 4 tỷ USD, tăng 9,45% so với cùng kỳ năm 2021.

Tất nhiên, chúng ta cũng phải tính đến những tác động về thị trường, khó khăn trong vận chuyển có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhưng nhu cầu của thị trường đối với phẩm gỗ Việt vẫn rất lớn.

Một trong những mục tiêu của Đề án là 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Để đạt được mục tiêu này, công tác phát triển rừng sẽ được ưu tiên như thế nào, thưa ông?

-Hiện, chúng ta đã chủ động được 80% nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ xuất siêu của sản phẩm gỗ.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng phục vụ chế biến, trong thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy mạnh nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất; phấn đấu ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận.

Phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, ưu tiên trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào phát triển rừng thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích về đất đai, tín dụng, bảo hiểm, thuế, thị trường. 

Phấn đấu diện tích rừng gỗ lớn đạt khoảng 30% tổng diện tích rừng trồng mới. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m3/năm vào năm 2025; sử dụng hiệu quả nguồn gỗ cây cao su, cây phân tán, cây đặc sản; đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản.

Ưu tiên xây dựng thương hiệu gỗ Việt - Ảnh 3.

Ngành lâm nghiệp phấn đấu phát triển diện tích rừng trồng trong nước để đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản. Ảnh: I.T

Xây dựng thương hiệu gỗ Việt, mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ

Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ ưu tiên những giải pháp gì?

-Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu phát triển công nghiệp chế biến lâm sản gắn với quá trình cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát triển các khu công nghiệp chế biến lâm sản công nghệ cao, các cụm công nghiệp ngành gỗ và chế biến lâm sản tại những nơi có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, giao thông thuận lợi, kết cấu hạ tầng đồng bộ đảm bảo cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như: thiết bị chế biến gỗ, keo, sơn phủ bề mặt, phụ kiện,....

Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi; phát triển đồng bộ các khâu của chuỗi giá trị lâm sản từ sản xuất, khai thác, chế biến đến tiêu thụ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất và đặc điểm, lợi thế của từng ngành hàng, từng vùng; gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm chế biến cho phù hợp nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; phát triển các hình thức thương mại hiện đại, ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ để phát triển thương mại điện tử cùng với xây dựng thương hiệu gỗ Việt và sử dụng nguồn gỗ hợp pháp, được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm cho các mặt hàng xuất khẩu.

Phát triển lâm sản ngoài gỗ, đẩy mạnh gây trồng, sử dụng, chế biến sâu các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh, có giá trị kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế của các vùng, miền như: mây tre, dược liệu, dầu nhựa, thực phẩm, các chế phẩm hữu cơ. 

Có cơ chế, chính sách để chủ rừng được quản lý, khai thác, phát triển và sử dụng bền vững, lâm sản ngoài gỗ.

Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 02/2022 đạt 559,6 triệu USD, tăng 0,6% so với tháng 02/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ đạt 1,49 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng nhanh sang thị trường này góp phần thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ, sản phẩm gỗ phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường và lao động.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem