Việt Nam nhập siêu gần 4 tỷ USD nửa đầu tháng 2/2022, vì sao?

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 19/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 2/2022, Việt Nam nhập siêu gần 4 tỷ USD.
Bình luận 0

Cụ thể, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 2 (1-15/2), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 8,75 tỷ USD. Trong đó, 3 nhóm hàng đạt kim ngạch "tỷ đô" trong thời gian này là điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị.

Tuy nhiên, cũng trong thời gian trên, nhập khẩu hàng hóa vào nước ta đạt 12,66 tỷ USD. Trong đó, 2 nhóm hàng tỷ đô là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng. Như vậy, trong nửa đầu tháng 2, nước ta nhập siêu gần 4 tỷ USD.

Nguyên nhân khiến kim ngạch xuất nhập khẩu đạt thấp trong nửa đầu tháng 2 là do đây là dịp có kỳ nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần dài ngày. Khi hoạt động sản xuất trở lại, kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng cao trong nửa cuối tháng 2 và những tháng tới. Cùng với đó, cán cân thương mại cũng kỳ vọng sẽ đảo chiều.

Việt Nam nhập siêu gần 4 tỷ USD nửa đầu tháng 2/2022, vì sao? - Ảnh 1.

Tính từ đầu năm 2022, Việt Nam đã nhập siêu hơn 2,5 tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)

Tính chung từ đầu năm đến 15/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 81,68 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập siêu hơn 2,5 tỷ USD (tháng 1/2022, Việt Nam xuất siêu 1,4 tỷ USD).

Năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam được nhận định vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn cần phải giải quyết. Đó là yếu tố thiếu bền vững, quy mô xuất khẩu tăng cao, nhưng giá trị gia tăng còn thấp; nhiều ngành hàng còn xuất khẩu sản phẩm thô, sơ chế và phải nhập khẩu thành phẩm đã qua chế biến. Đặc biệt, tỷ trọng của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước trong tổng xuất khẩu còn thấp.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết.

Ngoài ra, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Thông tin về chiến lược xuất khẩu trong năm 2022, Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này xác định sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem