Việt Nam nuôi loại thủy sản này nhiều nhất thế giới rồi chế biến bán cho Mỹ, Nhật Bản thu gần 4 tỷ USD

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 18/02/2022 12:31 PM (GMT+7)
Do nhu cầu tăng cao từ thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn có rất nhiều dư địa tăng trưởng.
Bình luận 0

Mỹ, Nhật Bản, EU tăng mua, xuất khẩu tôm lội ngược dòng ngoạn mục

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhờ sức mua tăng từ thị trường Mỹ năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 415.600 tấn, trị giá 3,85 tỷ USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với năm 2020. 

Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh ngành sản xuất tôm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 bùng phát vào quý 3/2021.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2021 quốc gia này đã tăng mạnh nhập khẩu tôm, với trên 897.000 tấn, trị giá trên 8 tỷ USD, tăng lần lượt 20% và 24% so với năm 2020.

Trong đó, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam hơn 88.000 tấn tôm, tăng 33% so với năm 2020. Giá trung bình tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ tăng 4%, từ 10,5 USD/kg lên 11 USD/kg.

Trên thị trường Mỹ, tôm Việt Nam cũng gia tăng được khả năng cạnh tranh khi Mỹ tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm NK từ Ấn Độ (nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ)

Giá xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 12/2021 trung bình đạt 9,41 USD/kg, tăng 0,95 USD/kg so với tháng 12/2020 và tăng 0,32 USD/kg so với tháng 11/2021.

Giá xuất khẩu trung bình tôm của Việt Nam năm 2021 đạt 9,27 USD/kg, tăng 0,29 USD/kg so với cùng kỳ năm 2020.

Diện tích nuôi một loại thủy sản của Việt Nam đứng đầu thế giới, Mỹ ngày càng ưa chuộng - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm vẫn rất triển vọng trong năm 2022. Ảnh: VASEP.

Xuất khẩu tôm vẫn là "át chủ bài" của ngành thủy sản năm 2022

Theo ước tính, tháng 1/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục tăng nhưng tốc độ không cao do trùng dịp nghỉ tết Nguyên đán Nhâm Dần, đạt 26.000 tấn, trị giá 225 triệu USD, tăng 2,65% về lượng và tăng 2,26% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, dịch Covid – 19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp và khó lường với biến chủng mới, nhưng nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của thế giới năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành tôm Việt Nam. 

Trong thời gian tới, tôm sẽ tiếp tục là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực và tiềm năng của Việt Nam. 

Hiện nay, diện tích nuôi tôm của cả nước đạt trên 740.000 ha với sản lượng trên 900.000 tấn/năm. Riêng sản lượng tôm sú Việt Nam đạt trên 250.000 tấn, đứng đầu thế giới.

 Dù diện tích nuôi tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm, nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm trong những năm vừa qua.

 Điều này cho thấy quy trình nuôi tôm đã có sự cải thiện, năng suất cao hơn so với trước đây. 

Trên cơ sở đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định trong vài năm tới, ngành tôm còn nhiều động lực để tăng trưởng, giai đoạn 2022 - 2025 có thể tăng trưởng khoảng 9%/năm; đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt 5,6 tỷ USD.

 Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, để đảm bảo tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp ngành tôm cần chú ý để vượt qua các rào cản ở các thị trường quan trọng như: vụ kiện chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ; quy định kiểm tra của Nhật Bản đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam;...

Bên cạnh đó, sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước sản xuất lớn như Ecuador và Ấn Độ.

Tại Ecuador chỉ có 250.000ha nuôi tôm nhưng sản lượng tương đương Việt Nam. Do đó, giá thành tôm nuôi của Ecuador chỉ bằng 1/2- 1/3 của Việt Nam. 

Giá thành nuôi tôm của Ấn Độ cũng thấp hơn Việt Nam từ 20-30%, bởi tôm được thả với mật độ thấp chỉ 30 - 60 con/m2 nên môi trường ít bị ô nhiễm, tỉ lệ sống cao, giá nhân công thấp. 

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, trong những năm qua, mặc dù tôm của Việt Nam có giá thành cao, nhưng vẫn xuất khẩu thành công do có công nghệ chế biến tôm đứng đầu thế giới, với nhiều mặt hàng cao cấp, giá trị gia tăng cao, hàng ăn liền. 

Tuy nhiên, lợi thế này nhiều khả năng sẽ không còn trong thời gian tới do các nước cung cấp tôm lớn khác cũng đang có xu hướng nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm tôm xuất khẩu. 

"Do đó, ngành tôm cần nghiên cứu thay đổi quy trình nuôi nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm" - Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem