Hết ưu đãi thuế, doanh nghiệp ô tô Việt Nam lại kêu khó

An Linh Thứ tư, ngày 08/03/2023 11:14 AM (GMT+7)
"Nếu không được giảm 50% phí trước bạ và gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, năm 2023 toàn thị trường xe Việt Nam có thể thiệt hại hơn 8,5 vạn chiếc, từ 2023 trở đi, Việt Nam có thể mất khoảng 1,8 triệu chiếc xe", Tập đoàn Thành công đưa ra cảnh báo.
Bình luận 0

Đồng loạt 2 hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI), Hiệp hội sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình và Tập đoàn Thành Công vừa đề xuất Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Chính phủ "biệt đãi" xe trong nước thông qua hình thức gia hạn (nộp chậm) thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe trong nước đăng ký lần đầu…

Việt Nam mất 1,8 triệu chiếc xe nếu ngành ô tô không được ưu đãi

Đáng lưu ý, Tập đoàn Thành Công, đơn vị lắp ráp xe Hyundai tại Việt Nam cho biết, ngoài sự suy giảm về lượng xe, nếu không có các chính sách hỗ trợ, tốc độ ô tô hoá tại Việt Nam có thể sẽ chậm lại.

Cụ thể, theo Tập đoàn Thành Công, năm 2023 kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khó khăn do tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 chỉ 2%, thậm chí theo cảnh báo của Chủ tịch ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần đến nguy cơ suy thoái.

Việt Nam sẽ mất 1,8 triệu xe hơi nội địa, "ô tô hoá" bị chậm lại nếu không được "biệt đãi'? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp, hiệp hội và một số địa phương kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm phí trước bạ và gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB.

Tập đoàn này đưa ra hàng loạt tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và các hệ luỵ như áp lực lạm phát và mất giá của VND, thu ngoại tệ giảm, sản lượng tiêu thụ xe ô tô bắt đầu suy giảm đột ngột…

"Doanh số toàn thị trường xe ô tô cả năm 2023 có thể bị sụt giảm 17,5% so với năm 2022, tương đương hơn 85.500 xe. Về trung hạn, việc sụt giảm lượng xe năm 2023 có thể kéo theo tốc độ "ô tô hoá" tại Việt Nam chậm lại", Tập đoàn Thành Công cho biết.

Theo doanh nghiệp này, nếu doanh số năm 2023 suy giảm kéo theo đà suy giảm những năm tiếp theo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mất đi 37% doanh số, tương đương khoảng 1,8 triệu chiếc xe.

Nhà lắp ráp xe ô tô Hyundai tại Việt Nam nhấn mạnh, trong giai đoạn 2020-2022, nhờ các chính sách giãn, hoãn nộp các loại thuế đã giúp các doanh nghiệp ô tô có thêm thời gian cân đối nguồn vốn, đảm bảo thu chi để tập trung sản xuất, vượt qua khó khăn… Tuy nhiên, các chính sách chỉ được áp dụng riêng lẻ, thời gian ngắn nên tác động tích cực chưa đủ sâu rộng, tạo bản lề giúp khôi phục hoàn toàn thị trường.

Đồng loạt đề xuất gỡ khó cho ô tô nội địa

Tập đoàn Thành Công đề xuất xem xét ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm 2023.

Hỗ trợ chi phí đăng ký cho người dân khi thực hiện tiêu dùng và đăng ký sở hữu xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mức tương đương 50% lệ phí trước bạ áp dụng cho phương tiện đăng ký, ít nhất trong thời hạn 01 năm

Theo Tập đoàn Thành Công, việc giảm phí trước bạ sẽ giúp người dân giảm gánh nặng chi phí, kích thích tiêu dùng trong bối cảnh tâm lý lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực tài chính, áp lực việc siết chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát đã cản trở người tiêu dùng tiếp cận với các hỗ trợ tài chính khác.

Việt Nam sẽ mất 1,8 triệu xe hơi nội địa, "ô tô hoá" bị chậm lại nếu không được "biệt đãi'? - Ảnh 2.

Giai đoạn 2021-2022, Chính phủ liên tiếp cho giảm 50% phí trước bạ, thị trường ô tô khởi sắc.

Cũng đề cập đến chuyện ưu đãi cho xe ô tô trong nước, Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, giai đoạn 2020-2022, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô bị ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19 kéo dài, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ có tính đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô vượt qua khó khăn.

Bước sang đầu năm 2023, trong khi doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch, nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng hiện hữu đang gây nhiều tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.

VAMI cho rằng, thị trường xe cuối năm 2022 và đầu năm 2023 doanh số thị trường ô tô bị sụt giảm mạnh, kéo theo ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, cơ khí cũng bị ảnh hưởng nặng.

Theo VAMI, doanh số bán hàng tháng 1/2023 của thị trường xe đạt hơn 17.800 chiếc, giảm 60% so với tháng 12/2022, giảm 54% so với tháng 1/2022. Doanh số bán xe du lịch tháng 1/2023 đạt hơn 15.800 chiếc, xe thương mại là hơn 1.957 chiếc. 

"Doanh số này sụt giảm mạnh, trong đó xe du lịch giảm 60%, xe thương mại giảm hơn 56% so với cùng kỳ năm trước. Xe lắp ráp trong nước tháng 1/2023 chỉ đạt hơn 8.600 chiếc, giảm 54% so với tháng trước, xe nhập nguyên chiếc cũng giảm 48% so với tháng liền kề", đại diện VAMI đề cập.

Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đề nghị Thủ tướng, các Bộ ngành có liên quan bổ sung các chính sách có tính đột phá, hỗ trợ doanh nghiệp ô tô như: Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp ô tô năm 2023.

Giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp. VAMI cho rằng, do đặc thù độ trễ chính sách, đề xuất cần ban hành ngay từ quý II/2023 để phát huy hiệu quả.

Cùng với đề xuất nói trên, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị xem xét tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ tháng 1 đến hết tháng 6/2023. 

VAMA cho rằng: "Việc tạm hoãn nghĩa vụ nộp thuế không phải là miễn thuế, vì vậy vẫn đảm bảo tổng nguồn thu ngân sách nhà nước cho năm tài chính được thực hiện đúng kế hoạch được giao và cũng phù hợp với Nghị quyết 43/2022/QH 15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong hai năm 2022-2023".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem