Việt Nam sẽ thành cường quốc chăn nuôi bò sữa với nửa triệu con

Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 17/05/2019 10:39 AM (GMT+7)
Mới cách đây hơn 10 năm, người dân Việt Nam còn phải sử dụng tới 92% sữa bột, thì đến nay cán cân này đã có sự thay đổi nhanh chóng với sự đầu tư khổng lồ vào ngành chăn nuôi bò sữa ngay trong nước của các tập đoàn lớn. Mới đây nhất, Tập đoàn TH đã tiếp tục khởi công trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp lên tới 20.000 con tại huyện Nông Cống, Thanh Hóa.
Bình luận 0

Sữa tươi không còn là mặt hàng xa xỉ

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tính đến năm 2018, đàn bò sữa cả nước đã đạt trên 294.000 con, tốc độ tăng trưởng đạt 2,09%/năm; tổng sản lượng sữa bò đạt 936.000 tấn, tốc độ tăng trưởng tới 8,56%. Chỉ qua 2 số liệu chính trên có thể thấy, chăn nuôi bò sữa đang là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất của ngành chăn nuôi trong nước.

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa dự Lễ khởi công Dự án chăn nuôi 20.000 con bò sữa của Tập đoàn TH tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ngày 8/5.

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2018 đạt trên 5.000kg/con/năm là khá cao. Đặc biệt, tại một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Công ty Vinamilk, Công ty TH milk, Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu; trong đó TH milk đạt sản lượng lớn nhất với 28,35 kg/con/ngày (tương ứng 8.647 kg/chu kỳ tiết sữa).

Đàn bò sữa tập trung vẫn chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ chiếm 33,35% nhưng có xu hướng giảm do giảm đàn ở Tp. Hồ Chí Minh (giảm 3,68% năm 2018 so với 2017); đặc biệt là khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung lại tăng đang kế, chiếm 25,69%; điều này được lý giải bởi các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô lớn của TH được tập trung tại đây, trong đó riêng trang trại chăn nuôi bò sữa của TH ở Nghệ An đạt tới 45.000 con, đó là còn chưa kể tập đoàn này đang đầu tư một trang trại tại Phú Yên với quy mô 20.000 con; mới đây nhất là một trang trại tại Nông Cống (Thanh Hóa) với 20.000 con.

Theo số liệu của Hiệp Hội sữa Việt Nam, nếu tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2010 mới đạt 15kg/người/năm, sau đó đã không ngừng tăng lên qua các năm: Năm 2012 đạt 18kg và đến 2018 đạt 27 kg/người/năm. Dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa khoảng 28 lít/người/năm. Tuy nhiên, đây là mức tiêu thụ thấp hơn bình quân của châu Á và thế giới rất nhiều. Mức bình quân tiêu thụ sữa của châu Á là 81,23 lít sữa/người/năm, còn của thế giới là 108,97 lít/người/năm.

Cục Chăn nuôi cũng đưa ra nhận định: Trong năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa ước đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4,7 tỷ USD). Dù Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 các nước châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa nhưng sản xuất trong nước vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu và hàng năm nước ta vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn sữa và sản phẩm sữa về để phục vụ tiêu dùng trong nước. Tính riêng trong năm 2018, nước ta đã nhập khẩu 962 triệu USD sữa và sản phẩm từ sữa. Điều đó cho thấy ngành chăn nuôi bò sữa của nước ta có rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

img

Đàn bò sữa nước ta tăng lên nhanh chóng với sự đầu tư quy mô lớn của các hộ dân, doanh nghiệp.

TH và tham vọng sở hữu 400.000 con bò sữa

Kể từ khi đầu tư vào trang trại chăn nuôi bò sữa tại Nghệ An, đến nay sau hơn 10 năm, TH đã sở hữu 45.000 con bò sữa và dự kiến số lượng này sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới, do: Đàn bò bố, mẹ của TH đang bước vào thời kỳ sinh sản, bằng việc áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo hiện đại với số lượng 45.000 con như trên, trong thời gian rất gần TH sẽ có một đàn bê con F1 để phục vụ cho việc mở rộng chăn nuôi ra hàng loạt các trang trại đã và tiến hành khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, TH cũng tiếp tục nhập đàn bò sữa cao sản với chất lượng giống gần như tốt nhất từ Mỹ và Newzealand về để bổ sung nguồn giống trong nước.

Sau sự kiện khởi công trang trại chăn nuôi 20.000 con bò sữa tại Thanh Hóa, TH cũng công bố mục tiêu trung và dài hạn trong việc phát triển đàn bò sữa của mình trong thời gian tới: Cụ thể, dự kiến đến năm 2025, tổng số đàn bò sữa mà Tập đoàn TH đồng hành cùng nông dân thông qua mô hình hợp tác xã công nghệ cao sẽ đạt khoảng 200.000 con. Cùng với đó, TH cũng đặt mục tiêu mở rộng đàn bò sữa chăn nuôi tập trung theo chuỗi khép kín lên 200.000 con; nâng tổng số đàn bò sữa mà TH quản lý và sở hữu lên 400.000 con, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển đàn bò sữa 500.000 con theo Quyết định 124/QĐ-TTg của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Như vậy, sau trang trại bò sữa quy mô công nghiệp đầu tiên tại Nghệ An với 45.000 con, TH đã khởi công thêm một loạt các dự án tại Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Yên, Thanh Hóa và tới đây có thể sẽ là Lạng Sơn, Sóc Trăng với quy mô bình quân mỗi dự án lên tới 20.000 con.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá: “Sữa là một ngành hàng có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam. Hiện nay, ở khu vực châu Á, chúng ta đứng thứ 6 về sản lượng, đứng thứ 4 về năng suất”. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng tin tưởng Tập đoàn TH sẽ tiên phong trong chuỗi liên kết nông nghiệp, có bước phát triển đột phá, đồng hành cùng bà con nông dân, chính quyền địa phương trong sản xuất sữa chất lượng tốt phục vụ người dân trong nước và chinh phục thị trường thế giới.

img

Thị trường sữa Việt Nam sẽ còn tăng trưởng nóng hơn nữa

Theo Cục Chăn nuôi, mục tiêu của ngành chăn nuôi bò sữa nước ta thời gian tới là, đạt sản lượng sữa tươi nguyên liệu đến năm 2025 đạt từ 1,8- 2,0 triệu tấn (đạt  khoảng 35 kg/người/năm).

 Trong đó, sẽ duy trì tốc độ tăng trung bình 6-7%/năm, đạt trên 500.000 con đến năm 2025. Sản lượng sữa bò tăng bình quân 7-8 %/năm, đạt 1,8-2,0 triệu tấn đến năm 2025. 

img

img

Biểu đồ các nước sử dụng và tiêu thụ sữa tại các nước trên thế giới.

Phát triển đàn bò sữa trong nước, ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, chúng ta còn đang hướng tới xuất khẩu. Theo thống kê, sản phẩm sữa và các sản phẩm sữa được xuất khẩu chính đến 46 quốc gia trên thế giới.

Đặc biệt, đến nay phía Trung Quốc đã hoàn tất báo cáo đánh giá rủi ro mở cửa thị trường sữa cho Việt Nam. Sau hơn 6 năm đàm phán, ngày 26/4, Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết sẽ tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này

Theo Báo cáo thị trường sữa toàn cầu 2018 của FAO, Trung Quốc sản xuất 35,6 triệu tấn sữa, giảm 1,1% so với năm 2017 và để đáp ứng tiêu dùng sữa và sản phẩm sữa trong nước, nước này đã nhập 14,6 triệu tấn sữa quy đổi. Đây là quốc gia có tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu các sản phẩm sữa của Việt Nam trong những năm tới.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem