Việt Nam tiếp tục là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài

Thứ sáu, ngày 10/12/2021 20:15 PM (GMT+7)
“Hơn 26 tỷ USD vốn FDI rót vào Việt Nam trong 11 tháng của năm 2021, mặc dù Việt Nam ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và dự báo con số này tiếp tục tăng vào cuối năm nay” - Đây là thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bình luận 0

Nhiều địa phương có nguồn đầu tư FDI cao đang nỗ lực đồng hành với các doanh nghiệp bằng những chính sách, từ sản xuất duy trì nguồn lao động, cũng như hạn chế thấp nhất đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư nguyên liệu hàng hóa. Điều này cũng khẳng định, Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Tại Việt Nam do tác động của đại dịch Covid-19, một số nhà máy tạm ngừng hoặc giảm công suất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI quy mô trên 50 triệu USD vẫn duy trì tăng mạnh. Trong 11 tháng năm nay, Cục Đầu tư nước ngoài đã cấp vốn đăng ký mới cho 1.577 dự án, với trị giá đạt hơn 14 tỷ USD. Vốn đăng ký điều chỉnh có 877 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm hơn 8 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tín hiệu đáng mừng là các dự án đầu tư vào Việt Nam đang hướng đến giá trị gia tăng cao: “Tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ quan tâm hơn nữa đến Việt Nam. Và hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đến lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và trong các tỷ lệ ngành nghề nhà đầu tư tại Việt Nam thì ngành chế biến chế tạo vẫn chiếm tỷ lệ cao và tỷ trọng này ngày càng cao. Chúng ta đang hướng tới ngành có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa cao và đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, là những dòng đầu tư vào Việt Nam”.

Việt Nam tiếp tục là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Việt nam tiếp tục là môi trường hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Mặc dù bùng phát dịch Covid-19 nhưng các dự án hạ tầng công nghệ ở một số thành phố trong cả nước, nhất là thành phố Đà Nẵng vẫn được đẩy nhanh để xây “tổ” đón đại bàng, thu hút đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực thành phố thông minh. Trong những ngày cuối năm này, Công viên phần mềm số 2 ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp các đội nhóm công nhân đua tiến độ. Nhờ năng lực các nhà thầu đồng đều, đến nay tòa nhà văn phòng 8 tầng ICT1 đã rút ngắn tiến độ 8 tháng, đảm bảo đến ngày 31/12 sẽ bàn giao cho đơn vị thuê lắp đặt văn phòng, vận hành vào tháng 2 năm sau.

Ông Phạm Trường Sơn- Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao, Khu công nghiệp Đà Nẵng cho rằng: “Chúng tôi trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho công ty Fujikin của Nhật là một trong những công ty trong dòng dịch chuyển vốn được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và còn việc mà thu hút đầu tư trong giai đoạn bây giờ. Chúng tôi áp dụng một số giải pháp như tổ chức xúc tiến đầu tư trực tuyến đến thị trường châu Âu, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc”.

Hiện nhiều địa phương tiếp tục sẵn sàng mặt bằng, tạo cho các nhà đầu tư đến đầu tư có điều kiện tốt nhất. Đồng thời sẵn sàng nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đầu tư; cơ chế, cải cách thủ tục, chính sách ưu đãi, tận dụng tối đa chính sách ưu đãi về pháp luật; hỗ trợ, giải quyết mọi khó khăn. Một số địa phương tập trung thu hút FDI đầu tư cho công nghệ cao, với công nghệ điện tử là mũi nhọn. Gần đây, Bắc Ninh phát triển mô hình mới, với thương hiệu “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng” là bước đi cụ thể hoá Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

“Quá trình mà chúng ta cần phải tích cực tạo ra một sự chuyển biến của cả hệ thống trong thời gian tới, làm sao mà chúng ta vừa chống dịch an toàn, quyết liệt, tập trung nhất, nhưng cũng phải linh hoạt, sáng tạo nhất. Đặc biệt là đối với các nhà đầu tư FDI cũng như là các nhà đầu tư từ trước tới nay đã tin tưởng Việt Nam cũng như tin tưởng địa phương. Chúng tôi sẽ làm mọi phương án, mọi biện pháp để Việt Nam luôn là điểm đến an toàn và thúc đẩy sự phát triển của đất nước cũng như của các địa phương” - ông Vương Quốc Tuấn- Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành luôn đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt, luôn nỗ lực hành động vì một mục tiêu cao nhất với phương châm: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả dịch Covid-19”. Các Bộ ngành và địa phương tiếp tục xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Chương trình phục hồi kinh tế đến năm 2023 hướng tới 4 mục tiêu. Đó là bắt kịp và tận dụng cơ hội từ xu hướng phục hồi nhanh của các nền kinh tế lớn trên thế giới. Mục tiêu thứ hai, thúc đẩy cải cách cơ cấu và nâng cao hiệu lực, hiệu quả sức cạnh tranh nội tại của nền kinh tế để chống chịu trước những cú sốc từ bên ngoài, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện 3 đột phá chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Cuối cùng, đó là hỗ trợ việc làm dịch chuyển cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập bền vững cho người lao động, phát huy sức mạnh của doanh nghiệp để làm thế nào vượt qua khó khăn, thách thức giai đoạn hiện nay”.

Những dự án công nghệ cao đang giúp các địa phương đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, giá trị cao. Đơn cử như trường hợp của Đà Nẵng. Bên cạnh thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Đà Nẵng đang đẩy mạnh cải cách hành chính thêm một bước để tạo điều kiện thông thoáng nhất cho nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu đưa thành phố tăng trưởng trở lại thoát khỏi tăng trưởng âm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn trong thời gian tới.

Xuân Lan (vov.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem