Việt Nam trở thành “bến đỗ” mới trong cuộc đua sản xuất chip toàn cầu

Thanh Thanh Thứ sáu, ngày 16/09/2022 06:17 AM (GMT+7)
Việt Nam trở thành điểm đến thu hút nhiều tập đoàn chip hàng đầu thế giới đầu tư. Trong tương lai gần, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn chip hàng đầu thế giới. Trước đó, Intel là một trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã đầu tư 1 tỷ USD vào sản xuất chip tại Việt Nam và cho đến nay, nhà máy của Intel vẫn là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng của Tập đoàn.

Mới đây nhất, Việt Nam lại tiếp tục trở thành tâm điểm của ngành bán dẫn khi Samsung tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7/2023. Cụ thể, Samsung sẽ đầu tư thêm tại Việt Nam 3,3 tỷ USD trong năm nay, đồng thời chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.

Việt Nam trở thành “bến đỗ” mới trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu - Ảnh 1.

Samsung tăng cường nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Ngoài Intel và Samsung, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang lên kế hoạch để đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Trong đó, Amkor (Hàn Quốc) với kế hoạch 1,6 tỷ USD; Hana Micron (Hàn Quốc) với kế hoạch đầu tư 500 triệu USD tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số công ty khác như: Renesas, Applied Micro, Splendid, Sonion…, với quy mô dự án khá nhỏ.

Theo một báo cáo của Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép vào khoảng 6,52% mỗi năm.

Việt Nam trở thành “bến đỗ” mới trong cuộc đua bán dẫn toàn cầu - Ảnh 2.

Intel là một trong 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Ảnh: Internet

Global Times cũng dẫn lời các chuyên gia khẳng định, Việt Nam đang trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn và có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.

Nhà phân tích Gu Wenjun của Xinmou Research cho biết, lợi thế của Việt Nam nằm ở thị trường lao động rộng lớn và giá đất rẻ. Đồng thời, môi trường chính trị xã hội ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa cũng là lý do khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành bán dẫn Việt Nam là thiếu lao động tay nghề cao.

Hiện nay, sau đại dịch Covid-19, các quốc gia Đông Nam Á đang ngày càng trở thành những địa điểm quan trọng trong chuỗi cung ứng thiết bị bán dẫn toàn cầu. Trong đó, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan là các nước trong ASEAN được đánh giá là dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển và thiết kế vi mạch. Malaysia và Singapore là những nước đi đầu trong khu vực về sản xuất tấm wafer và thiết bị. Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu về sản xuất phụ trợ, trong khi Singapore và Thái Lan dẫn đầu về phần mềm kỹ thuật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem