Việt Nam vào cuộc đua top 10 nước chế biến nông sản hàng đầu thế giới

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 30/12/2020 16:25 PM (GMT+7)
Bộ NNPTNT vừa có Tờ trình số 919/TTr-BNN-CBTTNS gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030 là 1 trong 10 nước chế biến NLTS hàng đầu thế giới.
Bình luận 0

Xây dựng vị thế trong chuỗi cung ứng

Trong tờ trình này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, trong thành tựu xuất khẩu của cả nước, ngành nông nghiệp đã góp phần rất lớn, là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng NLTS, với một số mặt hàng chính có kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD là gạo, rau quả, cà phê, điều, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thủy sản (tôm và cá tra).

Hướng đến top 10 nước chế biến nông sản hàng đầu - Ảnh 1.

Nhà máy chế biến trái cây hiện đại của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ (Sơn La).

Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, xuất khẩu NLTS của việt Nam vẫn chủ yếu tăng về lượng, tỷ trọng hàng hóa chế biến sâu và giá trị gia tăng chưa cao.

Kim ngạch xuất khẩu NLTS chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng chính tại một số thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản... đặc biệt là thị trường Trung Quốc; vẫn tồn tại các lô hàng xuất khẩu chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế.

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, "Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS đến năm 2030" là rất cần thiết trong thực tiễn, nhằm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu NLTS và thực phẩm với chất lượng cao trong khu vực ASEAN và trên thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng NLTS và thực phẩm toàn cầu.

Trong đó, các sản phẩm trồng trọt được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn và bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu.

Ngành chăn nuôi phát huy được lợi thế và thế mạnh, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chăn nuôi.

Các sản phẩm thủy sản nuôi và hải sản đánh bắt chủ lực được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và bền vững, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, sản phẩm có thương hiệu quốc gia, truy xuất nguồn gốc.

Ngành lâm nghiệp xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ đáp ứng quy định về môi trường và phát triển bền vững.

Với một số thị trường chủ lực, đề án đặt ra một số mục tiêu cụ thể sau. Với thị trường Trung Quốc, duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm NLTS có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh như: Rau quả nhiệt đới, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, sắn và các sản phẩm sắn, gạo, các sản phẩm đặc sản NLTS khác.

Mỹ duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản chính như: Gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản (cá tra, tôm, hải sản), hạt điều, cà phê, tiêu, chè, mật ong. Mở cửa thị trường cho một số loại quả (sầu riêng, bơ, bưởi, na, dừa, chanh…) rau.

- Liên minh châu Âu (EU) duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm NLTS chính như: Thủy sản (tôm, cá tra, hải sản), cà phê, hạt điều, gỗ và các sản phẩm gỗ, tiêu, trái cây. Mở rộng thêm các nhóm sản phẩm rau, hoa quả, sản phẩm mây tre, cói, thảm, sản phẩm chế biến sâu từ cà phê, chè, gạo, ca cao, các loại rau, quả chế biến.

Sẽ có đề án về chế biến rau quả

Để đạt được mục tiêu này, Bộ NNPTNT xác định thúc đẩy phát triển các mô hình chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn, trong đó liên kết hợp tác xã doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu.

Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật tạo thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Giải thể, kiện toàn và thành lập mới một số hiệp hội ngành hàng, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả của Hiệp hội ngành hàng NLTS.

Hoàn thành đề án phát triển các trung tâm cung ứng NLTS hiện đại, tạo điều kiện kết nối vùng sản xuất với thị trường, kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, đặc biệt nhằm kiểm soát chất lượng NLTS phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Triển khai rộng rãi, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm theo chuỗi từ nuôi, trồng, đánh bắt, thu hoạch đến khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến để tạo sản phẩm an toàn nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn ngày càng cao của các nước nhập khẩu, đặc biệt về đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Xây dựng, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm NLTS, tăng uy tín, trách nhiệm của nhà sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, số hóa trong sản xuất, công nghệ chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm NLTS. Phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến NLTS đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tập trung đầu tư phát triển chế biến những ngành hàng NLTS còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế về sản xuất, phát huy lợi thế vùng, ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến và thị trường.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NNPTNT sẽ hoàn thiện đề án chế biến rau quả làm cơ sở phát triển ngành chế biến NLTS đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, 3 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về: Rau củ quả; thủy hải sản; gỗ và sản phẩm gỗ.

Tăng cường đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế ưu đãi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư vào khâu sau thu hoạch như: Bảo quản, sơ chế, đóng gói, logistics...

Xây dựng cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với vận chuyển NLTS kể cả trên các phương tiện đường bộ, đường sắt và hàng không.

Nghiên cứu đề xuất xây dựng các kho lạnh bảo quản sản phẩm tươi ở gần các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới như: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh nơi tập trung giao thương lớn (có thể xây dựng kết hợp với chợ đầu mối bên trong các tỉnh không nhất thiết phải ở gần cửa khẩu).

Nghiên cứu, đầu tư mở kho ngoại quan ở các nước có khoảng cách địa lý xa Việt Nam tại châu Phi, châu Mỹ, châu Âu để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu NLTS...

Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, doanh nghiệp và các bên liên quan bao gồm: Quy định liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các nước nhập khẩu; quy định về xuất xứ hàng NLTS xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... các hiệp định thương mại tự do nhất là các hiệp định thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem