Vietcombank bán cổ phiếu MBB giá rẻ, Viettel và SCIC đứng ngoài "chầu rìa"?

Lê Thúy Thứ năm, ngày 27/09/2018 08:55 AM (GMT+7)
Ngày 15.10 tới, hai cổ đông chiến lược của MBBank là Viettel và SCIC có được tham gia đấu giá 53,4 triệu cổ phiếu MBB mà Vietcombank đang rao bán? Nếu tham gia mua, có nghĩa, hai doanh nghiệp này lại dùng vốn Nhà nước để mua lại cổ phần của một doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Điều này liệu có được cơ quan quản lý cho phép?
Bình luận 0

Ngày 15.10 tới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) sẽ chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đang nắm giữ với giá khởi điểm là 19.641 đồng/cp.

Vietcombank thoái vốn, MBB đi ngang

Nhìn lại diễn biến của mã cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) từ hôm ngày 14.09 đến ngày 26.09 có thể thấy, giá chốt phiên của mã cổ phiếu MBB đã ghi nhận mức tăng xấp xỉ 1,79%, tương đương với mức tăng 400 đồng trong 9 phiên giao dịch sau khi Vietcombank đăng ký bán đấu giá 53,4 triệu cổ phiếu MBB vào ngày 15.10 tới đây.

img 

Diễn biến giá cổ phiếu MBB từ ngày 14 - 26.09

Thông tin Vietcombank đưa ra cho thấy, mức giá khởi điểm dự kiến trong thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu MBB là 19.641 đồng/cp, mức giá này thấp hơn thị giá hiện tại của cổ phiếu MBB chốt phiên ngày 14.9 là 22.600 đồng/cp và 23.000 đồng/cp tại thời điểm chốt phiên ngày hôm qua 26.9

Theo nhận định của giới phân tích chứng khoán, việc Vietcombank chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đang nắm giữ đã có những tác động nhất định tới thị trường.

“Trong khi giá trên thị trường giao động trong khoảng 22.000 – 23.000 đồng/cp thì giá chào bán chỉ trên 19.000 đồng/cổ phiếu. Như thế giá chào bán đã quá thấp so với thị trường. Nếu họ muốn bán cho nhà đầu tư nước chiến lược nào thì họ sẽ để giá cao, còn với mức giá thấp như thế có nghĩa rằng Vietcombank đang muốn bán lượng MBB mà ngân hàng này đang sở hữu ra thị trường. Chính vì lẽ đó mà giá đợt này giá của cổ phiếu MBB đã không lên được, cứ lình xình”, ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Công ty Chứng khoán MB (MBS), nhấn mạnh.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư CTCK MSI, cho rằng lượng cổ phiếu MBB do Vietcombank sở hữu đang chuẩn bị chào bán ra thị trường là 1 lượng cổ phiếu khá lớn. Với lượng cổ phiếu này thường sẽ là giao dịch thỏa thuận. Nhìn chung là khó đánh giá tại sao Vietcombank lại đưa mức giá chào thấp như vậy. Câu chuyện thoái và ảnh hưởng đến giá trên thị trường của MBB thì cũng chưa có cơ sở đánh giá được.

“Chỉ có điều nhà đầu tư cá nhân của MBB họ sẽ đặt ra câu hỏi vì sao Viecombank lại đưa ra mức giá thấp như thế và làm ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường. Thông thường, việc thoái vốn sẽ làm cho giá cổ phiếu khó tăng mà chủ yếu vẫn là đi ngang thôi, hoặc có thể điều chỉnh xuống đôi chút trong thời gian tới đây”, ông Khánh bình luận.

Không đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia cho rằng thông thường khi chào bán với khối lượng lớn cổ phiếu có giá trị cao thì bắt buộc phải công bố công khai thông tin và điều này trong ngắn hạn sẽ làm cho giá cổ phiếu có thể giảm.

"Ngoài ra, có thể mục tiêu của ngân hàng chỉ cần thu về 1 khoản giá trị nào đó nhất định và nếu quy đổi thì giá chào bán khởi điểm là 19.641 đồng như đã là phù hợp với mục tiêu của ngân hàng. Chính vì vậy, ngân hàng không cần chào bán với giá khởi điểm cao hơn hoặc ngang bằng so với mức giá của MBB trên sàn thời điểm hiện tại", vị chuyên gia này bình luận.

Còn đại diện Vietcombank khẳng định tổ chức nào mua được lượng cổ phiếu này của MBB cũng phải là mức giá thấp nhất là giá cổ phiếu MBB đang được giao dịch trên sàn chứ không thể thấp hơn. 

SCIC và Viettel "chầu rìa"?

Xét về cơ cấu cổ đông tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hiện đang chiếm 30%, sở hữu nhà nước 32,42% và 37,58% là thuộc sở hữu khác.

img 

Cơ cấu cổ đông tại MBBank

Trong đó, Tập đoàn Viễn Thông Quân đội đang sở hữu 265.261.500 cổ phần tương đương với tỷ lệ sở hữu 12,28%. Trong khi đó, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tỷ lệ sở hữu vào khoảng 8,19%. Đây chính là 2 cổ đông quan trọng cơ tỷ lệ sở hữu cao nhất tại MBBank tính tới 30.06.2018

img 

Các cổ đông quan trọng của MBBank

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018 của MBB, lợi nhuận trước thuế tăng 52,5% so với cùng kỳ đạt 3.829 tỷ đồng. Kết quả trên đạt được nhờ thu nhập lãi thuần tăng 32,3% và thu nhập ngoài lãi tăng 80,5%; Tỷ lệ NIM tăng 0,35% so với cùng kỳ lên 4,65% nhờ lợi suất gộp tăng 0,32% so với cùng kỳ trong khi chi phí huy động giảm nhẹ 0,04% so với cùng kỳ cộng với hệ số LDR tăng, cùng với đó là động lực tăng trưởng mới đến từ công ty tài chính tiêu dùng MCredit và công ty bảo hiểm MB Ageas Life.

Với kết quả hoạt động hiện nay của MBBank, theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc sở hữu thêm cổ phiếu MBB sẽ mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư. Chính vì vậy, mã cổ phiếu MBB của MBBank đang có phần hấp nhà đầu tư trên thị trường. Viettel và SCIC cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, để sở hữu thêm số cổ phần MBB do Vietcombank thoái vốn là không hề đơn giản.

Theo ông Đức, 2 tập đoàn lớn có vốn chi phối tại ngân hàng MB hiện nay đó là Viettel và SCIC, tuy nhiên 2 tập đoàn này sẽ không đứng ra mua thêm cổ phần của MBBank vì tất cả các doanh nghiệp này đều là công ty nhà nước. Mà hiện nay, các công ty nhà nước đều hạn chế tăng sở hữu của các ngân hàng. Nếu muốn tăng sẽ phải xin chỉ đạo từ phía trên.

“Có thể họ xin nhưng không công bố nhưng về cơ bản tiêu chí của Chính phủ là không cho những ông tập đoàn nhà nước tăng sở hữu chéo của những công ty” ông Đức phân tích. Việc Vietcombank thoái vốn tại MBB, nếu là nhà đầu tư cá nhân hay doanh nghiệp nào đó tiến hành mua sẽ là phù hợp, chứ không có chuyện nhà nước mượn như Viettel hay SCIC nhảy vào mua. Không thể mược tiền của Nhà nước cho Nhà nước vay”, ông Đức bình luận. 

Ông Phạm Quốc Khánh, Trưởng phòng đào tạo học viện Ngân hàng, cũng khẳng định việc đầu tư ra ngoài ngành đang bị hạn chế theo chủ trương của nhà nước. Vietcombank chào bán với giá thấp với mong muốn thương vụ chuyển nhượng được khả thi. Còn với Viettel và SCIC, chắc chắn Vietcombank đã phải có đàm phàn với những tổ chức này trước khi chào bán cổ phiếu MBB. Nhưng hiện 2 tổ chức này đều trong giai đoạn tái cơ cấu, nên khó tham gia được vào thương vụ này.

"Viettel có mong muốn nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu MBB vì đây là khoản đầu tư hiệu quả, hơn nữa còn là để phục vụ cho chiến lược kinh doanh của mình. Tuy nhiên, điều này đang bị hạn chế vì Viettel là tổ chức 100% vốn nhà nước.

Đối với SCIC, cổ đông quan trọng thứ 2 của MBbank cũng là trường hợp tương tự, mặc dù hồi đầu năm tổ chức này bày tỏ mong muốn mua thêm cổ phiếu MBB để nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này.

Hiện Uỷ ban Quản lý vốn đang chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức và SCIC là một trong 19 doanh nghiệp Nhà nước sẽ được chuyển về "siêu uỷ ban" này. Đang trong giai đoạn này, liệu SCIC có thể bỏ ra một số tiền lớn để nắm giữ thêm cổ phiếu MBB?", ông Khánh phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem