Vietinbank: Thu nhập bình quân tăng vọt lên 26 triệu, “bất ngờ” tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – (VietinBank - mã: CTG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2019 với sự tăng trưởng đến từ nhiều mảng kinh doanh.
Cắt giảm nhân sự, thu nhập bình quân tăng vọt
Cụ thể, riêng trong quý III, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi gần 8.330 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng tới 38,8%, lên 1.091 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ, và mag về cho Vietinbank 402 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, mua bán chứng khoán đầu tư lãi hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, mảng này lỗ tới 28 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, mảng mua bán chứng khoán kinh doanh kỳ này mang về cho ngân hàng 176 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần và hoạt động khác có xu hướng đi xuống khi lần lượt báo lãi giảm 20% và 52,7% so với cùng kỳ, đạt 96 tỷ đồng và 257 tỷ đồng.
Trong 9 tháng, khoản mục chi phí hoạt động của Vietinbank cũng tăng lên 3.753 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 4,8%. Trong khi, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 3,7%, lên 3.501 tỷ đồng.
Kết thúc quý III/2019, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 3.121 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 8.456 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 89% kế hoạch lợi nhuận năm (9.500 tỷ đồng). Với mức lợi nhuận này, VietinBank đang đứng thứ tư toàn hệ thống, sau Vietcombank, Agribank và Techcombank.
Trong 3 quý đầu năm, thu nhập lãi thuần của Vietinbank đạt 24.506 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7%. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 3.047 tỷ đồng, tăng trưởng 53,4% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 1.189 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần đạt 511 tỷ đồng tăng gần 55%.
Một số mảng kinh doanh sút giảm so với cùng kỳ năm 2018 bao gồm mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 219 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 102 tỷ đồng; Mua bán chứng khoán kinh doanh 9 tháng đầu năm, mảng này báo lãi 312 tỷ đồng, giảm 20,2%; Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 602 tỷ đồng, giảm gần 55% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, dự phòng rủi ro của Vietinbank kỳ này tăng mạnh 30,6%, đứng ở mức 10.882 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, Vietinbank có tới 24.072 cán bộ, nhân viên. Trong khi đó, nhà băng này chi tới 5.661 tỷ đồng lương và phụ cấp trong 9 tháng, tăng từ mức 5.383 tỷ của cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập bình quân nhân viên 26 triệu đồng/người/tháng.
So với cuối năm 2018, số nhân viên của Vietinbank đã sụt giảm 125 người, bù lại thu nhập bình quân tăng gần 6 triệu đồng/người/tháng và tăng gần 2 triệu đồng so với năm 2017.
Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng lên, "ngược chiều" Vietcombank và BIDV
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của VietinBank ở mức trên 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 3,3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng tăng 4,8%, đạt 865.466 tỷ đồng. Trong cơ cấu tiền gửi, nguồn tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng chiếm gần 15%.
Về chất lượng tín dụng, tại thời điểm 30/9, VietinBank có hơn 14.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng nhẹ 2,7% so với đầu năm song xét về tỷ lệ lại giảm nhẹ so với đầu năm nay, hiện ở mức 1,56%. Nợ có khả năng mất vốn là 8.831 tỷ đồng, chiếm 62,8% tổng nợ xấu.
Báo cáo tài chính của Vietinbank cho thấy, khoản tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại VietinBank tăng tới 19,4% so với đầu năm, lên gần 70,7 nghìn tỷ đồng. Điều này có phần "ngược xu hướng" đối với 2 ông lớn quốc doanh khác là Vietcombank và BIDV.
Cụ thể, trên bảng báo cáo tài chính của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), quy mô tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại đây đã giảm từ mức hơn 87.095 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn hơn 74.582 tỷ đồng tại 30/9/2019.
Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn (nguồn vốn có chi phí thấp với lãi suất chỉ 0,2%/năm) sụt giảm rất mạnh, từ 31.095 tỷ đồng (gồm cả ngoại tệ quy đổi) cuối năm 2018 xuống chỉ còn 5.333 tỷ đồng tại 30/9/2019.
Tương tự, tại BIDV, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũn đã giảm từ 69.896 tỷ đồng cuối năm 2018 xuống còn 67.892 tỷ đồng tại 30/9/2019, nhưng đặc biệt giảm mạnh ở tiền gửi thanh toán từ 18.896 tỷ đồng cuối 2018 xuống chỉ còn 4.642 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại BIDV kỳ báo cáo này còn ghi nhận nguồn tiền gửi của Bộ Tài chính cũng giảm mạnh, từ hơn 24.163 tỷ đồng cuối 2018 xuống còn hơn 15.662 tỷ đồng.
Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tăng tại Vietinbank, trong khi đó theo Thông tư số 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại do Bộ Tài chính ban hành vào tháng 8 vừa qua và dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11 tới đây, toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước hiện nay đang nằm tại các ngân hàng thương mại phải đổ về tài khoản tổng hợp của Kho bạc Nhà nước tại Trung ương và tài khoản này tập trung tại Sở Giao dịch – Ngân hàng Nhà nước. Hiện, Vietcombank và BIDV đã có xu hướng giảm