Vietnam Airlines chở công dân Trung Quốc về nước thu về nửa triệu USD/chuyến

Thế Anh Thứ ba, ngày 21/07/2020 15:26 PM (GMT+7)
Vietnam Airlines vừa thực hiện những chuyến bay đầu tiên chở khách đến Trung Quốc sau hơn 5 tháng tạm dừng khai thác đường bay này. Với doanh thu mỗi chuyến bay là hơn nửa triệu USD, đây là khoản thu không hề nhỏ đối với thời điểm các hãng hàng không đang thiếu hụt dòng tiền, đối đầu với những khó khăn.
Bình luận 0

Theo nguồn tin của PV Dân Việt, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc tế đầu tiên thực hiện chuyến bay chở khách đến Trung Quốc sau hơn 5 tháng Trung Quốc "đóng cửa" các đường bay quốc tế. Đây là chuyến bay đi vào lịch sử, đánh dấu mốc đặc biệt, quan trọng nâng tầm hình ảnh ngành hàng không Việt Nam trong thời điểm ngành hàng không Thế giới đang bị tê liệt.

Chuyến bay chở khách đầu tiên đến Trung Quốc của Vietnam Airlines sau thời gian tạm dừng khai thác đã khởi hành từ London sáng 18/7, quá cảnh tại Hà Nội, sau đó bay tiếp đi Nam Kinh (Trung Quốc) bằng tàu Boeing 787-10 chở hơn 270 hành khách là công dân Trung Quốc về nước.

Vietnam Airlines chở công dân Trung Quốc về nước thu về nửa triệu USD/chuyến - Ảnh 1.

Vietnam Airlines chở hành khách Trung Quốc về nước. (Ảnh: VNA)

Đáng chú ý, quá trình thực hiện chuyến bay, các hành khách không rời khỏi tàu bay trong thời gian quá cảnh tại Hà Nội. Trên chặng quay về Việt Nam, tàu bay không chở khách. Toàn bộ tổ bay, tiếp viên sau đó đều được cách ly theo quy định.

Hiện nay, có rất ít chuyến bay quốc tế được khai thác lại ở thị trường Trung Quốc nhằm đảm bảo phòng chống Covid-19, nên việc xin cấp phép các chuyến bay chở khách đến Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Vietnam Airlines lại là đơn vị chứng minh được năng lực của mình và với bạn bè quốc tế rằng, hàng không Việt Nam đã có thể phục hồi.

Theo đại điện Vietnam Airlines, từ nay đến hết tháng 8, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác các chuyến bay chở khách từ London đến Nam Kinh, quá cảnh tại Hà Nội. Các chuyến bay đều đáp ứng những tiêu chuẩn phòng dịch chặt chẽ nhất, với toàn bộ phi hành đoàn, hành khách trang bị bảo hộ y tế, dịch vụ trên không được đơn giản hóa để hạn chế vật tiếp xúc nhiều lần, tổ bay được cách ly sau chuyến bay...

"Phương án khai thác đường bay Trung Quốc này mang lại hiệu quả kinh tế lớn, trong khi vẫn đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 tuyệt đối. Đồng thời, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay chở hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc", đại diện Vietnam Airlines cho hay.

Việc mở đường bay quốc tế tới Trung quốc đã đem lại những nguồn doanh thu đặc biệt quan trọng đối với Vietnam Airlines trong nỗ lực "tự mình cứu mình" vượt qua cuộc khủng hoảng hàng không toàn cầu do đại dịch Covid-19, bên cạnh tìm kiếm hõ trợ từ bên ngoài.

Vietnam Airlines chở công dân Trung Quốc về nước thu về nửa triệu USD/chuyến - Ảnh 2.

Hành khách đi trên chuyến bay của Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA)

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), năm nay hàng không toàn cầu sụt giảm doanh thu 419 tỷ USD, riêng Việt Nam thiệt hại hơn 4 tỷ USD.  Không chỉ mang lại nguồn doanh thu cho Vietnam Airlines, các chuyến bay này còn là tiền đề quan trọng trong quá trình nối lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.

Các đường bay quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng với Vietnam Airlines, khi chiếm tới hơn 60% tổng doanh thu của Hãng. Trên cơ sở kết quả làm việc giữa nhà chức trách hàng không Việt Nam với các nước, Vietnam Airlines đang xây dựng phương án khai thác lại một số đường bay quốc tế từ tháng 8, gồm giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia.

Được biết, hiện nay, để đảm bảo phương án tốt nhất đưa công dân từ Guinea Xích đạo về nước, hãng hàng không Vietnam Airlines đã xây dựng 4 phương án kế hoạch bay và hiện đang chờ đối tác cung cấp dịch vụ xác nhận về khả năng đáp ứng khai thác tàu bay.

Các phương án được đưa ra xem xét gồm: Phương án 1, sẽ sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Bata - Hà Nội. Vấn đề khó khăn về kỹ thuật là sân bay Bata hiện thông báo không có khả năng cung ứng nhiên liệu cho đến 10/8/2020. Ngoài ra, cần bổ sung 1 xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 8 đủ điều kiện khai thác đối với tàu A350.

Phương án 2, sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Bata - Malabo - Hà Nội. Phương án này áp dụng khi sân bay Bata không thể cung ứng nhiên liệu. Đối với phương án này, cần bổ sung 1 xe cứu hỏa như phương án 1 và xin phép bay chặng nội địa Bata - Malabo.

Phương án 3, sử dụng 1 tàu bay A350, hành trình Hà Nội - Malabo - Hà Nội. Phương án này được áp dụng trong trường hợp sân bay Bata không thể đáp ứng yêu cầu bổ sung xe cứu hỏa. Đối với phương án này, cần thực hiện việc di chuyển, tập kết hành khách từ nơi ở đến sân bay Malabo.

Phương án 4, sử dụng 2 tàu bay A321, trong đó 1 tàu chở khách dương tính với Covid-19 (khoảng 120 khách), 1 tàu chở khách bình thường (khoảng 10 khách), hành trình Hà Nội - Dubai (UAE) - Bata - Jeddah ( Ả-rập Xê út) – Ahnedabad (Ấn Độ) - Hà Nội.

Đánh giá về phương án 4, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Phương án này thuận lợi cho công tác chống lây nhiễm trên tàu bay, tuy nhiên dự báo sẽ gặp các khó khăn như việc xin cấp phép bay của các nước đối với các chuyến bay chở người bệnh; thời gian bay dài, nhiều điểm cất hạ cánh, điều kiện nghỉ ngơi của tiếp viên không đủ tiêu chuẩn; sân bay Bata phải đủ khả năng cung cấp nhiên liệu và bổ sung xe cứu hỏa để đảm bảo cứu hỏa cấp 6 phục vụ khai thác tàu bay A321.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem