Vietnam Airlines tổ chức đại hội cổ đông bất thường kêu gọi cổ đông cho vay tiền

Thế Anh Thứ ba, ngày 29/12/2020 11:51 AM (GMT+7)
Hôm nay, ngày 29/12, Vietnam Airlines đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 nhằm kêu gọi các cổ đông cho hãng hàng không này vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản.
Bình luận 0

HĐQT kêu gọi cổ đông cho Vietnam Airlines vay tiền

Hiện, Đại hội cổ đông đã thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Đặc biệt, Vietnam Airlines cũng kêu gọi các cổ đông cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản, đồng thời thông qua phương án kiện toàn Hội đồng quản trị của Vietnam Airlines theo nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Thấy gì tại buổi Vietnam Airlines Đại hội đồng cổ đông bất thường? - Ảnh 1.

Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng. Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Với việc phát hành này, vốn chủ sở hữu của hãng sẽ ở mức 8.278 tỉ đồng (hết năm 2020) và 8.242 tỉ đồng (hết năm 2021). 

Theo đại diện Vietnam Airlines, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hết năm nay dự kiến ở mức 6,19 lần sẽ giảm xuống còn 5,22 lần (cuối năm 2021).

Đối với các khoản nợ cần thanh khoản, Vietnam Airlines cho biết: "Vietnam Airlines sẽ sử dụng 8.000 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn, bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng; tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động khác".

Lý giải về việc kêu gọi cổ đông cho vay, HĐQT Vietnam Airlines cho rằng: "Các cổ đông khác nếu cho Vietnam Airlines vay sẽ được áp dụng phương án xử lý chênh lệch lãi vay (giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo giải pháp vay tái cấp vốn) theo đúng phương án xử lý chênh lệch lãi vay của cổ đông nhà nước (sau khi được Chính phủ phê duyệt)".

Bên cạnh đó, Đại hội cổ đông bất thường lần này cũng thông qua phương án kiện toàn bổ sung chức danh người đại diện phần vốn nhà nước, giới thiệu giữ chức danh Hội đồng quản trị đối với ông Lê Trường Giang, Chánh văn phòng Vietnam Airlines.

Thấy gì tại buổi Vietnam Airlines Đại hội đồng cổ đông bất thường? - Ảnh 2.

Vietnam Airlines tiếp tục cắt giảm chi phí.

Vietnam Airlines tiếp tục cắt giảm các chi phí

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, đến cuối tháng 12, doanh thu hợp nhất năm 2020 của Vietnam Airlines ước đạt 42.523 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ ước đạt 32.983 tỷ đồng, đều vượt so với kế hoạch, lần lượt là 1.937 tỷ đồng (4,8%) và 448 tỷ đồng (1,4%).

Số lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 14.445 tỷ đồng; trong đó số lỗ của Công ty Mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch. Mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng 2.858 tỷ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao, phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Chính phủ.

Số chuyến bay năm 2020, Vietnam Airlines ước đạt 96.500 chuyến, sản lượng hành khách ước đạt 14,23 triệu khách. Sản lượng hàng hóa ước đạt 194.457 tấn.

Các chỉ số tài chính và khai thác năm 2020 của Vietnam Airlines đang có dấu hiệu phục hồi khi dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát hiệu quả, môi trường kinh doanh ổn định, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và cơ quan hữu quan, cùng những giải pháp quyết liệt từ nội tại của Vietnam Airlines.

Để thoát khỏi suy thoái khi dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Vietnam Airlines đã tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tiết kiệm chi phí, gia tăng doanh thu như tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp; tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; giãn tiến độ thanh toán; dừng triển khai các danh mục đầu tư chưa cấp thiết.

Vietnam Airlines chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, chuyến bay chở khách hồi hương, thuê chuyến phục vụ khách chuyên gia; thanh lý đội tàu bay cũ; tích cực tham gia các hoạt động kích cầu du lịch, giới thiệu nhiều chương trình bán hấp dẫn tới hành khách, nhanh chóng nắm bắt sự phục hồi của thị trường hàng không trong nước…

Trong giai đoạn 2021-2025, Vietnam Airlines sẽ tập trung khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hãng hàng không Quốc gia cũng triển khai phương án tái cơ cấu tổng thể, bao gồm tái cơ cấu sở hữu vốn và tài chính; tái cơ cấu lại tài sản và các danh mục đầu tư.

Đồng thời, Vietnam Airlines tái cơ cấu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp với các nghiệp vụ bán/bán và thuê lại (SLB) các tàu bay sở hữu; thoái một phần vốn hoặc toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động cao nằm trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không… nhằm đạt mục tiêu gia tăng thu nhập, cải thiện dòng tiền, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển.

Ngành hàng không Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn các thị trường khác và có nhiều cơ hội phát triển dựa trên nhu cầu du lịch, giao thương kinh tế ở thị trường nội địa và quốc tế. Với sự đồng hành của Chính phủ và khả năng ứng phó linh hoạt của doanh nghiệp trước khó khăn, Vietnam Airlines dự kiến phục hồi doanh thu và có lãi từ năm 2023 và hết lỗ lũy kế vào năm 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem