Vietnam Airlines xin Chính phủ 12.000 tỷ: Phải miễn trừ hồi tố SCIC mới "nhảy" vào?

Thế Anh Thứ hai, ngày 13/07/2020 19:51 PM (GMT+7)
Câu chuyện Vietnam Airlines xin Chính phủ cấp 12.000 tỷ đồng hỗ trợ thanh khoản thông qua việc SCIC đầu tư vốn đang rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" khi vướng một loạt luật như Luật Chứng khoán, Luật 69... cần Chính phủ vào cuộc để tháo gỡ vướng mắc và cần phải có cơ chế đặc thù, miễn trừ hồi tố thì mới dám "nhảy" vào làm.
Bình luận 0

Chiều ngày 13/7, Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ tổ chức buổi toạ đàm Chủ sở hữu Nhà nước: "Hành động và trách nhiệm hậu Covid-19" trường hợp Vietnam Airlines. Trong đó, các chuyên gia kinh tế và đại diện các Bộ, Ngành đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không.

Tại sao phải chọn Vietnam Airlines?

Báo cáo về tình hình hoạt động của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng dịch Covi-19, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết: "Dịch covid-19 gây ra không chỉ riêng chúng tôi mà các hãng hàng không khác đều chịu thiệt hại nặng nề".

Rót vốn Nhà nước vào Vietnam Airlines cần miễn trừ hồi hồi tố mới dám làm - Ảnh 1.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines.

Theo IATA dự báo, tính đến tháng 5/2019, Covid-19 đã "đốt" gần 50% (xấp xỉ 190 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không trên thế giới. Doanh thu hàng không trên thế giới giảm 419 tỷ USD, các hãng hàng không lỗ 84 tỷ USD trong 2020,  châu Á-Thái Bình Dương lỗ 29 tỷ đồng.

"Riêng với các hãng hàng không Việt Nam, IATA dự kiến mất đi doanh thu khoảng 4 tỷ USD, trong đó, Vietnam Airlines mất hơn 50.000 tỷ đồng", ông Dương Trí Thành cho hay.

Đánh giá về sự sụt giảm nghiêm trọng này, ông Thành cho rằng: "Vietnam Airlines đang phát triển vững mạnh nhưng dịch Covid-19 làm đảo lộn toàn bộ khiến DN lỗ ròng 15.000 tỷ đồng. Nếu áp dụng chậm lại khấu hao, chính sách về thuế xăng dầu dự kiến bớt được 2.200 tỷ đồng nên sẽ lỗ 13.000 tỷ đồng".

Ông Thành cho hay, kịch bản xấu nhất nếu không được Chính phủ hỗ trợ, dịch Covid-19 đã tác động làm lượng khách giảm 4%, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng. "Dự kiến, Vietnam Airlines lỗ 29.000 tỷ đồng, dòng tiền thâm hụt 16.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản của Chính phủ với vai trò chủ sở hữu".

Giải pháp tạm thời để duy trì hoạt động, Vietnam Airlines đã triển khai giải pháp cắt giảm các chi phí như cắt giảm chủ động do tiết kiệm hơn 5.000 tỷ đồng (trong đó 1.700 tỷ đồng cắt giảm lương); giảm hơn 24.000 tỷ đồng do cắt giảm sản lượng khai thác (trong đó có hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập người lao động); giãn thuế máy bay hơn 2.300 tỷ đồng, nhiên liệu bay xấp xỉ 1.700 tỷ đồng/tháng, giãn vay gốc lãi 1.940 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cũng tận dụng cơ hội tăng thu như tăng vận chuyển hàng hóa (chở hàng trên cabin); thuê chuyến chở khách nước ngoài về nước; thanh lý tàu bay cũ, thu quỹ đại tu... đồng thời đẩy mạnh khai thác nội địa, góp phần kích cầu du lịch nội địa, tăng doanh thu và dòng tiền.

Rót vốn Nhà nước vào Vietnam Airlines cần miễn trừ hồi hồi tố mới dám làm - Ảnh 2.

Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Xin Chính phủ hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, hiện nay, để có những chính sách hỗ trợ ngành hàng không trong nước, Chính phủ đã thống nhất với các Bộ ngành về các chính sách miễn giảm thuế phí bù doanh thu bị rơi quá nhanh và ảnh hưởng đến lỗ cũng như nguồn vốn của doanh nghiệp, đề nghị chủ sở hữu tăng vốn hoặc có giải pháp cho vay.

Vietnam Airlines đã trao đổi với hãng hàng không ANA (Nhật Bản) chiếm 8,6% vốn chủ sở hữu của đơn vị và trả lời không có nguồn tiền để tăng vốn và cho vay do cũng đang đi vay Chính phủ Nhật do tác động nặng nề của dịch. Do đó, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ hỗ trợ gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp 12.000 tỷ đồng.

Lý giải về những vấn đề trên, ông Thành cho biết thêm, Vietnam Airlines đã thực hiện các chuyến bay giải cứu, hồi hương người dân Việt; Vietnam Airlines là hãng hàng không có trình độ khai thác cao và nhiều kinh nghiệm hàng đầu Việt Nam. 

"Vietnam Airlines có hệ thống dịch vụ hỗ trợ trong chuỗi vận tải hàng không đẩy đủ nhất không chỉ phục vụ hãng mà còn toàn ngành hàng không Việt; có hệ thống khách hàng, mạng bán rộng lớn, bền vững… Vietnam Airlines là bông hoa đẹp nhưng có trận mưa lớn nên cần có thời gian phục hồi," ông Thành ví von.

Đánh giá về vai trò của Chính phủ trong việc "giải cứu" ngành hàng không, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng: "Vai trò của Chính phủ là chủ sở hữu, là cơ quan quản lý Nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các hãng hàng không".

TS. Nguyễn Đình Cung đặt câu hỏi: Tại sao phải chọn Vietnam Airlines? Hiện nay, ngành hàng không đang chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất vì dịch Covid-19, tất cả các Chính phủ đều hỗ trợ trong đó, các hãng hàng không và đặc biệt là hãng hàng không Quốc gia có đầy đủ năng lực nên cần phải duy trì.

Rót vốn Nhà nước vào Vietnam Airlines cần miễn trừ hồi hồi tố mới dám làm - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Vietnam Airlines có các số liệu đầy đủ, minh bạch, có các giải pháp để đối phó hay là vượt qua tác động, phần gì chưa thể làm được đã có các kiến nghị. Vietnam Airlines là hãng bị tác động nhưng cũng là nhân tố đầu tiên phục hồi nhanh nhất. Đây là trường hợp rất điển hình.

"Vietnam Airlines không phải là đơn vị phải xin Chính phủ "giải cứu" mà Chính phủ với tư cách là chủ sở hữu phải có trách nhiệm với các biện pháp hoặc chính sách tháo gỡ", TS Nguyễn Đình Cung đánh giá.

Cần có cơ chế đặc thù, miễn trừ hồi tố

Trong khi đó, ông Phạm Đức Trung Trưởng Ban Quản lý doanh nghiệp Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ lại đưa ra quan điểm về các giải pháp tăng vốn điều lệ của Vietnam Airlines để khôi vực lại những gì đã mất.

Theo ông Trung, Nghị định 91/2015/NĐ-CP (và Nghị định 32/2018/NĐ-CP), Vietnam Airlines không thuộc đối tượng được đầu tư vốn Nhà nước để duy trì  tỷ lệ cổ phần Nhà nước.

Rót vốn Nhà nước vào Vietnam Airlines cần miễn trừ hồi hồi tố mới dám làm - Ảnh 4.

Phạm Đức Trung Trưởng Ban Quản lý doanh nghiệp Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM).

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước lại không có nguồn vốn khổng lồ (khoảng 12.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines) đầu tư trực tiếp nên cần phải có đơn vị vốn Nhà nước đầu tư trực tiếp vào (đơn cử như SCIC là đơn vị con trực thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước).

Tuy nhiên, điều 4 Nghị định 91 quy định rõ "vốn Nhà nước là vốn do cơ quan đại diện chủ sở hữu làm chủ sở hữu phần vốn góp". Do đó, phần vốn do SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines (nếu thực hiện) cần được xác định là tải sản của SCIC đầu tư vào doanh nghiệp khác và không nên áp dụng quy định về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước tại Nghị định 91.

"Việc SCIC đầu tư vốn vào Vietnam Airlines là không trái với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của SCIC trong việc đầu tư, kinh doanh vốn", ông Trung nêu rõ.

Cũng theo ông Trung, phương án chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Cơ quan đại diện chủ sở hữu có quyền quyết định chuyển giao vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và SCIC sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương.

"Việc chuyển giao vốn Nhà nước về Vietnam Airlines là có cơ sở pháp lý dù rằng mọi sự thay đổi về cơ cấu sở hữu phải được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông. Mặt khác, phương án vay vốn từ chủ sở hữu Nhà nước đều cần có sự thống nhất, ý kiến chấp thuận từ Đại hội đồng cổ đông, các bộ ngành liên quan theo trình tự pháp luật quy định," ông Trung khẳng định.

Giải đáp về việc giao vốn cho Vietnam Airlines, đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng: "Hiện, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước và Uỷ ban đã tiếp xúc với nhau và cho rằng cơ hội có thể đầu tư. Tuy nhiên, nếu là cơ hội đầu tư SCIC mất 6 - 9 tháng với các thủ tục vai trò nhà đầu tư tài chính thông thường sẽ không kịp tiến độ của Vietnam Airlines.

Vị này cho biết, Vietnam Airlines phát hành tăng vốn sẽ vướng về Luật Chứng khoán nên muốn phát hành phải trình Quốc hội. Mặt khác, Vietnam Airlines chưa đưa ra được "bức tranh" (tức kế hoạch) tương lai lâu dài của ngành hàng không (dự báo tương lai khoản đầu tư chưa có) nên SCIC với tư cách nhà đầu tư sẽ là rất khó.

"SCIC được Chính phủ chỉ định với vai trò đầu tư, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đã tổ chức các cuộc họp, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines trong đó, các giải pháp hỗ trợ thanh khoản Vietnam Airlines mang tính ngắn hạn mà phải có phương án tổng thể tái cấu trúc, dự báo các kịch bản từng năm bởi bỏ tiền vào phải duy trì được dòng vốn", đại diện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp nói.

Bên cạnh đó, SCIC với chức năng đầu tư là có theo chỉ định của Chính phủ nhưng vẫn là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo luật 69 nêu rõ phải bảo toàn nguyên tắc vốn. Trong trường hợp rót vốn vào Vietnam Airlines thì hoàn toàn không làm được do khoản đầu tư này chưa thể khẳng định có bảo toàn được nên cần phải có cơ chế đặc thù, miễn trừ hồi hồi tố thì mới dám nhảy vào làm. Thắc mắc khác là khi SCIC thực hiện thì các quy trình thực hiện đầu tư ra sao?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem