Vinachem gánh 10.082 tỷ đồng nợ khó đòi cho “bom nợ” Đạm Ninh Bình

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 18/10/2019 12:11 PM (GMT+7)
Nợ phải thu khó đòi của Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là 10.082 tỷ đồng do doanh nghiệp thực hiện trả nợ khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình. Song Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã không thanh toán nợ cho Vinachem đúng hạn.
Bình luận 0

img

Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã không thanh toán nợ cho Vinachem đúng hạn khiến công ty mẹ Vinachem gánh khoản nợ phải thu khó đòi hơn 10.000 tỷ đồng. 

“Bom nợ” Đạm Ninh Bình tạo gánh nặng cho Vinachem

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2018.

Qua báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2018, có 855  doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Trong đó, 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (DNNN),  350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước. Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp là 1.533.001 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017. Phân loại một cách cụ thể, tổng vốn Nhà nước đầu tư tại nhóm doanh nghiệp nhà nước là 1.368.867 tỷ đồng và ở nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước là 164.134 tỷ đồng.

Trong năm 2018, có 110 trên tổng số 855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, chiếm tỷ lệ 13% tổng số doanh nghiệp có vốn Nhà nước. 

img

Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone có 603 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.

Báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 324.358 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2017. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 12.277 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017, chiếm 2% tổng số nợ phải thu.

Cụ thể, nợ phải thu khó đòi theo báo cáo hợp nhất của Tổng công ty Viễn thông MobiFone là 605 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) là 493 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 385 tỷ đồng, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn là 362 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam là 361 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 355 tỷ đồng, Vinachem là 298 tỷ đồng…

Còn báo cáo của Công ty mẹ, tổng các khoản phải thu là 388.965 tỷ đồng giảm 6% so với năm 2017. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 16.543 tỷ đồng, tăng 2,29 lần so với thực hiện năm 2017, chiếm 1% tổng số nợ phải thu.

Trong đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) có nợ phải thu khó đòi là 10.082 tỷ đồng do Công ty mẹ Vinachem thực hiện trả nợ khoản vay nước ngoài của Dự án Đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2035/VPCP-KTTH ngày 13/7/2017 về khoản vay China Eximbank của Dự án Đạm Ninh Bình nhưng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho Tập đoàn đúng hạn, Công ty mẹ Vinachem đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định là 861 tỷ đồng.

Như thông tin Dân Việt đã chia sẻ trong bài viết Đang kiểm toán sử dụng vốn đầu tư tại “bom nợ” Đạm Ninh Bình, trong báo cáo của Bộ Tài Chính trước phiên họp thứ 8 Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án thuộc ngành Công Thương cho biết: Công ty đạm Ninh Bình đang có số nợ gốc khoảng 2.640 tỷ đồng. Nhà máy đạm Ninh Bình đang hoạt động cầm chừng, không cân đối được nguồn trả nợ theo hợp đồng tín dụng, rất cần thời gian khôi phục sản xuất kinh doanh nên phải khoanh nợ.

Còn Công ty mẹ - Tổng công ty Viễn thông MobiFone có 603 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi, chủ yếu là nợ cước viễn thông của khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông trả sau.

DNNN báo lỗ 367 triệu USD khi đầu tư ra nước ngoài

Các dự án đầu tư ra nước ngoài chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản và lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 11.964 triệu USD, trong đó 03 Tập đoàn đầu tư lớn nhất, gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đứng thứ nhất là 6.677 triệu USD (chiếm 56%), Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel) là 2.992 triệu USD (chiếm 25%), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) là 1.429 triệu USD (chiếm 12%).

Trong đó, năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần nhưng dự án đầu tư ra nước ngoài đã thực hiện đầu tư từ giai đoạn doanh nghiệp nhà nước nên vẫn tập hợp trong báo cáo này.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2018, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài 194 triệu USD. Lũy kế đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của 19 doanh nghiệp là 5.817 triệu USD (đạt 48,62%/tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài).

img

Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp.

Doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất là PVN với số vốn đầu tư ra nước ngoài luỹ kế là 3.032 triệu USD (chiếm 49%), Viettel đứng thứ hai với 1.606 triệu USD (chiếm 26%), VRG đứng thứ 3 với 923 triệu USD (chiếm 15%).

Số tiền còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài so với vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài của các dự án trên là 6.148 triệu USD (51,39%/tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài).

Đáng chú ý, trong năm 2018, các dự án đầu tư ra nước ngoài đã thu hồi được 559 triệu USD, trong đó chiếm tỷ trọng 60% là thu hồi vốn đầu tư (333 triệu USD), 38% là lợi nhuận chuyển về nước (212 triệu USD), 02% là thu tiền lãi từ việc cho các dự án tại nước ngoài vay vốn (14 triệu USD).

Lũy kế đến ngày 31/12/2018, 6/19 doanh nghiệp đã thu hồi vốn đầu tư từ các dự án tại nước ngoài với số tiền 2.594 triệu USD, bằng 45% vốn đầu tư đã thực hiện.

Về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ cho biết, năm 2018, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài có 84/114 dự án phát sinh doanh thu, lợi nhuận với tổng doanh thu tại nước ngoài cả năm là 4.158 triệu USD, giảm 4% so với năm 2017, tổng lợi nhuận của các dự án có lãi là 187 triệu USD giảm 24% so với năm 2017.

Tổng số lỗ phát sinh trong năm của các dự án báo lỗ là 367 triệu USD tăng 265% so với năm 2017. Nhìn chung, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, xây lắp và dịch vụ lưu trú có trên 60% các dự án phát sinh lãi. Ngược lại, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp, lần lượt là 17% và 11%.

Ngoài ra, theo báo cáo, lĩnh vực viễn thông, trồng chế biến mủ cao su và lĩnh vực khai thác khoáng sản là 03 lĩnh vực còn nhiều dự án đang bị lỗ lũy kế với số lượng lần lượt là 11, 22 và 6 dự án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem