Vinalines "lật ngược thế cờ", báo lỗ thành lãi

Thứ tư, ngày 09/05/2012 13:37 PM (GMT+7)
Mặc dù thua lỗ nặng qua các thương vụ kinh doanh “tàu già”, thiết bị cũ…, nhưng điều đáng ngạc nhiên là Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) liên tiếp năm nào cũng báo lãi khủng.
Bình luận 0

Những con số “nhảy múa”

img
Vinalines từng gây lùm xùm với việc bán tàu VN Sapphire và VNL Dynamic với giá bèo - Ảnh: Vinalines.com.vn

Theo báo cáo về hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinalines, liên tiếp các năm từ 2007-2011, tổng công ty (TCT) này đều có doanh thu và lợi nhuận vượt kế hoạch, bất chấp khủng hoảng kinh tế, giá cước vận tải và đơn hàng sụt giảm.

Năm 2009, khi khó khăn kinh tế bắt đầu lộ rõ, tổng sản lượng vận tải biển của Vinalines bắt đầu sụt giảm, chỉ đạt 32,9 triệu tấn, tổng doanh thu giảm so với năm 2008 khi chỉ đạt 18.195 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận đạt 857 tỉ đồng và số nộp ngân sách đạt 1.234 tỉ đồng.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, năng lực vận tải biển cả nước (bao gồm Vinalines) tối đa đạt 11,5-13,5 triệu tấn, vậy xin hỏi việc đầu tư riêng cho Vinalines đội tàu 15 triệu tấn được dựa trên cơ sở nào?

PGS-TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT

Thế nhưng, thực tế Vinalines không hề lãi, thậm chí theo số liệu từ cơ quan chức năng, năm 2009 Vinalines bị lỗ 412 tỉ đồng (không bao gồm 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang). Nguồn vốn chủ yếu phải đi vay các ngân hàng, và số nợ phải trả đã ăn sâu vào vốn chủ sở hữu với tỷ lệ khá lớn.

Năm 2010 Vinalines công bố tổng doanh thu đạt 20.934 tỉ đồng, tăng 16% và tổng lợi nhuận đạt 1.241 tỉ đồng, tăng 40%, tổng nộp ngân sách đạt 1.190 tỉ đồng, tăng 1% so với thực hiện năm 2009.

Nhưng, độ xác thực của con số trên một lần nữa lại bị đặt dấu hỏi, khi mà kết quả kinh doanh thực tế của Vinalines năm 2010 khá bi đát, hàng loạt công ty con và công ty thành viên rơi vào thua lỗ.

Đó là lý do chính khiến lợi nhuận của TCT bị âm nặng. Số liệu dẫn từ kết luận của cơ quan chức năng cho biết, năm 2010 Vinalines bị lỗ 1.273 tỉ đồng. Thậm chí, hiệu quả sử dụng vốn giảm mạnh, với các khoản nợ lên tới 36.599 tỉ đồng, chiếm 91,45% tổng nguồn vốn chủ sở hữu.

Năm 2011, Vinalines báo cáo tổng lợi nhuận ước đạt 62,15 tỉ đồng, tăng 24% so với kế hoạch năm 2011, dù trước đó, 6 tháng đầu năm TCT này công bố lỗ tới 660 tỉ đồng. Việc Vinalines “lật ngược thế cờ”, từ lỗ thành lãi vẫn là điều khó hiểu, khi tình hình vận tải biển nói chung vẫn đang rất ảm đạm.

Theo TS Lê Đăng Doanh, Vinalines không thừa nhận thua lỗ mà vẫn báo cáo lãi liên tục qua các năm, thì cần phải được kiểm toán lại một cách đầy đủ. “Tôi cũng được biết, năm 2011 Kiểm toán Nhà nước có kiểm toán Vinalines và một loạt tập đoàn khác. Chúng ta hãy chờ đợi xem con số đó nói lên điều gì ở TCT này”, ông Doanh chia sẻ.

Đầu tư chệch định hướng

Theo quyết định Phát triển vận tải biển VN đến năm 2020 định hướng 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển đội tàu biển VN theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng (tàu container, hàng rời, tàu dầu) và tàu trọng tải lớn, đến năm 2015 có tổng trọng tải 8,5-9,5 triệu tấn; năm 2020 đạt 11,5-13,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư đội tàu biển đến năm 2015 của Bộ GTVT đặt tham vọng đầu tư thêm 67 tàu với tổng trọng tải xấp xỉ 15 triệu tấn. Băn khoăn về con số này, PGS-TS Nguyễn Văn Thụ - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT đặt vấn đề: “Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, năng lực vận tải biển cả nước (bao gồm Vinalines) tối đa đạt 11,5-13,5 triệu tấn, vậy xin hỏi việc đầu tư riêng cho Vinalines đội tàu 15 triệu tấn được dựa trên cơ sở nào?”.

Theo một chuyên gia trong ngành, việc dự kiến tiếp tục rót phần lớn vốn đầu tư vào mua tàu hàng khô sẽ làm tăng thêm sự thiếu đa dạng, hiệu quả trong hoạt động vận tải của đội tàu thuộc Vinalines. Cụ thể, theo đề án, giai đoạn 2012-2015 riêng tàu hàng khô sẽ được đầu tư thêm 48 chiếc (18.000 tỉ đồng), trong khi tàu container là 14 chiếc (8.000 tỉ đồng) và tàu dầu 5 chiếc (4.000 tỉ đồng).

Tới năm 2020, tàu hàng khô vẫn được đầu tư lớn nhất với 50 chiếc (32.000 tỉ đồng), hơn gấp đôi số tàu container và tàu dầu. Trong khi đó, theo dự báo của Hiệp hội Chủ tàu VN, thị trường cước vận tải biển trong 2-3 năm tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt phân khúc thị trường tàu chở hàng khô rời - vốn là loại tàu hàng hóa phổ biến của VN nói chung và Vinalines nói riêng, sẽ còn ảm đạm hơn.

Theo một thống kê của Vinalines, hiện đội tàu chở hàng khô của TCT này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41%. Chuyên gia này cho rằng, việc tiếp tục đầu tư với tỷ trọng lớn vào đội tàu chở hàng rời không khác nào Vinalines tiếp tục “tự bó chân” mình.

100.000 tỉ đồng sẽ được huy động từ nguồn nào ?

Theo đề án của Bộ GTVT, “Chính phủ sẽ hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi” cho doanh nghiệp đầu tư. Thực tế, để phát triển đội tàu trước đây, ngoài một phần ngân sách được nhà nước hỗ trợ, Vinalines còn được vay ưu đãi hàng nghìn tỉ đồng với lãi suất từ 3-9,6%/năm. Là doanh nghiệp nhà nước, Vinalines luôn được ưu ái hơn về nguồn vốn đầu tư tàu so với các đơn vị tư nhân khác, nhưng lại “rước” về rất nhiều tàu cũ.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thụ, việc rót 100.000 tỉ đồng cho Vinalines sẽ tiếp tục lặp lại sai lầm phát triển nhanh, ồ ạt, kém hiệu quả. Việc phát triển vận tải biển trong nước không đơn thuần là sắm thêm tàu, vấn đề cốt lõi là tổ chức khai thác đội tàu biển, gắn chặt với việc phát triển dịch vụ logistic vốn đang rất yếu của VN.

Theo Thanh niên
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem