VinMart làm ăn ra sao trước khi quyết định đổi tên thành WinMart?

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 03/04/2021 13:44 PM (GMT+7)
Năm 2020, Masan đã đóng cửa hơn 750 cửa hàng VinMart+, siêu thị VinMart. Trong năm nay, tập đoàn sẽ đổi tên thương hiệu từ VinMart sang WinMart.
Bình luận 0

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm 1/4, Tổng giám đốc Công ty CP The CrownX (doanh nghiệp hợp nhất Vincommerce và Masan Consumer) - ông Trương Công Thắng, cho biết chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ sẽ được đổi tên thành WinMart trong năm nay.

Chuỗi hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ của Vingroup được chuyển giao cho Masan từ cuối năm 2019. Theo lãnh đạo Masan, hợp đồng chuyển giao với Vingroup có quy định điều khoản phải đổi tên trong năm nay.

Masan đã "ôm" khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ Vincommerce khi nhận chuyển nhượng. Sau một năm dưới sự quản lý của Masan, hệ thống bán lẻ này đang kinh doanh ra sao?

Đóng hàng trăm điểm bán, VinMart làm ăn ra sao?

Tháng 12/2019, thị trường sửng sốt trước thương vụ Vingroup chuyển nhượng Vincommerce - công ty quản lý toàn bộ hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Theo công bố, Vingroup hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần The CrownX sau sáp nhập. Vingroup là cổ đông, Masan nắm quyền kiểm soát The CrownX.

VinMart làm ăn ra sao trước khi quyết định đổi tên thành WinMart? - Ảnh 1.

Masan quyết định đóng cửa hàng trăm siêu thị VinMart, cửa hàng VinMart+ trong năm 2020. Ảnh: Hồng Phúc.

Sau khi về tay chủ mới, tại TP.HCM, một loạt cửa hàng tiện lợi VinMart+ lần lượt bị khai tử. Đơn cử, dù nằm cạnh chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) - nơi có sự cạnh tranh của nhiều "ông lớn" như Co.opFood, Bách Hóa Xanh, Vissan, San Hà nhưng 1 cửa hàng VinMart+ vẫn quyết định bỏ cuộc. 

Một cửa hàng VinMart+ khác trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) vừa được chuyển đổi từ cửa hàng Shop&Go vài tháng cũng âm thầm đóng.

Thực tế, đây chỉ là 2 trong số 744 cửa hàng VinMart+ mà Masan quyết định đóng cửa trong năm 2020. Không chỉ cửa hàng tiện lợi, Masan cũng mạnh tay khai tử 12 siêu thị VinMart. Sau 1 năm quản lý, tính đến cuối năm 2020, hệ thống bán lẻ này còn 123 siêu thị VinMart và 2.231 cửa hàng VinMart+.

Chủ tịch HĐQT Masan - ông Nguyễn Đăng Quang cho biết, các siêu thị, cửa hàng bị đóng cửa đều là các điểm bán hoạt động không hiệu quả. Theo ông, việc đóng cửa này khiến doanh thu thuần gặp bất lợi nhưng doanh số tại các điểm bán đã hoạt động hơn 2 năm lại có mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Kết quả, sau 1 năm về tay chủ mới, doanh thu thuần của Vincommerce đã tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, từ mức 27.130 tỷ đồng vào năm 2019 lên 30.978 tỷ đồng vào năm 2020. Trong đó, doanh thu thuần từ hệ thống VinMart+ tăng 42% bất chấp việc đóng cửa hàng loạt. 

Ngược lại, doanh thu chuỗi siêu thị VinMart lại giảm gần 7% vì Covid-19 khiến các siêu thị trong trung tâm thương mại Vincom vắng khách.

Tại báo cáo thường niên gửi cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang tiết lộ thương vụ mua lại Vincommerce đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. "Nhìn lại, phản ứng dây chuyền này là có thể hiểu được - Masan đã tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ Vincommerce, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ", Chủ tịch Masan thẳng thắn.

Tuy nhiên, theo ông Quang, kết quả kinh doanh bước đầu của Vincommerce đã rất khả quan đúng kỳ vọng của lãnh đạo tập đoàn. 

Việc đóng cửa các điểm bán hoạt động kém hiệu quả đã giúp Vincommerce đạt EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) dương trong quý IV/2020 và dự kiến sẽ giúp EBITDA năm 2021 của Vincommerce tăng khoảng 400 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2021, Vincommerce dự kiến đạt doanh thu thuần hợp nhất từ 36.000 - 40.000 tỷ đồng với EBITDA cả năm 2021 đạt mức dương.

VinMart sẽ nhượng quyền

Thông điệp của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang gửi cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hầu như chỉ tập trung nói về thương vụ nhận chuyển nhượng Vincommerce từ Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ông vạch ra đường đi cụ thể cho "át bài chủ" mới là The CrownX, công ty đang quản lý Vincommerce và Masan Consumer.

VinMart làm ăn ra sao trước khi quyết định đổi tên thành WinMart? - Ảnh 3.

Masan kỳ vọng sẽ có 20.000 cửa hàng nhượng quyền trong tương lai.

Kế hoạch 5 năm tới của Masan là phát triển mạng lưới 10.000 cửa hàng do công ty tự vận hành và 20.000 cửa hàng nhượng quyền bằng cách hợp tác với những tiệm tạp hóa. Masan tham vọng kênh bán lẻ hiện đại này sẽ phục vụ 30-50 triệu người tiêu dùng.

"Khi chuyển đổi sang nền tảng bán lẻ hiện tại, Masan sẽ xây dựng một doanh nghiệp có quy mô doanh thu 7-10 tỷ USD và lợi nhuận gộp gia tăng hai con số vào 2025 cho lĩnh vực bán lẻ", ông Quang đặt mục tiêu.

Tham vọng của Masan sau khi thương vụ đặc biệt này chưa dừng lại đó, mà từng bước chuyển hóa The CrownX thành nền tảng kết nối toàn bộ các nhu cầu của người tiêu dùng. Đó là điểm đến "tất cả trong một" phục vụ từ tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng. 

Theo kế hoạch, ngay trong năm nay, ít nhất 50% cửa hàng trở thành các điểm kết hợp cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm dịch vụ ngân hàng truyền thống và cổng thanh toán kỹ thuật số. Đối tác cung cấp các dịch vụ tài chính cho cho hệ thống này không ai khác chính là Techcombank, một trong những phần tử quan trọng trong hệ sinh thái của Masan.

"Chiến lược và tầm nhìn này nghe có vẻ thân quen, bởi cả thế giới đang theo đuổi mô hình 'hệ sinh thái'. Tôi tin rằng chúng ta đã có những mảnh ghép chiến lược để hiện thực hóa mô hình này ở Việt Nam", ông Quang gửi thông điệp đến cổ đông và tin tưởng mô hình kinh doanh đột phá mà tập đoàn đang hướng đến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem