Vinpearl Air "đóng cửa", Vingroup vẫn đào tạo phi công và tham gia dự án hạ tầng hàng không

Thế Anh Thứ tư, ngày 15/01/2020 16:11 PM (GMT+7)
Đại diện Vingroup khẳng định việc Vinpearl Air rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không sẽ không ảnh hưởng gì tới việc đào tạo nhân lực hàng không. Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên. Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.
Bình luận 0

Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không cũng khiến cho nhiều người dân và học viên khoá I vừa trúng tuyển vào Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation bày tỏ nhiều băn khoăn lo lắng.

img

Vinpearl Air của tỷ phú Phạm Nhật Vượng rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Trước những lo lắng trên, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Vingroup khẳng định: "Việc Vinpearl Air rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không sẽ không ảnh hưởng gì tới việc đào tạo nhân lực hàng không. Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên.

Cũng theo vị này, quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công. Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.

Vào tháng 11/2019, Trường Đào tạo nhân lực kĩ thuật cao ngành Hàng không Vinpearl Air (VinAviation) - thuộc Tập đoàn Vingroup đã tổ chức Lễ khai giảng Khóa 1 chuyên ngành đào tạo Phi công. Với quy mô 180 học viên, khóa 1 quy tụ những gương mặt xuất sắc nhất từ hơn 6.000 ứng viên đăng ký dự tuyển trên toàn quốc.

Các học viên này được tham gia tập trung học Khóa định hướng nhập ngành tại Trường Vinpearl Air. Tiếp đó, học viên sẽ được đưa đi đào tạo cơ bản khoảng 12 tháng tại Trường Cao đẳng kỹ thuật khoa học Hàng không Aviator - ACAST (Mỹ) hoặc Học viện đào tạo Phi công – AAPA (Australia) và huấn luyện chuyển loại 14 tháng tại Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, các học viên được cấp chứng chỉ phi công tiêu chuẩn quốc tế (FAA, CASA) và Cục Hàng không Việt Nam CAAV, có cơ hội học liên thông lên Đại học chuyên ngành Quản trị Hàng không.

Theo kế hoạch trước đó, cuối tháng 12/2019, sau khi thẩm định dự án hàng không Vinpearl Air, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đó, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư lên tới 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng, chiếm 72,34%. Hãng đặt căn cứ tại sân bay Nội Bài -Hà Nội.

Kết quả thẩm định của Bộ KH&ĐT cũng cho biết, dự án Vinpearl Air có thời gian hoàn vốn trong 5 - 6 năm và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lên kế hoạch mua 9 “siêu máy bay” Boeing 787-9 và Airbus 350-900 trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, nâng quy mô đội tàu bay lên 30 chiếc.

Dự kiến, Vinpearl Air chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020 với quy mô 6 tàu bay trong năm đầu tiên. Với thông cáo phát đi ngày hôm nay, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không hiện thực hóa mục tiêu này và “đóng cửa” hãng bay Vinpearl Air dù chưa cất cánh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem