Virus Corona có thể làm mất 800 USD kim ngạch xuất khẩu nông sản
Đánh giá về mức độ tác động của dịch bệnh do virus Corona tới xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, tại cuộc họp mới đây của Bộ Công Thương bàn giải pháp ứng phó với dịch viêm phổi do virus Corona gây ra, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay: Hiện nay, Lạng Sơn đã thông quan 51 xe hàng gồm 22 xe nông sản và 29 xe linh kiện điện tử máy móc.
Mặc dù cửa khẩu đã được mở, song hàng hóa cũng khó có thể thông thương khi phía Trung Quốc vẫn đang tránh việc tập trung đông người. Các chợ biên giới vẫn chưa mở cửa. Lực lượng lao động bốc vác thiếu.
Về góc độ tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, ông Chinh đánh giá: Chưa thể tiến hành ngay được, nhất là với những loại nông sản như dưa hấu, thanh long. Đàm phán mở cửa thị trường cho trái cây không thể diễn ra trong “ngày một ngày hai”.
“Nếu như dịch bệnh diễn ra trong vòng 1-3 tháng, nông sản xuất khẩu qua biên giới chịu tác động giảm 400-600 triệu USD. Nếu dịch kéo dài trên 3 tháng thì sẽ bị tác động đến 800 triệu USD”, ông Chinh nói.
Bên cạnh câu chuyện khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng bày tỏ băn khoăn, lo ngại ở góc độ doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu nghiêm trọng do không thể nhập khẩu từ Trung Quốc nếu dịch bệnh kéo dài vài tháng tới.
“Các nguyên liệu sản xuất cho quý I thường được doanh nghiệp nhập khẩu trước Tết. Song nếu tình hình này tiếp tục, nguồn cung nguyên vật liệu là vấn đề cần quan tâm”, ông Chinh nói.
Trong khi đó, tại buổi Tọa đàm Trực tuyến "Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?" do báo Dân Việt tổ chức sáng 6/2, TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, không chỉ dịch bệnh, ngành nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức khi khó khăn chồng khó khăn.
“Tôi cũng phải nhấn mạnh lại, khi tất cả các vấn đề liên quan đến giao thương bị gián đoạn, nông sản sẽ “nghẽn". Chưa tính đến dịch bệnh này, ngày đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đã dự báo năm 2020 sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp. Ví dụ như dịch tả lợn Châu Phi khiến cho người chăn nuôi lao đao trong năm 2019 thì đến năm 2020 vẫn còn rất nhiều tác động khác như khó khăn kỹ thuật, tái đàn, vốn …”, TS. Nguyễn Kim Sơn nói.
TS. Sơn cũng cho biết, năm 2020 ngành nông nghiệp Việt Nam và nhiều nước còn phải đương đầu với hạn hán sông Mê Kông, lâu lắm không diễn ra tình trạng này. Dịch virus corona nổi lên đã che mất những tác động này nhưng về cơ bản vẫn là những khó khăn mà Việt Nam cần phải vượt qua.
Từ những phân tích trên, TS Sơn cho rằng, khó khăn chồng khó khăn và khó có thể nói chúng ta lạc quan về nông nghiệp trong năm 2020.