Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm, VN-Index chốt tại mức 1.108,08 điểm tăng 9,80 điểm (+0,89%) với giá trị giao dịch 11.717 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HNX-Index tăng 2,14 điểm (+0,98%) và lên mức 219,87 với giá trị chuyển nhượng 1.205 tỷ đồng.

Khối ngoại mua ròng gần 797 tỷ đồng

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 797 tỷ đồng trên sàn HoSE và 26,3 tỷ đồng tại sàn HNX, trong ngày 19/1. Trong số đó, hai mã SSI và VIC là được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với lần lượt 122 tỷ đồng và 73 tỷ đồng.

Trên thị trường, ba cổ phiếu VCB (+3,3%), BID (+1,9%), MSN (+2,1%) có tác động tốt nhất tới VN-Index trong phiên, ghi nhận các mức đóng góp lần lượt 3,563 điểm; 1,079 điểm và 0,750 điểm. Ngược lại, hai mã HPG (-2,5%) và VHM (-0,6%) đã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số và làm mất đi lần lượt 0,803 điểm; 0,328 điểm.

Trên thị trường, VN-Index rung lắc với áp lực bán diễn ra trong hầu hết phiên giao dịch, thậm chí đã có lúc xuống dưới tham chiếu trước khi đảo chiều tăng trở lại vào cuối giờ.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn thể hiện được vai trò trụ cột của thị trường và góp phần lớn đà tăng trong phiên, trong đó các mã BID (+1,9%), VCB (+3,3%), CTG (+1,1%), ACB (+2,0%). Cùng với đó, nhóm cổ phiếu ngành than, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, du lịch và giải trí, hàng và dịch vụ công nghiệp, y tế, bán lẻ, hóa chất… cũng hỗ trợ tích cực cho đà tăng của thị trường.

Song, trên thị trường phái sinh - hợp đồng tương lai VN30 tháng Hai tăng ít hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức chênh lệch âm xuống còn 0,92 điểm.

“Điều này cho thấy là tâm lý của các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn đối với xu hướng của thị trường sau bảy phiên tăng điểm liên tiếp,” ông Thắng nói.

Nhìn tổng thể, ông Thắng phân tích thị trường chứng khoán đã có phiên giao dịch thứ ba liên tiếp (trong tuần giao dịch cuối cùng của năm âm lịch) ghi nhận đà tăng điểm mạnh và tạo ra đợt bứt phá tin cậy đồng thời giúp VN-Index thoát khỏi kênh điều chỉnh xuống trung hạn kéo dài một năm qua.

Như vậy, năm “giao dịch đầy biến động và rủi ro” - 2022 đã kết thúc, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những tín hiệu tích cực mà thị trường phát đi trong tuần giao dịch cuối cùng đã đem lại nhiều kỳ vọng cho một năm 2023 nhiều khởi sắc hơn.

Vận động trong kênh hồi phục

Đóng cửa thị trường trước kỳ nghỉ Tết, VN-Index chốt ở mức 1.108,08 điểm với trạng thái tăng mạnh dần về cuối phiên đồng nghĩa với việc chỉ số đã vượt khá xa đường kháng cự của kênh điều chỉnh xuống trung hạn (nay trở thành đường hỗ trợ cho chỉ số). Điều này có thể xác nhận VN-Index đã bước vào giai đoạn mới mang tính tích lũy để chờ cơ hội tạo xu hướng tăng trưởng thực sự.

“Trạng thái thị trường trong thời gian tới mặc dù chưa xác nhận là xu hướng đi lên nhưng sẽ vận động trong kênh hồi phục và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư bao gồm ngắn, trung và dài hạn,” ông Thắng kỳ vọng.

Ông Thắng cho rằng trong ngắn hạn, đợt hồi phục hiện tại có thể kỳ vọng VN-Index hướng tới mốc 1.150 điểm và đợt phục hồi này khá tin cậy bởi 2 yếu tố - thị trường thoát kênh đi xuống và trước thời điểm chỉ số vượt đỉnh, trạng thái vận động của thị trường là tích lũy khá tốt. 

Về trung và dài hạn, cơ hội đang gia tăng với tỷ trọng liên tục xuất hiện trong thời gian qua. Cụ thể, ông Thắng cho rằng thị trường chuyển đổi trạng thái tích cực sẽ tạo ra các cơ hội và các nhà đầu tư trung, dài hạn hoàn toàn có thể gia tăng tỷ trọng trong các đợt điều chỉnh của thị trường.

Theo ông Thắng, hướng giải ngân vẫn là tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và các cổ phiếu dẫn đầu ngành duy trì được tăng trưởng lợi nhuận cũng như tiếp tục có kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới và tận dụng các phiên thị trường điều chỉnh giảm điểm để giải ngân.

Về triển vọng đầu tư trên thị trường chứng khoán trong năm 2023, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng chỉ ra các cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Song nhìn chung, kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định bởi triển vọng kinh tế vĩ mô không quá khả quan trong năm 2023.

Nhóm ngành cổ phiếu triển vọng trong năm 2023:

VN-Index: Tích lũy để chờ cơ hội bứt phá, tạo cơ hội cho nhà đầu tư - Ảnh 2.

(Nguồn: VCBS)


Tuy nhiên, VCBS kỳ vọng nhóm ngành này duy trì được tăng trưởng tốt bởi các ngân hàng có chất lượng dư nợ tín dụng tốt và nhiều khả năng nhận được phân bổ hạn mức tín dụng khả quan trong năm. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, việc cơ quan quản lý Nhà nước xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong ngành cùng với khả năng tiếp cận vốn vay khó khăn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng.

Nhóm nghiên cứu của VCBS đánh giá triển vọng trong ngắn hạn của cả nhóm bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp là kém khả quan. Nhưng xét về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tổng hợp lại các yếu tố, báo cáo của VCBS cho rằng trong giai đoạn này, nhà đầu tư có thể sàng lọc ra những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang ở chu kỳ bán hàng (chứ không phải ở giai đoạn triển khai dự án) có tỉ lệ vay nợ so với vốn chủ sở hữu thấp và lựa chọn thời điểm giải ngân khi thị trường hồi phục sau khi đã tạo lập thành công đáy trung hạn.

Bên cạnh đó, VCBS cho rằng các nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm.