VNG lỗ 44 tỷ đồng, tham vọng lên NASDAQ của CEO Lê Hồng Minh gặp khó?

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 11/02/2019 16:41 PM (GMT+7)
Với khoản lãi sau thuế giảm tới 63%, chỉ đạt 347 tỷ đồng trong năm 2018, cùng khoản thua lỗ gần 234 tỷ đồng của VNG từ hoạt động liên doanh liên kết. Tham vọng đưa VNG lên sàn NASDAQ của CEO Lê Hồng Minh sẽ đối mặt với không ít khó khăn nếu doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ trong các quý kinh doanh tiếp theo.
Bình luận 0

img

CEO Lê Hồng Minh

VNG gánh lỗ vì Tiki?

Công ty cổ phần VNG (VNG Corporation) do ông Lê Hồng Minh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý IV.2018 với doanh thu tăng trưởng 5% đạt mức 1.144 tỷ đồng.

Trong khi đó, doanh thu hoạt động tài chính của VNG giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, ở mức 40,8 tỷ đồng, còn chi phí tài chính VNG ghi nhận trong kỳ không đáng kể, chỉ hơn 319 triệu đồng.

Song khác với các kỳ hoạt động kinh doanh khác, khoản chi phí bán hàng trong quý IV.2019 tăng tới 26% lên 338,2 tỷ đồng, khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 22% lên 184,3 tỷ đồng. Thêm vào đó, khoản lỗ trong công ty liên kết trong kỳ tới 81,8 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VNG âm khoảng 6,9 tỷ đồng.

Trong kỳ, VNG cũng ghi nhận khoản lỗ khác trên 44 tỷ đồng. Kết quả, doanh nghiệp lỗ sau thuế hơn 44 tỷ đồng trong quý IV.2018, đánh dấu quý lỗ đầu tiên của VNG kể từ năm 2016. Còn tính chung cả năm 2018, doanh thu của VNG đạt 4.305 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lỗ trong công ty liên kết lên tới 234 tỉ đồng, tăng 92% so với năm 2017, cộng thêm khoản chi phí quản lý doanh nghiệp và khoản lỗ khác 61 tăng mạnh 26% và 74% đã khiến đến lợi nhuận sau thuế của VNG chỉ còn 347 tỷ đồng, giảm 63% so với năm 2017.

img

Dù VNG không giải trình chi tiết về số lỗ tại các công ty liên kết, song trong số các công ty kể trên, Tiki thời gian qua vẫn được biết đến là đơn vị thua lỗ khá lớn trong cuộc chiến thương mại điện tử.

Tại thời điểm 31.12.2018, danh sách công ty liên kết của VNG sở hữu 28,88% cổ phần tại CTCP Tiki giảm 10% so với thời điểm cuối năm 2017, song giá trị đầu tư đã tăng lên hơn 506,2 tỷ đồng. Ngoài ra, VNG của ông Lê Hồng Minh nắm 50% cổ phần tại All Best Asia Group Limited (ABA), và 49% cổ phần tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Truyền thông Thanh Sơn (Thanh Sơn).

Dù VNG không giải trình chi tiết về số lỗ tại các công ty liên kết, song trong số các công ty kể trên, Tiki thời gian qua vẫn được biết đến là đơn vị thua lỗ khá lớn trong cuộc chiến thương mại điện tử.

Cụ thể, năm 2017, VNG ghi nhận khoản lỗ 219 tỷ đồng tại Tiki. Sau 6 tháng đầu năm 2018, khoản lỗ này tiếp tục tăng thêm 102 tỷ đồng. Đến thời điểm 30.6.2018, VNG ghi nhận khoản lỗ tại Tiki là 321,2 tỷ đồng.

Tham vọng đưa VNG lên sàn NASDAQ gặp khó

VNG được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là Top 40 Thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam nhờ các chỉ số tài chính tốt, Forbes tính toán giá trị thương hiệu của VNG hiện đạt 47,2 triệu USD. Trước đó, năm 2014, công ty nghiên cứu thị trường World Startup Report từng định giá VNG hơn 1 tỷ USD, đồng nghĩa với việc VNG của ông Lê Hồng Minh là startup kỳ lân (unicorn) duy nhất tại Việt Nam.

img

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG Lê Hồng Minh và Phó chủ tịch sàn chứng khoán NASDAQ Bob McCooey bắt tay sau lễ ký kết. (Ảnh: Zing)

Thời điểm cuối tháng 5.2017, Phó chủ tịch tập đoàn NASDAQ Bob McCooey và ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG, đã ký một Bản Ghi nhớ về việc VNG dự kiến sẽ IPO trên sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới.

VNG thông báo sẽ được NASDAQ hỗ trợ thủ tục và sẽ đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của NASDAQ nhằm IPO trong thời gian sớm nhất có thể. Chia sẻ về quyết định này, ông Lê Hồng Minh thừa nhận việc IPO ở NASDAQ là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, VNG hy vọng chính thách thức này sẽ là động lực tạo ra những chuyển biến bước ngoặt về tư duy, tổ chức, con người trong nội bộ để công ty có thể tiến nhanh hơn vào thị trường toàn cầu và sẵn sàng cho làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Để IPO trên sàn NASDAQ, các doanh nghiệp sẽ phải trải qua 4 bước kéo dài khoảng 5-6 tuần và DN phải đạt được những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, từ kinh doanh, tài chính, quản trị của công ty.

Trao đổi với PV Dân Việt ít ngày sau khi ký bản ghi nhớ với NASDAQ, đại diện VNG cho biết: “Dựa trên việc xem xét kĩ càng về mọi mặt giữa Nasdaq và kế hoạch trong tương lai của VNG cũng như những thay đổi và xu hướng mới trên thị trường chứng khoán và đầu tư - tài chính, VNG sẽ có quyết định lựa chọn sàn ở giai đoạn có dự kiến cụ thể về thời điểm IPO.

Ngoài ra, pháp luật chứng khoán hiện hành cho phép các công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty cổ phần đại chúng được quyền niêm yết chứng khoán ra nước ngoài. Tuy nhiên, khi niêm yết, sẽ không thể phát hành cổ phần bởi lẽ phần quyền của các thành viên trong công ty được đại diện bởi phần vốn góp của họ. Và như vậy, các sàn chứng khoán nước ngoài sẽ xử lý như thế nào với khái niệm niêm yết phần vốn góp?”.

Trên thực tế, dù việc niêm yết cổ phiếu ở thị trường nước ngoài mang lại nhiều giá trị lớn cho doanh nghiệp song hiện tại, rất ít doanh nghiệp Việt gọi vốn quốc tế thành công bởi những điều kiện khắt khe của các sàn chứng khoán quốc tế.

Quy định về giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đối với các NHTM cổ phần là 30%. Còn với các công ty đại chúng/niêm yết hiện là 49%. Việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn của các NĐTNN trong các công ty niêm yết buộc các tổ chức phát hành khi niêm yết chứng khoán ra nước ngoài phải thiết lập một phạm vi huy động vốn nằm trong giới hạn tỷ lệ sở hữu này.

Đồng thời, cũng làm phát sinh nhu cầu của các NĐTNN theo đó yêu cầu tổ chức phát hành Việt Nam phải cung cấp cam kết duy trì phạm vi sở hữu nước ngoài nói trên để đảm bảo rằng họ có thể tự do bán chứng khoán của mình cho bất kỳ NĐTNN nào khác mà không phải gánh chịu rủi ro pháp lý vi phạm tỷ lệ tham gia góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN. Mặt khác, giới hạn về tỷ lệ vốn góp trong công ty đại chúng/niêm yết cũng sẽ giảm sự hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn ở nước ngoài đối với chứng khoán của doanh nghiệp Việt Nam được niêm yết vì họ có thể không có khả năng thâu tóm công ty vì không nắm quá bán vốn của công ty niêm yết.

Về tiềm lực tài chính, để lên sàn NASDAQ, doanh nghiệp phải đạt doanh thu với tổng doanh thu 3 năm gần nhất lớn hơn 11 triệu USD, không năm nào trong 3 năm gần nhất có doanh thu nhỏ hơn 0 USD và doanh thu 2 năm gần nhất phải lớn hơn 2,2 triệu USD mỗi năm.

Với bộ tiêu chuẩn về vốn hóa và dòng tiền, doanh nghiệp muốn lên sàn NASDAQ phải có vốn hóa lớn hơn 550 triệu USD trong 12 tháng trước khi nộp hồ sơ. Tổng dòng tiền của doanh nghiệp trong 3 năm gần nhất phải lớn hơn 27,5 triệu USD và không năm nào dòng tiền dưới 0 USD. Doanh thu năm trước của doanh nghiệp cũng phải đạt yêu cầu lớn hơn 110 triệu USD. 

Đây là một thách thức với VNG của ông Lê Hồng Minh khi muốn đưa cổ phiếu lên sàn NASDAQ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem