VnIndex mất 18 điểm, bộ đôi cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết giảm sau đại hội cổ đông

Hoàng Nhật Thứ ba, ngày 12/06/2018 19:12 PM (GMT+7)
Phiên giao dịch ngày 12.6 chứng kiến sự giảm điểm của VnIndex khi đóng cửa ở mức 1.020,76 điểm, giảm 18,26 điểm (1,76%) so với phiên hôm qua. Thị trường cũng chứng kiến sự giảm điểm của 26 mã chứng khoán trong nhóm VN30 giảm giá trị giao dịch. Đáng chú ý là sự giảm điểm của bộ đôi cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết sau thông tin đại hội đồng cổ đông diễn ra sáng nay.
Bình luận 0

Tỷ phú Trần Đình Long, đại gia Trịnh Văn Quyết đổi vị trí

Càng về cuối phiên giao dịch ngày 12.6, biên độ dao động của các cổ phiếu trên TTCK Việt Nam càng trở nên khó đoán. Rất nhiều cổ phiếu giao dịch trái ngược hoàn toàn so với phiên sáng nay. Đáng chú ý nhất là cổ phiếu ROS, , hôm nay ROS có phiên giao dịch biến động mạnh từ mức trần đến mức sàn với biên độ dao động gần 15% trước khi đóng cửa ở mức 64.800 đồng, giảm nhẹ 0,6%.

img

VnIndex đóng cửa ở mức 1.020,76 điểm, giảm 18,26 điểm (1,76%) so với phiên hôm qua (Ảnh: I.T)

Tại nhóm cổ phiếu lớn và bluechip, sắc xanh chỉ le lói ở một số cổ phiếu như VIC, VNM, NVL, STB, còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản gồm VIC, NVL đồng loạt quay đầu tăng trở lại trong phiên chiều và đóng cửa tăng giá so với phiên hôm trước. Những cổ phiếu này đã giúp cho TTCK Việt Nam bớt phần "tiêu cực" trong phiên giao dịch ngày 12.6.

Ngoài ra, STB cũng là mã duy nhất trong nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong phiên hôm nay. Còn lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến VnIndex giảm sâu khi có tới 4 cái tên trong nhóm 10 cổ phiếu kéo tụt chỉ số VnIndex gồm TCB, VCB, BID và CTG. Trong đó, BID giảm 4,52%, xuống 29.600 đồng; TCB giảm 3,67%, xuống 105.000 đồng.

Bên cạnh đó là cổ phiếu của ngành thép: HPG, HSG; dầu khí: GAS, PVD, PVS;  xây dựng: CTD, HBC cũng khiến thị trường giảm điểm sâu.

Về thanh khoản, hôm nay, MBB là mã có thanh khoản tốt nhất với 11 triệu đơn vị được giao dịch, tiếp đến là HPG với 10,59 triệu đơn vị, CTG với 8,8 triệu đơn vị, STB với 8,54 triệu đơn vị.

Dòng tiền bắt đáy cũng giúp nhiều mã có thanh khoản tốt trong phiên hôm nay như SSI: 7,68 triệu đơn vị, FLC: 5,97 triệu đơn vị, DXG: 5,43 triệu đơn vị...

Kết thúc phiên giao dịch, VnIndex đóng cửa ở mức 1.020,76 điểm, giảm 18,26 điểm (1,76%) so với phiên hôm qua. Còn HNX-Index giảm 1,97 điểm (1,66%) còn 116,49 điểm và Upcom-Index giảm 0,64 điểm còn 53 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn ở mức 279,3 triệu đơn vị, tương ứng với tổng giá trị đạt 7.687 tỷ đồng, trong đó có 1.250 tỷ đồng giao dịch thỏa thuận.

img

Tỷ phú Trần Đình Long tụt xuống vị trí thứ 4 trong khi ông Trịnh Văn Quyết lên vị số 3 trên bảng xếp hạng người giàu nhất TTCK Việt Nam

Về sự thay đổi tài sản của những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam sau phiên giao dịch ngày 12.6, không thể không nhắc tới sự thay đổi vị trí giữa ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát.

Cụ thể, dù tài sản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết giảm tới 152,85  tỷ đồng (0,69%) do hai cổ phiếu cổ phiếu ROS và FLC lần lượt giảm nhẹ 0,6% và 1,77%. Song do tài sản chứng khoán của tỷ phú USD Trần Đình Long đã giảm tới 6.906,18 tỷ đồng (29,87%) xuống còn 16.216,18 tỷ đồng nên ông Trịnh Văn Quyết đã thay ông Trần Đình Long nắm giữ vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam.

Tại đại hội đồng cổ đông của FLC diễn ra sáng nay, báo cáo cho biết doanh thu hợp nhất năm 2017 đạt 12.300 tỷ đồng, đạt 94,61% so với kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế 385 tỷ đồng, đạt 39,13% so với kế hoạch đề ra.

Giải thích lý do lợi nhuận trong năm 2017 không đạt như kế hoạch, ông Trần Quang Huy, Tổng giám đốc FLC cho biết việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản phẩm sang căn hộ khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng đã làm giá vốn bán hàng tăng mạnh từ 4,5 nghìn tỷ năm 2016 lên hơn 10 nghìn tỷ trong năm 2017. Do đó, lợi nhuận năm 2017 giảm so với năm 2016.

Cũng tại đại hội, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC cho biết trong năm 2018, các chuyến bay của Bamboo Airways sẽ chính thức cất cánh. "Việc mở hãng hàng không Bamboo Airways là chủ trương lớn của HĐQT và của ban điều hành. Trước đây tập đoàn đã từng mở dịch vụ trực thăng nhưng xét thấy hoạt động không hiệu quả bởi số khách hàng phục vụ chưa được nhiều. Bên cạnh đó, thời gian xin giấy phép bay khoảng 4-5 ngày, khó khăn trong quá trình hoạt động. Vì vậy, từ năm 2015, Tập đoàn đã bắt đầu nghiên cứu về hãng hàng không Bamboo Airway", ông Quyết nhấn mạnh.

img

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC 

Chủ tịch FLC cũng khẳng định, để mở hãng hàng không mới chúng ta phải sánh vai cùng hãng hàng không đang có. Năm 2018 này chúng tôi quyết tâm có 20 máy bay về các sân bay của Việt Nam. Trụ sở chính của Bamboo Airways đang nằm ở sân bay Phù Cát của tỉnh Bình Định. 20 máy bay này sẽ bay ngay trong năm 2018.

Ông Quyết cũng tiết lộ thêm 20 máy bay này là máy bay đi thuê. Còn 24 chiếc máy bay A321NEO mà FLC mua từ Airbus sẽ bắt đầu bàn giao cho từ năm 2019-2023. Ngày 25-26/6, ban lãnh đạo của FLC sẽ đến nhà máy sản xuất để trả tiền đặt cọc tiền cho số máy bay này.

"Hiện công ty chưa phát hành cổ phiếu để huy động cho hãng hàng không này mà hoàn toàn dùng bằng vốn tự có và vốn vay. Airbus và Boeing đều cam kết có công ty tài chính đứng ra thu xếp vốn với số tiền lên tới 80%, tức chúng ta chỉ phải bỏ từ 20-30%, tùy theo thu xếp tài chính", chủ tịch Trịnh Văn Quyết khẳng định.

Về chiến lược phát triển, ông Quyết cho hay Bamboo Airways không định vị hãng hàng không giá rẻ mà là hãng hàng không truyền thống như Vietnam Airlines và cũng sẽ có cả những dịch vụ siêu cao cấp hơn truyền thống và cả những dịch vụ giá rất rẻ như phục vụ những chuyến bay miễn phí đến các khu nghỉ dưỡng FLC.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về số vốn điều lệ 700 tỷ, ông Quyết cho biết Tập đoàn đang gửi tiết kiệm lấy lãi ở Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Đồng thời ông cũng khẳng định: "Trong năm 2018 chắc chắn Bamboo Airways sẽ được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động và sẽ có chuyến bay đầu tiên".

Mặc dù thông tin khá rõ ràng, nhưng bộ đôi cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết vẫn giảm điểm, nhưng không giảm mạnh bằng cổ phiếu HPG của Trần Đình Long.

Tuy nhiên, việc tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long đột ngột giảm gần 30% có thể lý giải phần nào bởi theo thông báo ngày 4.6 của UBCKNN, hôm nay (12.6) là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức năm 2017, còn ngày mai (13.6) là ngày cuối cùng để đăng ký nhận trả cổ tức năm 2017 của Hòa Phát bằng cổ phiếu HPG với tỷ lệ 10:4, tương ứng cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 4 cổ phiếu mới.

Sau đó, Hòa Phát dự kiến phát hành hơn 606,8 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 40%. Giá trị phát hành theo mệnh giá là hơn 6.068 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC năm 2017 đã được kiểm toán.

Hiện tại, Hòa Phát có vốn điều lệ hơn 15.170 tỷ đồng. Dự kiến sau phát hành vốn điều lệ công ty tăng lên trên 21.240 tỷ đồng.

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng quay lại mốc 90.000 tỷ đồng

Sau khi giảm khá sâu tron phiên buổi sáng, cổ phiếu VIC đã quay đầu tăng trở lại trong phiên chiều và đóng cửa với mức giá 0.08% so với phiên hôm trước. Điều này đã giúp tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm 72,4 tỷ đồng (0,08%), đạt 90.061,76 tỷ đồng sau phiên giao dịch ngày 12.6.

img

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng quay lại mốc 90.000 tỷ đồng (Ảnh: I.T)

Ngày 12.6, Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng chính thức công bố triển khai kế hoạch sản xuất các thiết bị điện tử, khởi điểm là điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Theo đó, Tập đoàn Vingroup đã thành lập Công ty VinSmart, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Công ty VinSmart sẽ hoạt động trong 2 lĩnh vực chính. Thứ nhất, sản xuất các thiết bị điện tử thông minh, mở đầu là sản xuất điện thoại thông minh với thương hiệu Vsmart. Thứ hai, nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và nguyên liệu thế hệ mới.

img

Nhà máy Vsmart sẽ được đầu tư xây dựng tại Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng)

Nhà máy Vsmart sẽ được đầu tư xây dựng tại Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) theo tiêu chuẩn quốc tế. Về công nghệ, Vingroup đang làm việc với các công ty tư vấn hàng đầu thế giới để thuê tư vấn thiết kế, tìm kiếm các chuyên gia giỏi, mua các bản quyền thiết kế các cấu phần của điện thoại thông minh; đồng thời tiến hành mua dây chuyền thiết bị để sản xuất điện thoại. Sự hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới sẽ đảm bảo quy trình sản xuất điện thoại thông minh Vsmart được trang bị hiện đại, tiên tiến nhất, nhằm tối ưu hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ở lĩnh vực thứ hai, VinSmart sẽ thành lập các Trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, nguyên liệu thế hệ mới và sẽ chủ động nghiên cứu, mua bản quyền các sáng chế về tổ chức thực nghiệm tại Việt Nam để có thể đưa các sáng chế, công nghệ này vào sản xuất và cuộc sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem