“Vợ chồng cần nói lời yêu thương, tặng quà nhau trong các dịp quan trọng”

PVKT Thứ ba, ngày 14/06/2022 17:53 PM (GMT+7)
Chiều 14/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Bình luận 0

"Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất"

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho biết, theo điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) năm 2020 cho thấy, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ. Theo ông, một trong những khó khăn trong việc áp dụng luật là việc xác định mức độ vi phạm nào là hành vi bạo lực gia đình.

Qua tìm hiểu, đại biểu đoàn Bình Định thông tin: Trên thế giới chỉ có hai quốc gia có luật tương đối giống chúng ta là Hàn Quốc và Trung Quốc. Theo đó, quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình đã được quy định rõ trong Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi. Nhưng vấn đề là làm sao để thực hiện các quyền và trách nhiệm đó.

"Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất" - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định).

Nêu vấn đề cần quan tâm là văn hóa gia đình đến năm 2030 và sau đó như thế nào, đại biểu Cảnh cho rằng, văn hóa gia đình cũng cần được định hướng phù hợp với văn hóa quốc gia đó là "phải giữ gìn truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc văn hóa tốt đẹp của thế giới và áp dụng lối sống văn minh".

Về giữ gìn truyền thống, đại biểu nêu quan điểm "tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ". Theo đại biểu Bình Định, bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức mà đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và được thụ hưởng như nhau về thành quả.

"Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất và theo mình cả đời đó là sự dịu dàng. Đôi khi họ cố gắng thật nhiều để có các năng lực khác nhưng không bù lại được kết quả mà sự dịu dàng mang lại cho gia đình", đại biểu Cảnh nói.

Đối với việc tiếp thu văn hóa thế giới, ông Cảnh nêu ví dụ cần bỏ suy nghĩ trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi.

Ông Cảnh cũng cho rằng, về văn hóa tốt đẹp của gia đình trên thế giới thì vợ chồng cần kính trọng lẫn nhau, nói với nhau lời yêu thương, tặng quà trong các dịp quan trọng, sống gần gũi, ăn mặc chỉnh tề, dành quyền ưu tiên, nhận lãnh trách nhiệm, hy sinh cho nhau, sống vững niềm tin, làm tròn bổn phận vợ chồng.

"Cha mẹ nào cũng thương con nhưng người chồng tế nhị sẽ biết quan tâm vợ trước khi quan tâm con để tránh đôi lúc người vợ nghĩ chồng cưới mình về chỉ để sinh con, hay người vợ quan tâm chồng trước khi quan tâm con để người chồng nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình đối với gia đình", ông Cảnh nhấn mạnh.

Từ những phân tích đó, ông Cảnh cho rằng, luật mở rộng sẽ quy định cụ thể hơn các biện pháp, làm rõ hơn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát huy quyền bình đẳng giới trong cuộc sống hàng ngày. Nam, nữ được tham gia các lớp tiền hôn nhân về trách nhiệm của vợ, chồng, điều kiện để xây dựng một gia đình hạnh phúc; vợ chồng được học các lớp về sức khỏe sinh sản, cách nuôi con trong quá trình mang thai và sau khi sinh con…

"Xây dựng gia đình hạnh phúc thì bạo lực gia đình sẽ không tồn tại, chúng ta không phải lo lắng đến giải pháp cuối cùng để chống bạo lực gia đình bằng xử lý hành chính, cấm tiếp xúc hay hình sự", ông Cảnh nhấn mạnh.

Quy định rõ về chủ thể, đối tượng của khái niệm "bạo lực gia đình"

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách về quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

"Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất" - Ảnh 2.

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang).

Về khái niệm bạo lực gia đình, đại biểu đề nghị bổ sung chủ thể, đối tượng gây bạo lực gia đình vào khái niệm, cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình.

Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: "Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng".

Đại biểu cho rằng, việc mở rộng đối tượng như vậy là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ "thành viên gia đình" để áp dụng trong phạm vi luật này, khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung tại Điều 3 giải thích từ ngữ về khái niệm "người có nguy cơ bị bạo lực gia đình" nhằm giúp các cá nhân, tổ chức, cơ quan trợ giúp có thể xác định được những người có nguy cơ bị bạo lực gia đình để có cơ hội chủ động tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa bạo lực một cách tập trung và chủ động.

"Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất" - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh).

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng.

Theo đại biểu này, hiện nay chúng ta sẽ thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực và đại biểu cho rằng, bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình.

Làm rõ ai là người đóng góp chính trong gia đình

Tham gia thảo luận tại hội trường, Đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) chỉ ra rằng tại điểm q khoản 1 Điều 4 có quy định hành vi "có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ" là một trong những hành vi bạo lực gia đình.

Đại biểu phân tích, trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, ai là người đóng góp chính trong gia đình, phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, gia đình nào phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính, những thành viên trong gia đình phải đóng góp là những ai? Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. 

Đại biểu đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

Về điều khoản trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, tại khoản 4, Điều 12 dự thảo Luật quy định: Người có hành vi bạo lực gia đình chủ động khắc phục hậu quả đã gây ra cho người bị bạo lực gia đình; bồi thường thiệt hại do mình gây ra cho người bị bạo lực gia đình và người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Quy định này đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại giữa người có hành vi bạo lực gia đình và người bị bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xác định rõ những người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình gồm những ai, nguồn lực tài chính dùng bồi thường thiệt hại này là tài sản chung hay tài sản của riêng?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem