Vợ chồng hiếm muộn ở Bình Định gian nan “tìm” con và giấc mơ có thật

Dũ Tuấn - Thăng Bình Thứ bảy, ngày 27/02/2021 12:55 PM (GMT+7)
Gian nan “tìm” con, đến phút cuối hạnh phúc cũng mỉm cười với những cặp vợ chồng hiếm muộn ở tỉnh Bình Định, nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Bình luận 0

Cưới nhau 12 năm, vợ chồng anh H. Đ (43 tuổi, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) gặp vô vàn gian nan trên hành trình "tìm" con.

Mới đây, vợ chồng anh Đ là trường hợp đặc biệt trong 7 cặp vợ chồng hiếm muộn may mắn có con từ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm thực hiện ngay tại đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định với sự chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh).

Đến nay, con gái của vợ chồng anh Đ được gần 2 tháng tuổi, khi nhắc đến con người cha này, vẫn rưng rưng nước mắt bởi để có được bé, vợ chồng anh quá vất vả.

Vợ chồng hiếm muộn ở Bình Định gian nan “tìm” con và giấc mơ có thật - Ảnh 1.

Vợ chồng hiếm muộn ở Bình Định gian nan “tìm” con và giấc mơ có thật - Ảnh 2.

Bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến bế em bé chào đời từ IVF trong niềm vui khó tả.

Anh Đ lấy vợ năm 2009, ngần ấy thời gian cặp vợ chồng trẻ cùng nhau đi khắp các bệnh viện ở phía Nam rồi ngược dòng ra tận Huế để khám, điều trị vẫn không có kết quả.

Nghe mách uống thuốc bắc, thuốc nam anh đều làm theo nhưng chỉ là sự thất vọng, bác sĩ kết luận anh bị "tinh trùng yếu, gần như bất động".

Vợ chồng anh Đ tính bỏ cuộc, thế nhưng, năm 2018 nghe tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định triển khai kỹ thuật IVF. Anh cùng vợ đăng ký ngay từ ngày đầu tiên, may mắn mỉm cười với họ khi ngay lần chuyển 2 phôi đầu thì đậu thai.

Ngày 10/1, niềm vui vỡ òa khi vợ chồng anh đón cô con gái nặng 3,1kg chào đời mạnh khỏe.

"Từ khi đặt phôi thai được vợ chồng tôi mừng lắm, thời gian chờ dài nên rất lo lắng và tôi tạo mọi điều kiện hết cho vợ. Lần đầu tiên được bồng con trong quá trình đi "tìm" con khó khăn, mà mừng muốn rơi nước mắt", anh Đ tâm sự.

Với sự hỗ trợ của Bệnh viện Từ Dũ, từ năm 2018 đến 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã hoàn tất 20 chu kỳ chuyển giao kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Vợ chồng hiếm muộn ở Bình Định gian nan “tìm” con và giấc mơ có thật - Ảnh 3.

Ngành y tế tỉnh Bình Định mang lại giấc mơ có thật cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.

Kết quả, có 9 trường hợp đậu thai, trong số này 7 ca sinh thành công 9 em bé (2 ca song thai).

Ngày 7/2, đánh dấu cột mốc quan trọng cho thành công vượt bậc của ngành y tế Bình Định khi Bộ Y tế có Quyết định công nhận Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đủ điều kiện triển khai độc lập kỹ thuật IVF.

Thành công này là một chặng đường rất dài và đầy cam go với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ 10 năm trước.

Thời điểm khởi động, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là một trong 10 bệnh viện vùng của cả nước được Chính phủ chọn triển khai dự án hỗ trợ đầu tư trang thiết bị y tế do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ.

Sau khi có trang thiết bị, bệnh viện mời chuyên gia Bệnh viện Từ Dũ khảo sát cơ sở hạ tầng, để triển khai đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản.

Đến năm 2018, hội đủ hai điều kiện quan trọng, Bệnh viện cử ê kíp của khoa Phụ sản vào Bệnh viện Từ Dũ học và nhận chuyển giao kỹ thuật, và đến nay đã được hái những quả ngọt đầu tiên.

Bác sĩ CK II Nguyễn Hữu Tiến - Phó trưởng khoa Phụ sản, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật này cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, cho biết: "Ca đầu tiên thông báo thành công thai, chúng tôi vừa mừng vừa lo vì không biết trong hành trình gian nan vất vả 9 tháng 10 ngày em bé được đủ tháng hay trục trặc có vấn đề gì không. Chỉ đến khi được bế được em bé ra khỏi bụng mẹ thì nỗi lo ấy không còn nữa, thay vào đó là niềm vui vỡ òa".

Với thành công này, Bình Định là 1 trong 3 tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ hiếm hoi thành công trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được Bộ Y tế công nhận, mang lại niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Vợ chồng hiếm muộn ở Bình Định gian nan “tìm” con và giấc mơ có thật - Ảnh 3.

Đội ngũ cán bộ, trang thiết bị được đầu tư rất bài bản, hiện đại.

Theo kế hoạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định sẽ thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản trên cơ sở của đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản để đầu tư và phát triển mạnh hơn, đồng bộ hơn kỹ thuật IVF.

Hiện, có khoảng 30 trường hợp đăng ký làm IVF tại đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản, trong đó, khoảng 15% bệnh nhân đến từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên.

"Đây là thành công rất lớn, rất đáng tự hào nhưng mới chỉ là bước đầu. Chúng tôi đang có dự kiến, trước hết là Khoa Hỗ trợ sinh sản, tách ra từ khoa phụ sản hiện tại.

Trên cơ sở đó, có điều kiện để phát triển nhân lực chuyên sâu, đầu tư mua sắm trang thiết bị cao cấp hơn nữa. Ngoài ra, có rất nhiều công việc chuyên môn khác phải làm như ngân hàng tinh trùng, ngân hàng trứng…", Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem