Vỡ tan giấc mộng thoát nghèo vì dịch - hạn

HUỲNH XÂY Thứ tư, ngày 03/06/2020 18:05 PM (GMT+7)
Tác động kép của nước mặn xâm nhập và dịch Covid-19 khiến cuộc sống nhiều hộ dân miền Tây rơi vào vòng xoáy của cái nghèo. Với nhiều hộ gia đình, nguy cơ tái nghèo hiện rõ.
Bình luận 0

Khốn khổ vì dịch - hạn

Những ngày này, về xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, phóng viên ghi nhận hàng loạt diện tích vườn cây ăn trái của bà con bị chết, khô héo do nước mặn gây ra. Đau lòng nhất là những gia đình có vài nghìn m2 trồng cây ăn trái để kiếm tiền sống qua ngày nhưng vẫn gặp cảnh "trắng tay".

(Báo giấy) Vỡ tan giấc mộng thoát nghèo - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Anh Châu (ấp Tân Đông, xã Tân Phú) trong vườn chôm chôm bị thiệt hại 100% do nước mặn xâm nhập. Ảnh: Huỳnh Xây

Gặp phóng viên NTNN, bà Nguyễn Thị Anh Châu, (ngụ ấp Tân Đông) cho biết, gia đình bà có 3 công (3.000m2) trồng chôm chôm và bưởi bị thiệt hại 100% do nước mặn.

"Chỉ riêng vụ này, tôi đầu tư vào 30 triệu đồng để chăm sóc vườn cây nhưng giờ mất trắng, bưởi thì ra trái rất ít rồi đều bị rụng, còn chôm chôm thì khô héo cây, trái hư hết. Nhớ giờ này các năm trước, tôi thu được khoảng 35 triệu đồng từ vụ trái chôm chôm, còn bưởi tháng nào bán cũng được từ 4-5 triệu đồng" - bà Châu buồn rầu nói.

Chưa dừng lại ở đó, bà Châu còn cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bà không thể đi nấu ăn cho đám cưới, đám hỏi (bà là tổ trưởng một nhóm chuyên đi nấu ăn cho các đám tiệc ở địa phương - PV) nên không có thu nhập thêm.

Cũng theo bà Châu, năm 2019, bà đã xin thoát nghèo và đã được chấp thuận. Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện tại có thể làm gia đình bà tái nghèo. Bà Châu lo lắng: "Nếu mùa khô năm tới gặp nước mặn xâm nhập nữa chắc chết quá".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Châu (ngụ ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phú) cũng có hoàn cảnh khó khăn tương tự. Hơn 3 tháng qua, khu vườn thuê trên 3.000m2 để trồng bưởi không thu được trái nào do nước mặn xâm nhập, từ đó cuộc sống gia đình rơi vào cảnh bế tắc. 

"Từ nhiều tháng qua, độ mặn của nước dưới sông từ 7 - 8‰ nên tôi không tưới cho vườn bưởi được. Do vậy, cây bị thiếu nước nên khô héo, không có trái để bán. Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo, cuộc sống vốn đã khó khăn, bây giờ gặp cảnh này nữa không biết sống sao. Tôi cũng đang rầu vì không biết bao giờ nước dưới sông ngọt trở lại để tưới cho vườn cây này" - bà Ngọc Châu vừa dẫn phóng viên ra vườn bưởi vừa nói.

Mỗi năm, bà Ngọc Châu phải trả 11 triệu đồng tiền thuê đất trồng bưởi. Do ảnh hưởng nước mặn, vườn bưởi không thể sớm hồi phục được nên bà khó có tiền trả. Bà cũng có nghề bó chổi dừa nhưng do dịch Covid-19, số người mua không còn nhiều nên không bán được.

Bà Ngọc Châu có dự định năm 2020 này sẽ đăng ký địa phương cho thoát nghèo nhưng dự định này hiện không thể thực hiện được. Bà cũng vừa vay tiền ngân hàng để cho một người con có đủ điều kiện đi học.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phú - bà Hồ Thị Ngọc Cầm, thông tin với phóng viên NTNN: "Tổng số hộ nghèo toàn xã Tân Phú là 130 hộ, dự kiến năm 2020 sẽ thoát nghèo 21 hộ, còn lại 109 hộ nhưng tình hình hạn mặn và Covid-19 có thể làm mục tiêu thoát nghèo không đạt và bị tái nghèo. Riêng về hạn mặn, theo thống kê, có khoảng 90% diện tích của hơn 2.000ha đất nông nghiệp trồng chôm chôm và sầu riêng bị thiệt hại".

Chọn rời quê kiếm tiền

Nhiều người dân nghèo ở xã Hỏa Tiến (TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cũng đang khốn khổ vì nước mặn xâm nhập và ảnh hưởng của Covid-19. Dẫn chúng tôi ra con sông phía sau nhà, bà Lê Thị Tuyết Sương (ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến) buồn rầu nói: "Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, con sông này lục bình sống rất tốt nhưng giờ chết hết rồi, cuộc sống cả gia đình tôi cũng theo đó mà khó khăn".

(Báo giấy) Vỡ tan giấc mộng thoát nghèo - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Kim Thương (ngụ ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến) xót xa khi 1.000m2 mặt nước trồng lục bình bị chết hoàn toàn do nước mặn. Ảnh: H.X

Theo bà Sương, gia đình bà có 1.000m2 dưới sông trồng lục bình và thu hoạch được 1 đợt vào cuối năm 2019. Sau đó, gia đình thuê thêm 4.000m2 mặt nước dưới sông để trồng lục bình, ai ngờ nước mặn về làm chết hết số lục bình trên.

"Năm nay mặn nghiêm trọng nhất so với các năm khác nên lục bình mới bị vậy, chứ các năm trước thì không chết. Không sống được bằng nghề trồng lục bình, tôi định làm thuê nhưng do dịch Covid-19 nên không ai mướn. Vài ngày tới, tôi sẽ đi Bình Dương làm, kiếm được đồng nào hay đồng nấy, có nhiêu tiền sẽ gửi về nhà cho chồng nuôi con và cháu" – bà Sương nói.

Chồng bà Sương bị bệnh phong tê thấp lâu ngày không làm được việc nặng, khả năng đi lại cũng không được bình thường như bao người. Do không có tiền và trường xa nên 2 đứa con nhỏ của vợ chồng bà Sương cũng nghỉ học.

835 hộ nguy cơ tái nghèo

"Hạn mặn và Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc sống người dân trên địa bàn huyện Châu Thành, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Họ mất việc làm, không có thu nhập, cây trái mất năng suất. Những đối tượng này có khả năng tái nghèo do cuộc sống phụ thuộc phần lớn vào vườn cây ăn trái.

Riêng đối với đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã có 1.059 hộ tham gia, năm 2019 có 835 hộ thoát nghèo, 224 hộ còn lại dự kiến cuối năm 2020 sẽ thoát nghèo theo kế hoạch. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của hạn mặn và Covid-19, tới đây, trong tháng 5 này, huyện sẽ phối hợp với các đoàn thể liên quan sẽ tổ chức đối thoại với các hộ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ kịp thời (vay vốn, giới thiệu việc làm…).

Nếu năm 2020 này, Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành sẽ tăng lên vì thu nhập người dân còn thấp, những hộ thoát nghèo trước đó sẽ "nghèo trở lại".

Ông Lê Minh Phước – Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre)

Bà Sương kể trong nghẹn ngào: "Vợ chồng tôi có 3 đứa con, 2 đứa nhỏ thì nghỉ học để phụ tiếp tôi. Còn đứa con gái lớn, trên 20 tuổi đã có chồng nhưng do cuộc sống khó khăn, vợ chồng nó lên tỉnh Bình Dương làm thuê, bỏ lại đứa cháu cho tôi nuôi giữ. 

Vợ chồng tôi cũng có vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng đã 10 năm nay nhưng chỉ mới trả được 2,5 triệu đồng. Gia đình thuộc diện cận nghèo, với hoàn cảnh hiện tại không biết bao giờ mới thoát nghèo được".

Chị Lê Thị Kim Thương (ngụ cùng ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến) cho biết, chị thuộc diện gia đình nghèo, không có nhà ở, phải ở nhờ, cuộc sống quanh năm chỉ phụ thuộc vào 1.000m2 dưới sông trồng lục bình nhưng cũng gặp cảnh nước mặn xâm nhập làm lục bình chết hết.

"Trước đây, tôi bơi ghe đi thu hoạch được hàng trăm kg lục bình tươi, rồi đem về phơi khô bán được khoảng 120.000 đồng/ngày. Bây giờ, lục bình chết, tôi không có việc làm, không biết sống sao trong những tháng tới, chỉ hy vọng, nước ngọt sẽ có trở lại sớm để tôi tiếp tục trồng lục bình như trước" - chị Thương chia sẻ.

Theo chị Thương, người dân sống với cây lục bình chỉ nhờ mùa nắng để phơi khô lục bình, tình trạng lục bình chết làm chị bị "thiếu trước, hụt sau". Ngoài ra, do Covid-19, giá lục bình khô hiện giảm rất nhiều so với trước đây. Do vậy, chị và người em trai vẫn còn giữ lại số lượng nhỏ lục bình đã phơi khô chờ giá lên mới bán.

Ông Dương Minh Truyền – Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến (TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cho hay, toàn xã còn 22 hộ nghèo, cận nghèo đi thuê diện tích mặt nước trên sông để trồng lục bình. Do độ mặn năm nay cao quá, lục bình chết, khiến cuộc sống của những hộ dân này đã khó khăn nay càng khó hơn. "Ở vùng nông thôn này, khó tìm nghề để chuyển đổi. Ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định, UBND xã sẽ vận động thêm mì, gạo để hỗ trợ phần nào cho người dân" - ông Tuyền nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem