Vốn chủ sở hữu Techcombank sụt giảm vì “ôm” cổ phiếu quỹ

Vân Anh Thứ sáu, ngày 10/11/2017 06:00 AM (GMT+7)
Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của Techcombank cho thấy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính bất ngờ mang dấu âm, mà nguyên nhân được ghi nhận đã chi 4.043 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ. Điều này đã lập tức được ghi giảm vốn chủ sở hữu tương ứng.
Bình luận 0

Số tiền này đã được chi ra để mua lại 19,41% cổ phần HSBC thoái vốn khỏi Techcombank hồi tháng 7 vừa qua để làm cổ phiếu quỹ. Ngay sau khi khoản tiền này được chi ra, đã lập tức được ghi giảm vốn chủ sở hữu tương ứng.  

Cụ thể, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ 9 tháng đầu năm của Techcombank, dòng tiền chi ra hơn 4.043 tỷ đồng và ghi giảm vốn chủ sở hữu bằng đúng số tiền đó. Theo nguyên tắc hạch toán thì vốn này được tính vào vốn cấp 1.

Không những thế, nó còn làm giảm hệ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank. Techcombank lại là 1 trong 10 ngân hàng được chọn để áp dụng tính CAR theo chuẩn Basell II. Tiêu chuẩn Basel II tính CAR khắt khe hơn làm hầu hết CAR của các ngân hàng giảm. Bởi vậy, Techcombank cần phải tìm biện pháp nâng vốn tự có để có thể đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Tăng trưởng tín dụng âm nhưng lãi dự thu tăng vọt

Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo 9 tháng đầu năm của Techcombank đó là tăng trưởng tín dụng bất ngờ âm 3,67% nhưng các khoản phải thu bất ngờ tăng thêm gần 4.000 tỷ đồng, lên 14.086 tỷ đồng so với cuối năm 2016.

Dù vậy, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của Techcombank cũng cho thấy mức tăng trưởng ngoạn mục. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Techcombank đạt 3.890 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 96,4% kế hoạch năm, tăng 69% so với tổng lợi nhuận sau thuế năm 2016.

Tuy nhiên, nhân tố thực sự giúp lợi nhuận Techcombank tăng trưởng đến từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và hoạt động khác. Theo đó, 9 tháng đầu năm 2017, Techcombank đã ghi nhận lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh và lãi thuần từ hoạt động khác lần lượt đạt hơn 374 và 1.000 tỷ đồng, cao gấp 5 lần và gần 3 lần so với cùng kỳ 2016.

img

Điểm đáng lưu ý trong lãi từ mua bán chứng khoán, đó là hồi tháng 3 vừa qua Techcombank đã bán xong 21 triệu cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Ước tính thương vụ này đem lại cho Techcombank khoản lãi 330 tỷ đồng. Hiện tại, Techcombank chỉ còn sở hữu 18.705 cổ phiếu HVN và không còn là cổ đông lớn.

Một đóng góp lớn vào lợi nhuận của Techcombank là thu nhập từ thu hồi nợ đã xử lý bằng quỹ dự phòng rủi ro trong những năm trước và thu nhập từ tất toán trái phiếu VAMC cùng tăng mạnh. Đáng chú ý, Techcombank đã sạch nợ tại VAMC trước khi lên sàn. Thời điểm đầu năm, lượng nợ xấu của ngân hàng này tại VAMC là 2.922 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng được 1.367 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2017, Techcombank thực hiện mua nợ, đồng thời trích lập dự phòng toàn bộ lượng nợ xấu còn lại tại VAMC và trở thành ngân hàng thứ 2 sau Vietcombank tất toán hoàn toàn trái phiếu VAMC.

Ngoài ra, nhìn vào cơ cấu tổng thu của Techcombank 9 tháng đầu năm 2017, có thể thấy Thu nhập từ lãi thuần đến từ các sản phẩm truyền thống của Ngân hàng như lãi cho vay, phí từ nghiệp vụ bảo lãnh và thu khác từ hoạt động tín dụng…vẫn chiếm tỷ trọng lớn (65%).

Tuy nhiên, miếng bánh thu nhập đang dần được chia sẻ cho các khoản thu đến từ hoạt động phi tín dụng. Trong đó, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ chiếm 14% tổng thu và tăng 32% so với cùng kỳ năm 2016.

Các ngân hàng thương mại hiện nay cũng đang có xu hướng chú trọng phát triển hoạt động dịch vụ nhằm đem lại nguồn thu ổn định, ít rủi ro. Mặc dù vậy, đây là lĩnh vực không hề “dễ nuốt” do còn phụ thuộc nhiều vào hạ tầng công nghệ, thu nhập bình quân của người dân và thói quen của khách hàng.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem