Vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Bình Dương nhờ đột phá trong chiến lược thu hút đầu tư

Văn Dũng Thứ năm, ngày 29/07/2021 14:44 PM (GMT+7)
Bất chấp dịch bệnh Covid-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng, dòng vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Bình Dương nhờ chiến lược đột phá tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tin tưởng cùng nhiều nỗ lực tiếp thị trực tuyến đối với doanh nghiệp.
Bình luận 0

Qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tỉnh Bình Dương đã có những chính sách, chiến lược tổng lực nhằm trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó, Bình Dương từng bước chuyển từ thu hút đầu tư những ngành thâm dụng lao động, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường… sang nhóm ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tạo ra giá trị kinh tế lớn.

Hoàn thành "mục tiêu kép"

Trong 2 năm gần đây, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của nước nhà, trong đó có Bình Dương. Để đảm bảo sự liền mạch cho nền kinh tế, cả hệ thống chính trị của tỉnh Bình Dương đã quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Bình Dương nhờ đột phá trong chiến lược thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất linh kiện với công nghệ 4.0. Ảnh: Trần Duy Tình chụp thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát

Năm 2021, mặc dù dịch bệnh hoành hành nhưng Bình Dương tiếp tục thu hút nhiều dự án mới. Tính đến ngày 31/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,31 tỷ USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2020 và đứng thứ ba cả nước. Cụ thể:

Về cấp mới, có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, bằng 58% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 351 triệu USD, bằng 118% so với cùng kỳ năm 2020.

Về vốn điều chỉnh, có 14 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư, bằng 27% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 778 triệu USD, bằng 323% so với cùng kỳ.

Tỉnh Bình Dương hiện có 48 khu - cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.000ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam. Các nhà đầu tư đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc,… Để mở rộng quy mô, tỉnh cũng đang quy hoạch phát triển thêm 34 khu công nghiệp, với tổng diện tích 14.790ha.

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 54 lượt GVMCP của nhà đầu tư nước ngoài, bằng 25% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt trên 187 triệu USD, bằng 63% so với cùng kỳ.

Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.HCM) với 3.979 dự án còn hiệu lực có tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 36,7 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.

Theo thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, đến nay khu vực có vốn FDI của tỉnh đang đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm, đào tạo kỹ năng cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu các doanh nghiệp khu vực FDI đang chiếm hơn 82% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. 

Vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Bình Dương nhờ đột phá trong chiến lược thu hút đầu tư - Ảnh 3.

Dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong 2 năm qua, nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn chảy mạnh vào Bình Dương. Ảnh chụp khu Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương. Ảnh: Xuân Thi

Đột phá xây dựng vùng đổi mới sáng tạo

Việc thu hút vốn FDI trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hiện nay càng khẳng định nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và sự đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh.

Theo ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương, điểm nổi bật của các khu công nghiệp trong tỉnh là được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, cùng môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả.

Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương cho biết, cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh đang nỗ lực xây dựng "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương". Trong đó quy hoạch khu công nghiệp khoa học công nghệ, các khu đô thị dịch vụ được đầu tư bài bản, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo… Qua đó, vùng đổi mới sáng tạo sẽ là các yếu tố thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư làm ăn hiệu quả và gắn bó lâu dài với tỉnh.

Bình Dương tiếp tục đặt mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới. Tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường và tập trung thu hút vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

Vốn FDI vẫn chảy mạnh vào Bình Dương nhờ đột phá trong chiến lược thu hút đầu tư - Ảnh 4.

Công nhân đang làm việc tại một doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp ở Bình Dương. Ảnh: Xuân Thị

 Việc phát triển nhanh chóng về kinh tế, nhất là quá trình công nghiệp hóa, cũng dẫn đến những hệ luỵ. Đó là việc phải đối mặt với một số bất cập như gia tăng dân số cơ học, hạ tầng, an sinh xã hội còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó là sự thiếu hụt về trường lớp, trang thiết bị y tế cùng nhiều vấn đề môi trường phát sinh khác.

Từ thực tế đó, năm 2015, trên cơ sở những tiềm lực đã được tích lũy từ nhiều năm, đồng thời để đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Tổng Công ty Becamex tìm hiểu, nghiên cứu mô hình "Đô thị thông minh" từ thành phố kết nghĩa Eindhoven, Hà Lan để xây dựng và triển khai Đề án Thành phố thông minh Bình Dương theo mô hình "ba nhà" (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp).

Đây là sự thiết lập tầm nhìn mới của tỉnh trong việc thực hiện mục tiêu của mình, tạo nền tảng trong việc tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển các khu khoa học - công nghệ. Cùng với đó chú trọng đầu tư vào công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, từ đó đóng góp thiết thực vào nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực và những hệ lụy của quá trình phát triển công nghiệp.

Ông Mai Bá Trước - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm thực hiện tốt nhất việc đăng ký doanh nghiệp mới trong tình hình khó khăn như hiện nay, đơn vị sẽ nhiều biện pháp như: Ứng dụng triệt để hệ thống thông tin trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp; trả kết quả qua đường bưu điện; tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức đăng ký doanh nghiệp trực tuyến…

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành công văn, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến khi đăng ký doanh nghiệp. Điều này, góp phần rút ngắn thời gian, giải quyết khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.

Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh. Từ đó, thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép" vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19, vừa thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu thu hút hơn 9 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI, tỉnh xác định triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách về phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

(Ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem