Vụ 2 thiếu niên bị bảo vệ dân phố đánh: Đề nghị khởi tố kẻ có hành vi bạo lực

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 08/04/2021 16:27 PM (GMT+7)
Ngày 8/4, tiếp nối đề nghị khởi tố vụ án, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có đề nghị: Cần phải cho Tòa Gia đình và Người chưa thành niên xét xử lưu động vụ 2 thiếu niên bị đánh tại trường THCS Nguyễn Văn Tố quận 10; đồng thời đề nghị khởi tố kẻ có hành vi bạo lực.
Bình luận 0

Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu Phòng cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM khẩn trương điều tra và khởi tố  kẻ có hành vi bạo lực đối với 2 thiếu niên xảy ra tại trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10). 

Vụ 2 thiếu niên bị đánh: Yêu cầu phối hợp Toà Gia đình và Người chưa thành niên xét xử lưu động - Ảnh 1.

Hình ảnh bảo vệ dân phố dùng chân đá vào mặt một trong hai thiếu niên.

Cho rằng đây là vụ việc có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng đến quyền trẻ em; đồng thời, làm ảnh hưởng đến uy tín của các đơn vị đang làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Công an TP nghiên cứu, phối hợp với Tòa án Gia đình và Người chưa thành niên (trực thuộc Tòa án nhân dân TP.HCM) và các đơn vị liên quan đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai.

Mặc dù bị hành hung dã man, nhưng trên thực tế, 2 thiếu niên trong vụ này cũng vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, rất cần có sự phối hợp với Toà án Gia đình và Người chưa thành niên để xem xét hoàn cảnh phạm tội, mức độ vi phạm, tâm sinh lý trẻ em…, nhằm đưa ra phương án xử lý tốt nhất, mà không ảnh hưởng đến tâm lý các em. Đồng thời, cần có những biện pháp giáo dục để giúp các em nhận thức được việc làm sai trái của mình.

Sở LĐ-TB&XH đề nghị đưa vụ án ra xét xử lưu động, công khai. Phiên toà công khai sẽ thu hút rất đông người dân tham dự, từ đó có thể truyền tải trực tiếp các quy định của pháp luật, đồng thời cảnh báo, răn đe, giáo dục chung đối với mọi người.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có văn bản khẩn yêu cầu Sở LĐ-TB&XH, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an TP.HCM và UBND quận 10 xử lý sự vụ theo quy định pháp luật. Phó Chủ tịch Dương Anh Đức nhận định, "đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Đặc biệt, xử lý nghiêm đối tượng trực tiếp đánh trẻ và những cá nhân có liên quan đến vụ việc".

UBND TP.HCM cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường công tác an ninh trật tự trường học, không để xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục.

Theo quy định tại điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, căn cứ vào tính chất của từng sự việc ngược đãi, hành hạ trẻ em mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:

Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên có thể nhận mức phạt cao nhất trong khung hình phạt là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem