Vụ 4 doanh nghiệp tố cáo cán bộ Hải quan TP.HCM: Tổng cục Hải quan chấn chỉnh kiểm tra hàng hóa quá cảnh

Quốc Hải Thứ tư, ngày 14/12/2022 10:52 AM (GMT+7)
Tổng cục Hải quan vừa có công văn số 5369/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố để “chấn chỉnh việc kiểm tra thực tế đối với hàng hóa quá cảnh”...
Bình luận 0
Vụ 4 doanh nghiệp tố cáo cán bộ Hải quan TP.HCM: Tổng cục Hải quan "chấn chỉnh" kiểm tra hàng hóa quá cảnh - Ảnh 1.

Cục Hải quan TP.HCM tổ chức buổi tiếp xúc với 4 doanh nghiệp hôm 5/12/2022, nhưng cả 4 doanh nghiệp đều vắng mặt... Ảnh: Quốc Hải

Yêu cầu hải quan địa phương chấn chỉnh việc kiểm tra thực tế với hàng hóa quá cảnh

Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, thời gian qua đã nhận được phản ánh vướng mắc của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa quá cảnh, cũng như phản ánh trên một số phương tiện truyền thông về việc một số chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh quá mức cần thiết làm kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, tăng chi phí lưu kho bãi, gây bức xúc cho doanh nghiệp, đặc biệt là hàng hóa quá cảnh đi Campuchia.

Về việc này, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố, nghiêm túc triển khai các yêu cầu:

Thứ nhất, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa quá cảnh thực hiện đúng quy định tại Hiệp định quá cảng hàng hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Campuchia năm 2013, Hiệp định quá cảng hàng hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2009, Hiệp định quá cảng hàng hóa giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc năm 1994, Điều 43 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Thứ hai, hàng hóa quá cảnh phải được giám sát bằng seal định vị trong quá trình vận chuyển chịu sự giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập đến cửa khẩu xuất, đi đúng tuyến đường, thời gian quy định. Chi cục hải quan cửa khẩu nhập khẩu và xuất khẩu phối hợp tổ chức giám sát chặt chẽ hàng hóa trong quá trình vận chuyển, lưu giữ trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bằng các biện pháp nghiệp vụ, không kiểm tra tràn lan, chỉ kiểm tra thực tế trên cơ sở đánh giá rủi ro, xác định hàng quá cảnh có dấu hiệu vi phạm cụ thể.

Tổng cục Hải quan yêu cầu, khi làm thủ tục xuất quá cảnh tại cửa khẩu xuất, chi cục hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin, nếu phát hiện phương tiện chứa hàng, niêm phong hải quan có dấu hiệu không đảm bảo nguyên trạng, phương tiện vận chuyển không đúng lộ trình, thời gian, tắt tín hiệu định vị thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa.

Vụ 4 doanh nghiệp tố cáo cán bộ Hải quan TP.HCM: Tổng cục Hải quan "chấn chỉnh" kiểm tra hàng hóa quá cảnh - Ảnh 2.

Tổng Cục Hải quan ra văn bản hỏa tốc để chấn chỉnh việc kiểm tra thực tế đối với hàng hóa quá cảnh...

Trong quá trình kiểm tra giám sát, kiểm soát hải quan nếu phát hiện hàng hóa quá cảnh có vi phạm pháp luật thì thực hiện xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khác có liên quan.

Trường hợp phát hiện hành vi giả mạo xuất xứ Việt Nam thì xử lý vi phạm, tịch thu hàng hoá quá cảnh theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP hoặc có thông tin người nhận hàng có địa chỉ tại Việt Nam thì tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo kết quả điều tra, không bỏ lọt hành vi vi phạm. 

Tổng cục Hải quan cũng khẳng định sẽ xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định với trường hợp phát hiện công chức, lãnh đạo đơn vị thực hiện không đúng.

Đang khẩn trương xác minh những nội dung 4 doanh nghiệp "tố"

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, 4 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu, Công ty Vận tải biển Gemadept, Công ty Cổ phần Vận tải thủy Tân Cảng, Công ty Cổ phần Tân Cảng Cypress, cùng đứng tên tố cáo, gửi Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn… về việc một số cán bộ hải quan ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp làm thủ tục.

Cụ thể, trong đơn tố cáo, các doanh nghiệp này nêu một số cán bộ hải quan cố ý gây khó khăn, phiền hà doanh nghiệp khi thực hiện kiểm tra thực tế thủ công kéo dài số lượng lớn container hàng hóa quá cảnh đi Campuchia bằng đường thủy nội địa.

Vụ 4 doanh nghiệp tố cáo cán bộ Hải quan TP.HCM: Tổng cục Hải quan "chấn chỉnh" kiểm tra hàng hóa quá cảnh - Ảnh 3.

Ông Đặng Đình Long (ngoài cùng bên trái) được xác định là không liên quan đến 4 DN kể trên, nhưng lại ngồi vào chỗ đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu... Ảnh: Quốc Hải

Theo đó, Cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1 đã ban hành các công văn không cho doanh nghiệp gom trả hàng tại nhiều cảng, khai thác tuyến vận tải theo thực tế. Các văn bản vi phạm nghiêm trọng Điều ước quốc tế (Hiệp định vận tải thủy) và gây thiệt hại to lớn cho các doanh nghiệp vận tải. 

Hoặc, dù kiểm tra thực tế một container trong một tờ khai lại giữ toàn bộ các container trong tờ khai đó dẫn đến mỗi container bị kiểm hóa kéo theo từ 30-50 container khác cùng vận đơn và tờ khai bị giữ lại đến khi hoàn thành việc kiểm hóa. Thời gian từ lúc container bị tạm ngừng thông quan đến lúc hoàn thành kiểm hóa kéo dài trung bình từ 15 đến 45 ngày. 

Việc ra quyết định giữ hàng kiểm hóa phải sau 3 ngày đến 10 ngày mới gửi cho người khai hải quan...

Ngoài, ra, các doanh nghiệp cũng tố cáo công chức hải quan khi kiểm tra thường xuyên gây khó khăn như yêu cầu dỡ hàng ra khỏi container mặc dù hàng hóa đồng nhất, không ra ngay biên bản sau khi kiểm hóa xong, kéo dài thời gian hoàn thành giấy tờ hành chính để thông quan cho lô hàng, phát sinh chi phí kiểm hóa, lưu container, lưu bãi, chưa kể kiểm hóa thành nhiều lần, khách hàng, đối tác rất bất bình. 

Quyết định kiểm tra xác xuất 10% hàng hóa nhưng thực chất là kiểm tra 100% hàng hóa vì công chức hải quan luôn yêu cầu dỡ hết hàng ra khỏi container để kiểm tra hàng đóng ở cuối container. 

Chưa kể, cán bộ hải quan yêu cầu doanh nghiệp kê khai bản kê chi tiết danh mục hàng hóa quá cảnh đóng trong container tương tự như hàng xuất nhập khẩu, từ đó liên tục phạt doanh nghiệp vận chuyển lỗi vi phạm hành chính...

Đáng lưu ý, Hải quan TP.HCM sau đó có tổ chức đối thoại với 4 doanh nghiệp. Tuy nhiên, cả 4 doanh nghiệp này đều không đến dự với lý do thời gian quá gấp, không sắp xếp được... Trong khi phía Cục Hải quan TP.HCM lại giới thiệu một người tên Đặng Đình Long  - là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu (một trong 4 doanh nghiệp liên quan) đến dự cuộc họp.

Tuy nhiên, sau đó ông Đặng Đình Long này được xác định là không liên quan đến 4 doanh nghiệp kể trên, và ông này hiện đang là CEO của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại MEGA A, có địa chỉ tại số 163 Nguyễn Văn Trỗi, P.11, Quận Phú Nhuận.

Phía Cục Hải quan TP.HCM với đại diện là ông Vương Tuấn Nam, Trưởng phòng giám sát quản lý Cục Hải quan TP.HCM, sau đó cũng thừa nhận, đã không kiểm tra kỹ trường hợp người xưng là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Tiếp vận Toàn Cầu.

Sáng 14/12, Dân Việt đã liên hệ với đại diện Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến xử lý đơn tố cáo của 4 doanh nghiệp. Theo ông Trần Kỳ Lân, Phó chánh Văn phòng Cục Hải quan TP.HCM, cho hay, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, phía Cục Hải quan TP.HCM đang tiến hành xác minh các thông tin mà 4 doanh nghiệp nêu.

"Khi có kết quả phía Cục Hải quan TP.HCM sẽ thông tin đến báo chí để dư luận nắm rõ vụ việc", ông Lân chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem