Vụ 6 doanh nghiệp ở Cát Bà bị biến công thành tội: Đại biểu Quốc hội lên tiếng, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo

Vũ Thị Hải Thứ ba, ngày 15/12/2020 08:23 AM (GMT+7)
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 14/12 cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra, xử lý cụ thể nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Cát Bà theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Tại văn bản số 13377/VPCP-V.I ngày 10/12/2020 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: "Thủ tướng Chính phủ nhận được Phiếu chuyển đơn của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng kèm theo đơn của một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải phản ánh, kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc chính quyền thành phố Hải Phòng chỉ đạo Vườn quốc gia Cát Bà tháo dỡ các công trình du lịch của 6 doanh nghiệp. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo như sau:

Yêu cầu Ủy ban ban nhân dân thành phố Hải Phòng kiểm tra, xử lý cụ thể nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật; trả lời Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng".

Vụ 6 doanh nghiệp ở Cát Bà: Đại biểu Quốc hội lên tiếng, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo - Ảnh 1.

Khu du lịch sinh thái Vạn Bội, một địa điểm trải nghiệm thú vị, độc đáo trên Vịnh Lan Hạ.

Trước đó, Báo Điện tử Dân Việt đã phản ánh vụ việc 6 doanh nghiệp liên kết với Vườn Quốc gia Cát Bà bị chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ các công trình du lịch sinh thái, đẩy các doanh nghiệp vào tình huống khó khăn, đối diện với nguy cơ phá sản, mất trắng cơ nghiệp.

6 doanh nghiệp đó là: Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ Đông Kinh;  Công ty cổ phần thương mại Tùng Long; Công ty cổ phần thương mại Thanh Bình; Công ty cổ phần du lịch Cát Dứa; Công ty TNHH du lịch dịch vụ thủy sản TM Thùy Trang; Công ty TNHH Đảo Cát.

Đây là những doanh nghiệp tiên phong mở đường cho du lịch Cát Bà, nhất là những điểm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái tại những hòn đảo hoang trên Vịnh Lan Hạ từ thuở sơ khai.

Lý do mà Thành phố Hải Phòng đưa ra để yêu cầu các doanh nghiệp này phải dỡ bỏ các công trình nói trên là để trồng cây, trả lại cảnh quan môi trường.

Tuy nhiên, qua phản ánh của các doanh nghiệp và quá trình điều tra, khảo sát cho thấy, những công trình du lịch sinh thái liên doanh liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà được hình thành từ những năm 1998, có tính lịch sử, trải qua nhiều thời kỳ với những mô hình quản lý khác nhau.

Vụ 6 doanh nghiệp ở Cát Bà: Đại biểu Quốc hội lên tiếng, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo - Ảnh 2.

Khu du lịch đảo Tháp Nghiêng được kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế. Công trỉnh đã đoạt giải Vàng trong cuộc thi kiến trúc thân thiện với môi trường châu Á tổ chức tại Dhaka, Bangladesh năm 2019.

Đó là những mô hình được UBND thành phố Hải Phòng cho phép thực hiện thí điểm làm du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Hiệu quả của mô hình đã được cơ quan chức năng của thành phố ghi nhận bằng việc VQG Cát Bà liên tục nhiều năm liền (từ 2010- 2016) đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được nhận bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của UBND thành phố Hải Phòng.

Các công trình du lịch nói trên đã và đang tạo nên các điểm nhấn cho du lịch Cát Bà, đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ du khách.

Đó là những công trình được xây dựng tại những vị trí qui hoạch cả trong quá khứ và tương lai đều được phép làm du lịch sinh thái kết hợp với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên; các doanh nghiệp đã tuân thủ đầy đủ sự hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo Vườn quốc gia và của các cơ quan chức năng của TP.Hải Phòng, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, không có hành vi phá rừng.

Trong suốt quá trình mấy chục năm làm du lịch sinh thái nói trên, các doanh nghiệp không nhận được bất cứ ý kiến phản hồi tiêu cực nào từ các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực xây dựng, môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy về các hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia.

Khi xây dựng công trình, các doanh nghiệp được Vườn Quốc gia Cát Bà là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý rừng giám sát, kiểm tra, hướng dẫn cụ thể.

Các doanh nghiệp cũng thực hiện nghiêm chỉnh việc nộp tiền phí thuê môi trường hàng năm cho Vườn Quốc gia Cát Bà mỗi doanh nghiệp từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng một năm và đã nộp đến hết năm 2021.

Trước sự việc nói trên, các doanh nghiệp đã có đơn kêu cứu, kiến nghị gửi tới các cấp chính quyền từ địa phương tới Trung ương để phản ánh nguyện vọng chính đáng của mình. 

Đơn kiến nghị nêu rõ, với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ tài nguyên môi trường rừng, các doanh nghiệp mong muốn được thành phố Hải Phòng  ưu tiên cho họ là những doanh nghiệp đã tiên phong vượt qua khó khăn, đầu tư xây dựng từ khi đảo còn hoang sơ được tiếp tục hoàn thiện thủ tục thuê môi trường rừng theo chính sách của Nhà nước, đồng thời hướng dẫn họ hoàn thiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xây dựng, môi trường, ANTT, PCCC… để các doanh nghiệp yên tâm, tiếp tục bỏ vốn đầu tư bài bản theo đúng qui định của pháp luật, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, đảm bảo mục tiêu, chính sách phát triển du lịch bền vững của địa phương.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng kiểm tra, xử lý cụ thể nội dung đơn phản ánh, kiến nghị của 6 doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Cát Bà (trước đó, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 9611/VPCP-V.I ngày 17/11/2020), thể hiện sự quan tâm sâu sắc của người đứng đầu Chính phủ trước những khẩn cầu chính đáng của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem