Vụ ách tắc 5.400 tấn thủy sản: Không có lợi ích nhóm chi phối

Trần Quang Thứ sáu, ngày 05/04/2019 19:42 PM (GMT+7)
Chia sẻ về việc chậm công nhận, công bố các cảng cá làm ách tắc thủy sản xuất khẩu tại buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ NNPTNT diễn ra vào sáng ngày 5/4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: "Quy trình thực hiện là địa phương rà soát, làm thủ tục đề xuất Bộ ra quyết định công bố các cảng đủ điều kiện, nên nhanh hay chậm là… do địa phương. Trong sự việc này, Bộ NNPTNT không có động cơ gì ngoài sự phát triển của ngành và cũng không có lợi ích nhóm hay lợi ích gì chi phối mà mọi thứ đều rất rõ ràng".
Bình luận 0

CLIP: Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói về việc ách tắc hơn 5.000 tấn thủy sản.

Còn tồn đọng hơn 90 tấn thủy sản

Theo Bộ NNPTNT, đến nay đã có 5.145 tấn hải sản đã được giải quyết thông quan tại 47 cảng đủ điều kiện. Còn lại khoảng 90,01 tấn còn tồn đọng tại 3 cảng Xẻo Nhàu, Hưng Thái và Kỳ Hà đang tiếp tục tìm hướng tiêu thụ.

Phát biểu tại buổi họp báo thường kì quí I của Bộ NNPTNT diễn ra vào sáng ngày 4/5, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, tính đến nay đã có 5.145 tấn hải sản đã được giải quyết thông quan tại 47 cảng đủ điều kiện. Còn lại khoảng 90,01 tấn còn tồn đọng tại 3 cảng Xẻo Nhàu (tỉnh Kiên Giang với 50 tấn), cảng Hưng Thái (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 40 tấn) và cảng Kỳ Hà (Quảng Nam, 10 kg).

Như vậy, vướng mắc danh sách các cảng đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản theo Thông tư 21 của Bộ NNPTNT đã được gỡ vướng bằng cách dựa vào quy hoạch hệ thống cảng cá theo Quyết định 1976 năm 2015 của Thủ tướng.Về 901 tấn cá còn tồn đọng, ông Luân cho biết có 40 tấn cá nằm tại cảng Hưng Thái ở Bà Rịa - Vũng Tàu; 50 tấn ở cảng Xẻo Nhào - Kiên Giang... Các cảng này không nằm trong Quyết định 1976 nên chưa có căn cứ để làm xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

img

 Ngư dân vận chuyện cá ngừ tại cảng biển Quy Nhơn (Bình Định).

Với 47 cảng cá đã được công bố, chủ yếu nằm trên các khu vực có nhu cầu thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác để phục vụ chế biến, xuất khẩu thủy sản đi EU với khối lượng khoảng 25.000 tấn/ngày, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác của doanh nghiệp.

"Đối với hoạt động của các cảng cá này trước khi có Thông tư 21/2018 thì Chi cục Thủy sản địa phương xác nhận theo yêu cầu. Nay theo Luật Thủy sản mới thì ban quản lý phải chứng nhận hàng về do đó có sự thay đổi về mặt quản lý. Hiện toàn bộ số thủy sản nói trên đều đã nằm trong kho của doanh nghiệp và đang tìm hướng để tiêu thụ", ông Luân nói.

Về vướng mắc về thủ tục xác nhận của quốc gia nơi có cảng trung chuyển hải sản làm nguyên liệu sản xuất trong nước liên quan đến Thông tư 36/2018 của Bộ NNPTNT, ông Luân cho hay Bộ đã có phương án sửa đổi, theo hướng: các sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài về Việt Nam thì ngoài các tài liệu quy định sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm vào giấy khai báo thông tin chuyển tải để làm minh chứng hàng được chuyển tải về có nguồn gốc rõ ràng.

img

 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo.

Chậm chễ do địa phương

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết tính đến ngày 25/3/2019, có 83 cảng cá đang hoạt động với tổng sản lượng thủy sản qua cảng khoảng 1,8 triệu tấn/năm.Theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu, các cảng cá được thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác phải đảm bảo kiểm soát được thủy sản qua cảng.

Vì vậy, Luật thủy sản quy định Bộ NNPTNT công bố danh sách cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.Như vậy, trong số 83 cảng cá đang hoạt động, không phải tất cả đều có khả năng và đủ năng lực thực hiện xác nhận thủy sản từ khai thác. Việc Bộ NNPTNT công bố 47 cảng đủ điều kiện đồng nghĩa với việc thủy sản qua những cảng này đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu.

Về nguyên nhân chậm công bố cảng cá, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay: Quy trình thực hiện là địa phương rà soát, làm thủ tục đề xuất Bộ ra quyết định công bố các cảng đủ điều kiện, nên nhanh hay chậm là… do địa phương.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trước đó Bộ NNPTNT đã hai lần có văn bản đôn đốc các địa phương rà soát, đề xuất. Tuy nhiên, địa phương không đề xuất do đó Bộ không có căn cứ để công bố. Thời gian tới Bộ tiếp tục có văn bản thứ 3 để đôn đốc các địa phương, mục tiêu là trong tháng 4, 5/2019 sẽ công bố số cảng cá còn lại.

Về hướng giải quyết đối với 90 tấn thủy sản nói trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã trao đổi với  Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và thống nhất tiêu thụ tại thị trường nội địa hoặc tìm những thị trường khác không gắt gao hơn. Số thủy sản này cũng không chuyển sang xác nhận nguồn gốc ở các cảng khác được do hồ sơ đã vào 3 cảng trên.

Trước đó, theo phản ánh của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện có 5.400 tấn cá của doanh nghiệp đang tồn đọng tại cảng, không xuất khẩu được do vướng quy định tại Thông tư 21/2018 của Bộ NN&PTNT.

Cụ thể, hiện còn nhiều cảng cá chưa được bộ này chỉ định là có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Cả nước hiện có 83 cảng cá nhưng Bộ mới công bố 47 cảng đủ điều kiện theo Thông tư 21 nói trên, trong khi nếu chưa công bố cảng cá thì không làm thủ tục xuất khẩu được.

Tại một cuộc họp mới đây,  ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng thường trực Bộ NNPTNT, cũng đã yêu cầu Vụ Pháp chế phối hợp với Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các sở NNPTNT sớm rà soát, đánh giá và báo cáo bộ để bộ có thể ban hành quyết định chỉ định các cảng cá có đủ hệ thống xác nhận thủy sản từ khai thác đợt 3 trong tháng 4-2019.

Đối với các cảng chưa đủ điều kiện được chỉ định, Tổng cục Thủy sản phối hợp với sở NNPTNT các tỉnh cùng hỗ trợ, tạo điều kiện để các cảng này nâng cấp cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem