Vụ án Alibaba và những bài học học mãi không xong

Vương Hà Thứ bảy, ngày 21/09/2019 12:16 PM (GMT+7)
Khi xảy ra các vụ án lừa đảo dạng này, dù hậu quả rất nặng nề, nhưng hầu như không một cán bộ ở các cơ quan chức năng cũng như lãnh đạo địa phương nào chịu trách nhiệm, ít nhất về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là điều khó hiểu.
Bình luận 0

Những ngày qua, dư luận tiếp tục nổi sóng quanh vụ án lừa đảo xảy ra ở Cty CP Địa ốc Alibaba (Cty Alibaba). Nhiều người thực sự sốc khi biết, Bộ Công an phải huy động hàng trăm cán bộ chiến sĩ phong tỏa nhiều lớp, tiến hành bắt Chủ tịch, Tổng giám đốc Cty Alibaba. Điều gì khiến lực lượng chức năng phải sử dụng lực lượng lớn như vậy để bắt hai đối tượng cầm đầu vụ án này?

Cty Alibaba tuy mới thành lập tháng 5/2016, với số vốn ban đầu chỉ 1 tỉ đồng, nhưng sau đó vọt lên nhanh chóng: Tháng 12.2016 lên 20 tỉ đồng và tháng 9/2017 lên tới 1.600 tỉ đồng. Câu hỏi đặt ra là số vốn trên là ảo hay có “ông lớn” nào đứng sau lưng?

img

Công an TP.HCM tạm giữ Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc Alibaba về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sả.

Câu hỏi này càng nóng bỏng khi ông Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Cty Alibaba còn ngang nhiên mạt sát Chủ tịch, Trưởng công an xã Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu) như “học ngu ra làm công an xã”, “học làm côn đồ làm chủ tịch xã”... (!?). Trước đó, cũng tại xã Tóc Tiên, khi lực lượng chức năng đến cưỡng chế công trình vi phạm, những đối tượng mặc đồng phục có dòng chữ Alibaba ngang nhiên chống phá. Sau đó, họ ào ào đến cổng cơ quan chức năng yêu cầu thả 2 đối tượng bị bắt vì hành vi chống người thi hành công vụ.

Mặt khác, dù trụ sở chính Alibaba ở TP.HCM, nhưng những năm qua, Cty này khuấy đảo chính ở các tỉnh lân cận như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận. Dù mới chỉ có mấy năm hoạt động, chúng đã kịp vẽ ra hàng chục dự án rởm và hàng trăm nạn nhân đã mua phải căn hộ chỉ có trên bản vẽ khống, chưa hề được cơ quan chức năng phê duyệt, với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng...

Đến đây, một câu hỏi khác cần đặt ra, tại sao Cty Alibaba vẽ ra hàng chục dự án rởm, rao bán công khai ở một số địa phương, thậm chí xây trụ sở hoành tráng ngay trên đất dự án rởm để trực tiếp bán, nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không xử lý kịp thời, dù có đơn thư tố cáo lừa đảo. Tại sao chỉ khi báo chí lên tiếng về những hành vi coi thường pháp luật, coi thường công luận và cơ quan chức năng của Bộ Công an lên tiếng, một số địa phương mới phát ngôn: Không có dự án nào của Alibaba ở địa phương, và mới bắt đầu cưỡng chế trụ sở chi nhánh, những con đường nhựa mà Cty Alibaba đã hoàn thành trên những dự án rởm (?!). Không tài nào hiểu nổi.

Những vụ án kiểu này không mới, nhưng sao bài học này học mãi không xong?

img

Công an khám xét chi nhánh Công ty Alibaba chiều 20/9. Ảnh: KHĐS

Công bằng mà nói, vụ án xảy ra với Cty Alibaba không mới với dư luận vì nó xảy ra quá thường xuyên, vấn đề chỉ là mức độ, tính chất mỗi vụ lừa đảo có khác nhau mà thôi. Vụ cựu Đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị kết án tù chung thân về tội lừa đảo cũng khá điển hình. Bà Nga liên kết với một doanh nghiệp đang có đất làm dự án khu tái định cư ở Cầu Diễn, Hà Nội. Tuy nhiên, dù dự án chưa được cấp phép xây dựng, bà Nga đã phân lô, bán nền. Hậu quả, hơn 700 nạn nhân bị lừa gần 400 tỉ đồng.

Hoặc như, cũng ở Hà Nội, ngay cả dự án Thanh Hà – Cienco5 rất lớn về quy mô, việc lừa đảo vẫn diễn ra như thường. Trong vụ án này, dự án là có thật, nhưng có rất nhiều tình tiết ly kỳ, liên quan đến việc ăn chia khoản chênh giá khủng của lãnh đạo PVP Land trong quá trình bán dự án. Từ đó mới nảy sinh chuyện hợp đồng ký kết rồi nhưng bên bán đơn phương hủy hợp đồng. Lợi dụng quá trình đó, những đối tượng mua dự án dù không được mua nữa, nhưng với hợp đồng cũ còn trong tay, vẫn phân lô bán nền, hậu quả hơn 400 nạn nhân bị lừa đảo gần 800 tỉ đồng. Vụ án này đã kết thúc giai đoạn 1, một loạt đối tượng đã đi tù, nhưng giai đoạn 2 của vụ án vẫn đang tiếp tục và báo hiệu nhiều vị tai to mặt lớn hơn nữa có thể dính vào vòng lao lý.

Vấn đề đặt ra là, vì sao hết năm này đến năm khác, các vụ án lừa đảo kiểu này liên tục diễn ra, với mức độ ngày càng nặng nề hơn?

Trước hết, chúng ta đừng vội trách những nạn nhân, bởi họ có thể lấy đâu thông tin để biết đâu là dự án thật, đâu là dự án rởm. Bởi thực tế, hầu như các dự án bất động sản đều phân lô, bán nền trước khi được cơ quan chức năng phê duyệt. Lý do, chủ các dự án hầu hết có vốn mỏng, trong khi để dự án được phê duyệt, tiền “bôi trơn” không hề ít, nhiều quan chức không ngại ngần khi hứa hẹn, chủ đầu tư mới... dám liều kiểu “mỡ nó rán nó”. Nói đúng ra, phần lớn chủ đầu tư không có mục đích lừa người đầu tư, mà chính họ là nạn nhân bị lừa đảo từ một số quan chức. Chủ đầu tư trở thành kẻ lừa đảo, còn quan chức vẫn vô tư vì không có bằng chứng nhận hối lộ.

Bài học này học mãi không xong phải chăng bởi khi xảy ra các vụ án lừa đảo dạng này, dù hậu quả rất nặng nề, nhưng hầu như không một cán bộ ở các cơ quan chức năng và lãnh đạo địa phương nào chịu trách nhiệm, ít nhất về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem