Vụ án oan sai được bồi thưởng 2,3 tỷ đồng ở Bắc Giang: Nhận 900 triệu đồng “cảm ơn” có đúng luật?

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 06/04/2021 08:13 AM (GMT+7)
Theo luật sư, về mặt đạo đức nghề nghiệp luật sư, nếu đi kêu oan, đi yêu cầu bồi thường oan sai mà thu đến 40 % tiền bồi thường thì đó là một con số quá lớn, không phù hợp với đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư.
Bình luận 0

Như Dân Việt trước đó đã đưa tin, sau khi được công an bồi thường oan sai hơn 2,3 tỷ đồng, gia đình ông Mưu Quý Sường (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) đã phải trả ngay 900 triệu đồng cho người hỗ trợ pháp lý cho gia đình những năm qua.

Ông Sường là trường hợp thứ hai được bồi thường do mang án oan tại tỉnh Bắc Giang những năm gần đây, sau ông Nguyễn Thanh Chấn (huyện Việt Yên).

Đáng chú ý, trước đó, vào năm 2019, dư luận cũng ồn ào sau sự việc ông Trần Văn Thêm (trú tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được bồi thường oan sai 6,7 tỷ đồng nhưng chỉ mang về nhà trên 2 tỷ đồng.

Ông Thêm đã phải đưa 40% số tiền bồi thường oan sai cho một lãnh đạo công ty luật ở Hà Nội "để làm từ thiện, kêu oan cho những trường hợp tương tự" theo văn bản ủy quyền đã ký trước đó.

Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người đặt câu hỏi về việc, người đại diện pháp luật cho những trường hợp bị án oan lấy số tiền bồi thường lớn như vậy có đúng luật?

Gian dối, chiếm đoạt từ 2 triệu trở lên có thể bị xử lý hình sự

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, những năm gần đây có nhiều người giả danh luật sư thực hiện các dịch vụ pháp lý làm giảm sút uy tín của luật sư chân chính, gây bức xúc trong dư luận.

Vụ án oan sai được bồi thưởng 2,3 tỷ ở Bắc Giang: Lấy 900 triệu tiền “cảm ơn” có đúng luật? - Ảnh 1.

Bà Vi Thị Cú cho biết, sau nhiều năm kêu oan, đến đầu năm 2021 gia đình bà mới nhận được số tiền bồi thường oan sai 2,3 đồng.

Theo quy định của pháp luật, để hành nghề luật sư, phải có chứng chỉ hành nghề và phải đăng ký hành nghề với một đoàn luật sư, được cấp thẻ hành nghề luật sư mới được phép hành nghề luật sư.

Luật sư được cung cấp các dịch vụ pháp lý theo quy định của luật luật sư bao gồm: tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Đối với những người không có chứng chỉ hành nghề luật sư, không có thẻ luật sư không được phép cung cấp dịch vụ pháp lý, không được phép xưng danh luật sư để thực hiện công việc nhận tiền của người dân.

Thời gian gần đây, nhiều công ty được thành lập theo luật doanh nghiệp, giấy chứng nhận do Sở kế hoạch đầu tư cấp, trong tên của công ty có từ "luật" và những người trong công ty đó thực hiện công việc như một tổ chức hành nghề luật sư. Họ cung cấp dịch vụ pháp lý trái phép cho tổ chức, cá nhân khiến nhiều tranh chấp khiếu kiện xảy ra, một số trường hợp đã bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Đến nay tình trạng này vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư chân chính. 

Bởi vậy ông Cường cho rằng, Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các cơ quan chức năng ở các địa phương cần có những kiểm tra rà soát các tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý trái phép, nếu đến mức độ nghiêm trọng có thể xử lý hình sự, dẹp bỏ các tổ chức hoạt động dịch vụ pháp lý trá hình.

Theo luật sư Cường, trong trường hợp một tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý là tham gia tố tụng hoặc đại diện ngoài tố tụng thì phải ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, có đóng dấu pháp nhân của tổ chức hành nghề luật sư.

Trong hợp đồng đó phải ghi rõ những công việc luật sư sẽ làm và số tiền, chi phí mà khách hàng phải thanh toán. Pháp luật nghiêm cấm việc hứa hẹn kết quả, trả tiền theo kết quả mà các bên cam kết hứa hẹn từ trước.

Bởi vậy, trong các vụ việc nêu trên, nếu có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hoạt động này có phải là dịch vụ pháp lý do tổ chức hành nghề luật sư cung cấp hay không. Nếu là dịch vụ pháp lý phải tuân thủ quy định về luật luật sư và quy tắc ứng đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định rất rõ ràng đạo đức của luật sư trong ứng xử với cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, trong quan hệ với khách hàng và trong việc tính thù lao, dịch vụ pháp lý... Nếu tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư có vi phạm luật luật sư, vi phạm quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Còn trường hợp cá nhân, tổ chức không phải là luật sư nhưng gian dối, xưng danh là luật sư để thực hiện các dịch vụ pháp lý trái phép nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân thì vụ việc có dấu hiệu hình sự.

Trong những vụ việc như vậy, cơ quan điều tra có thể xem xét làm rõ thủ đoạn gian dối và ý thức chiếm đoạt tài sản để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu gian dối để chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ Luật hình sự 2015.

"Thực tế trong đời sống xuất hiện một số người không có chứng chỉ hành nghề luật sư, không có thẻ luật sư nhưng thường xưng danh làm luật sư, mạo danh là cộng tác của văn phòng luật sư để nhận tiền của nhiều tổ chức, cá nhân, sau đó không thực hiện công việc và cũng không trả lại tiền.

Những đối tượng đó không khác gì những "lang băm" trong lĩnh vực y tế, hoạt động trái phép, chữa bệnh không có chứng chỉ gây bức xúc trong dư luận", luật sư Cường nói.

Ngoài ra, pháp luật cho phép công dân nhận thực hiện công việc theo ủy quyền và được nhận thù lao đối với công việc mình đã thực hiện. Tuy nhiên thỏa thuận phải tự nguyện, trung thực, không có gian dối.

Đi kêu oan mà nhận 40% số tiền bồi thường là khó chấp nhận được!

Trong một số vụ việc kêu oan thời gian gần đây, sau khi sự việc kết thúc gia đình những người được nhận tiền bồi thường oan sai phải trả một khoản chi phí rất lớn cho người đại diện theo ủy quyền khiến dư luận xã hội có nhiều quan điểm khác nhau.

Vụ án oan sai được bồi thưởng 2,3 tỷ ở Bắc Giang: Lấy 900 triệu tiền “cảm ơn” có đúng luật? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Vấn đề này nếu có tranh chấp, khiếu kiện cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ tư cách pháp lý của bên nhận ủy quyền đó như thế nào, đây là dịch vụ pháp lý của luật sư hay đơn giản chỉ là quan hệ dân sự.

Về mặt đạo đức nghề nghiệp luật sư, nếu đi kêu oan, đi yêu cầu bồi thường oan sai mà thu đến 40% tiền bồi thường thì đó là một con số quá lớn, không phù hợp với đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư.

Tuy nhiên pháp luật cũng không cấm mức thù lao trong quan hệ dân sự, việc thỏa thuận thù lao do hai bên tự nguyện và phải ghi rõ vào trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Đương nhiên tổ chức hành nghề luật sư nhận thù lao phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật.

Còn đối với quan hệ dân sự, việc thực hiện công việc theo ủy quyền thì mức thù lao trong hợp đồng cũng không hạn chế, mức thù lao do hai bên tự nguyện thỏa thuận.

"Về mặt đạo đức xã hội những người bị kết án oan sai họ rất khổ tâm, bị ảnh hưởng nghiêm trọng về danh dự, đời sống, tâm lý nên những người giúp đỡ họ lại thu một khoản thù lao quá lớn như vậy thì về mặt đạo đức xã hội cũng không phù hợp.

Đồng thời cơ quan chức năng sẽ phải xem xét yêu cầu những người có thu nhập từ việc nhận thù lao đó phải nộp thuế thu nhập theo quy định pháp luật. Nếu có gian dối để chiếm đoạt tiền của những người bị oan sai như vậy cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật", luật sư Cường nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem