Vụ “bánh mì không phải lương thực” ở Khánh Hòa: Phó Chủ tịch phường có vi phạm quy định?

Nguyễn Đức - Huy Minh Thứ ba, ngày 20/07/2021 15:12 PM (GMT+7)
Việc Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) phát ngôn "bánh mỳ không phải là lương thực", xưng "mày - tao" với người dân gây bức xúc trong dư luận. Theo luật sư, hành vi xưng hô "mày tao" của vị Phó chủ tịch này đã vi phạm quy định về phát ngôn của cán bộ, có hành vi ứng xử không chuẩn mực.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, chiều 18/7, anh Trần Văn Em là công nhân làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc TP. Nha Trang, đã đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống.

Trong khi di chuyển qua đường vòng khu vực Hòn Một thuộc phường Vĩnh Hòa, lực lượng chức năng dừng xe và kiểm tra, xử lý anh Em vi phạm ra đường khi không cần thiết.

Anh Em cho biết do chưa nắm rõ quy định xử lý việc thực hiện Chỉ thị 16 nên ra ngoài mua đồ ăn. Tuy nhiên, các cán bộ tổ liên ngành phường Vĩnh Hòa đã thu giữ giấy tờ, xe và quay clip đưa lên mạng. Trong đó, một cán bộ giải thích "bánh mì không phải lương thực, thực phẩm thiết yếu" nên việc ra ngoài mua bánh mì là không đúng.

Trong quá trình xử lý, một thành viên trong đoàn liên ngành có lời lẽ không chuẩn mực đối với anh Em, xưng hô "mày tao". 

Sau vụ việc, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa nhận định, ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang) đã nhận thức không đầy đủ dẫn tới xử lý cứng nhắc, không đúng tinh thần Chỉ thị số 16.

Chiều 20/7, Chủ tịch UBND TP.Nha Trang cũng đã gửi thư xin lỗi đến anh Trần Văn Em. Chủ tịch thành phố cũng cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm điểm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa trong thời gian tới.

Cần phải xem xét lại trình độ vị Phó Chủ tịch phường

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi của ông Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường qua clip công khai trên mạng xã hội khiến rất nhiều người bức xúc, lo lắng và cảm thấy buồn về trình độ nhận thức và thái độ của cán bộ.

Mục tiêu của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đề ra là giảm bớt sự tiếp xúc giữa con người với con người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Các hoạt động thiết yếu, nhu cầu thiết yếu vẫn được tiếp tục hoạt động.

Vụ “bánh mì không phải lương thực” ở Khánh Hòa: Phó Chủ tịch phường có vi phạm quy định? - Ảnh 1.

Anh Em bị tạm giữ phương tiện vì đi mua bánh mì. Hiện phương tiện này đã được phường Vĩnh Hòa trả lại cho anh Em. Ảnh cắt từ clip

Đây là nội dung đã được quy định và tổ chức thực hiện hơn một năm nay ở nhiều địa phương, rất nhiều người dân đã nắm được quy định và chấp hành nghiêm túc.

Điều gây bức xúc trong dư luận là ông Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa cho rằng "bánh mì không phải là lương thực thực phẩm", không phải là đồ thiết yếu nên anh công nhân không được phép đi mua bánh mì về ăn.

Thêm vào đó là thái độ hách dịch, cửa quyền, dọa nạt anh công nhân. Qua clip cho thấy cán bộ dọa đuổi việc anh công nhân và ngay sau đó anh công nhân bị doanh nghiệp cho nghỉ việc thật. Vị Phó Chủ tịch phường còn có những lời lẽ có tính chất miệt thị, xúc phạm đồng bào vùng cao, ông ấy cho rằng người này từ "vùng núi" đến nên không biết gì! 

Bởi vậy, theo luật sư Cường cơ quan chức năng cần tạm đình chỉ công tác vị cán bộ này để xem xét kỷ luật. 

Đồng thời, cần xem xét việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện như thế nào, trình độ nhận thức và học vấn của vị cán bộ ra sao.

Xem xét quá trình công tác vị cán bộ đã thực hiện chức trách nhiệm vụ ra sao để đánh giá một cách tổng thể về năng lực trình độ đạo đức, phẩm chất để có hình thức xử lý và phân công công việc cho phù hợp.

Lãnh đạo phường có thể bị kỷ luật

Luật sư Cường cho hay, đối với hành vi thu giữ phương tiện không đúng quy định của pháp luật thì buộc trả lại phương tiện, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại. 

Trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ, nếu như hành vi của vị Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa gây thiệt hại, ông này sẽ buộc phải bồi thường theo quy định.

Ngoài ra, hành vi nêu trên có dấu hiệu của việc vi phạm Nghị định số 110/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020 quy định.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 8 của Nghị định quy định áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện.

Vụ “bánh mì không phải lương thực” ở Khánh Hòa: Phó Chủ tịch phường có vi phạm quy định? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Còn về việc xưng hô "mày tao" với người dân, hành vi này đã vi phạm về phát ngôn của cán bộ, có hành vi ứng xử không chuẩn mực nên có thể sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 hoặc Điều 9 Nghị định 110/2020/NĐ-CP.

"Hình thức kỷ luật công chức đối với vị lãnh đạo nêu trên có thể chỉ là khiển trách, cảnh cáo. Tuy nhiên vấn đề ở đây là cần xem xét rõ phẩm chất đạo đức và trình độ nhận thức của vị cán bộ này.

Cơ quan chức năng cần phải xem xét một cách thấu đáo, khách quan trình độ năng lực phẩm chất của vị cán bộ để bố trí công việc cho phù hợp. Nếu không đủ năng lực phẩm chất đạo đức, nhận thức hạn chế có thể động viên vị cán bộ thôi việc để thực hiện các công việc, nghề nghiệp khác cho phù hợp", luật sư Cường nói.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh ở các địa phương cần phải quán triệt tinh thần, nội dung, trách nhiệm của cán bộ trong việc phòng chống dịch bệnh. 

Những hiện tượng hách dịch, cửa quyền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gây thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân cần phải xem xét xử lý kỷ luật cho phù hợp.

Nghị định số 110/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020 quy định:

Điều 7. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức:

1. Áp dụng đối với cán bộ a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Cách chức. d) Bãi nhiệm.

2. Áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý: a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Hạ bậc lương. d) Buộc thôi việc. 3. Áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý a) Khiển trách. b) Cảnh cáo. c) Giáng chức. d) Cách chức. đ) Buộc thôi việc.

Điều 8. Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức.

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

5. Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

6. Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

7. Vi phạm quy định về quy chế tập trung dân chủ, quy định về tuyên truyền, phát ngôn, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ;

8. Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ;

9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem