Vụ cô dâu “bùng” 150 mâm cỗ: Có đủ căn cứ xử lý hình sự?

Nguyễn Đức Chủ nhật, ngày 04/10/2020 12:27 PM (GMT+7)
Theo luật sư, sau vụ việc cô dâu "bùng" 150 mâm cỗ (Điện Biên), cơ quan điều tra sẽ làm rõ những tài sản đã chiếm đoạt được là tài sản gì, nếu thủ đoạn gian dối có trước thời điểm nhận được tài sản thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, đại diện nhà hàng Tâm Phúc ở phường Mường Thanh (TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) phản ánh, trước đó, cô dâu Cà Thị Út (SN 1996, ở xã Pá Khoang, TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) đến đặt 150 mâm cỗ cưới.

Trưa 30/9, đám cưới sẽ diễn ra như đã thống nhất. Tuy nhiên, từ sáng sớm cho đến 14h cùng ngày, nhà hàng không thấy bất cứ vị khách nào đến dự tiệc, không có chú rể, cô dâu. 

Ngay sau khi nhà hàng biết bị "bùng" 150 mâm cỗ cưới đã ra trình báo Công an phường Mường Thanh.

Theo chủ nhà hàng, chi phí 150 mâm cỗ, dựng rạp (phông, bàn ghế) và thuê nhân viên phục vụ khoảng hơn 200 triệu đồng.

Vụ cô dâu “bùng” 150 mâm cỗ: Có đủ căn cứ xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Cà Thị Út (SN 1996, ở xã Pá Khoang, TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) tại cơ quan điều tra.

Tại cơ quan điều tra, Út khai nhận, do thường xuyên qua lại nhà hàng Tâm Phúc ăn nhậu nên quen biết anh Vũ Thế Long (chủ nhà hàng). Để "đánh bóng" tên tuổi, Út khoe là đang công tác tại một cơ quan nhà nước trên địa bàn. Thấy anh Long tin tưởng nên Út đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.

Có thể bị phạt tù?

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, theo thông tin từ phía cơ quan điều tra, ngoài 150 mâm cỗ mà chị Út đã đặt của nhà hàng thì giữa đối tượng và nhà hàng còn có các giao dịch khác liên quan đến tài sản.

Chị Út đang nợ tiền là 7 triệu đồng và nhận nhiều thực phẩm của nhà hàng nhưng không có ý định trả lại. Để có được những thực phẩm đó cô gái đã sử dụng những thủ đoạn gian dối như gian dối về công việc, về khả năng thanh toán dẫn đến việc chủ nhà hàng cả tin nên đã giao thực phẩm cho cô gái.

Việc đặt cỗ nhưng không đến ăn không cấu thành một tội độc lập tuy nhiên đây cũng là một thủ đoạn gian dối thể hiện mục đích chiếm đoạt những thực phẩm mà đối tượng đã nhận trước đó.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ý thức chủ quan của đối tượng đặt cỗ nhưng không đến. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, đã nhận tài sản của nạn nhân thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những tài sản đã chiếm đoạt được là tài sản gì, nếu thủ đoạn gian dối có trước thời điểm nhận được tài sản thì đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn thủ đoạn gian dối có sau thời điểm nhận được tài sản, sau khi nhận được tài sản mới nảy sinh ý định chiếm đoạt thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ giá trị tài sản bị chiếm đoạt, thủ đoạn, phương thức chiếm đoạt và những căn cứ cho thấy đối tượng có ý định chiếm đoạt tài sản để xử lý theo quy định pháp luật.

Vụ cô dâu “bùng” 150 mâm cỗ: Có đủ căn cứ xử lý hình sự? - Ảnh 2.

Các món ăn trong cỗ cưới mà Út đặt nhà hàng.

Khi rõ hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và có thể tạm giam cô gái về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015. Mức phạt thấp nhất cho tội danh này là 6 tháng, cao nhất là tù chung thân.

Với số 150 mâm cỗ đã đặt thì đối tượng không có ý định chiếm đoạt số tiền hoặc lượng thực phẩm chưa sử dụng đến số mâm cỗ này. Bởi vậy số tiền chi phí làm 150 mâm cỗ không phải là tài sản mà đối tượng chiếm đoạt.

Tuy nhiên, đó là tài sản gây thiệt hại nên đối tượng đặt cỗ phải bồi thường. Còn những thực phẩm mà đối tượng này đã nhận được từ những thủ đoạn gian dối thì có thể xác định đó là tài sản bị chiếm đoạt làm cơ sở xác định khung, khoản hình phạt theo quy định tại điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Có thủ đoạn gian dối hay không?

Theo luật sư Cường, vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ án này là cơ quan điều tra sẽ làm rõ những tài sản mà chủ nhà hàng này đã giao cho cô gái là gì, trị giá bao nhiêu tiền. Trước khi giao tài sản cô gái đặt cỗ có thông tin gian dối, thủ đoạn gian dối nào không.

Nếu có căn cứ cho thấy chủ nhà hàng đã cả tin do việc cô gái đưa ra những thông tin gian dối về gia cảnh, về công việc, về mối quan hệ, về khả năng tài chính để chủ nhà hàng làm cỗ, thực phẩm cho cô gái sử dụng. 

Thêm nữa, cô gái đã nhận, sử dụng những mâm cỗ, thực phẩm đó nhưng không có ý định trả lại, trả tiền thì có thể là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với số tiền hoặc tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên, hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Vụ cô dâu “bùng” 150 mâm cỗ: Có đủ căn cứ xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Còn trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được thủ đoạn gian dối, hành vi gian dối trước thời điểm nhận cỗ, thực phẩm của chủ nhà hàng. 

Nhưng sau khi nhận thực phẩm, sau khi sử dụng những mâm cỗ đó mà cô gái mới nảy sinh ý định không trả tiền, sau đó mới đưa ra thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên thì hành vi này cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 175 Bộ Luật hình sự năm 2015.

"Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra, cô gái đặt cỗ là người có học thức, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm mầm non, được giáo dục, có nhận thức nhất định, gia cảnh lại khó khăn, thuộc hộ cận nghèo, bản thân chưa có việc làm nhưng đã đưa ra những thông tin gian dối, che đậy hoàn cảnh và năng lực của bản thân khiến chủ nhà hàng tin tưởng mà thực hiện liên tục nhiều giao dịch.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mức độ nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của cô gái. Nếu có dấu hiệu tâm thần sẽ cho đi giám định tâm thần để làm cơ sở xem xét trách nhiệm pháp lý", luật sư Cường nói.

Ngoài ra, nếu trong quá trình xác minh tin báo mà thấy đối tượng có dấu hiệu bị tâm thần cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định tâm thần để xác định mức độ, khả năng nhận thức trước, trong và sau thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng này chỉ bị hạn chế khả năng nhận thức nhưng hành vi cấu thành tội phạm vẫn xử lý theo quy định của pháp luật nhưng sẽ cân nhắc khi lượng hình.

Còn trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức điều khiển hành vi trước và trong thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thì đối tượng này sẽ không bị xử lý hình sự nhưng bị bắt buộc chữa bệnh.

Có trường hợp khi thực hiện hành vi thì nhận thức được hành vi của mình nhưng sau khi thực hiện hành vi lại mắc bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức sẽ bắt buộc chữa bệnh, sau khi chữa khỏi bệnh tiếp tục xử lý hình sự.

Còn đối với chủ nhà hàng, những giao dịch mà chủ nhà hàng đã trình báo cũng khá bất thường. Nếu như chưa thu được đồng tiền nào của cô gái mà chủ nhà hàng đã cho nợ 7.000.000 đồng tiền cỗ, lại gửi rất nhiều thực phẩm mà không nhận tiền, cũng chưa nhận tiền đặt cọc, rồi lại tiếp tục làm 150 mâm cỗ mà không nhận tiền cọc đó là một hoạt động kinh doanh khá bất thường.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền còn nợ 7.000.000 đồng kia phát sinh như thế nào, thông tin mà cô gái đưa ra trước khi đặt số 7 mâm cỗ này như thế nào, tại sao đến nay vẫn chưa trả tiền, việc nhận, sử dụng những mâm cỗ này diễn ra như thế nào, ở đâu, chủ nhà hàng có biết gia cảnh của cô gái hay không làm cơ sở giải quyết vụ việc.

Trong trường hợp chủ nhà hàng chưa biết nhà, chưa biết địa chỉ và gia cảnh, nơi công tác của cô gái nhưng đã cho cô gái ăn cỗ chịu, cung cấp nhiều thực phẩm chỉ qua thông tin mà cô gái nêu ra là chuyện hết sức bất thường và bất cẩn, kinh doanh như vậy rất dễ thua lỗ và không theo nguyên tắc, chấp nhận toàn bộ rủi ro.

Có lẽ vụ việc này sẽ là bài học quản lý kinh doanh của chủ nhà hàng này cũng yêu những người kinh doanh khác. 

Nếu cơ quan điều tra không chứng minh được thủ đoạn gian dối trước khi nhận thực phẩm, cô gái này cũng không gian dối, bỏ trốn sau khi nợ tiền rất khó để xử lý hình sự, khi đó khởi kiện dân sự để đòi số tiền lớn như vậy với cô gái nghèo là không khả thi.

Điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định của pháp luật về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem