Vụ dân bị hủy hợp đồng giao khoán vườn chè: Sở Tài chính Tuyên Quang can thiệp vào quyền định đoạt tài sản?

Vũ Thị Hải Thứ bảy, ngày 06/02/2021 10:21 AM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, căn cứ vào tài liệu trong hồ sơ vụ án, vườn chè nói trên là tài sản của gia đình bà Mùi, vì tại thời điểm năm 2000, Công ty Chè Sông Lô (doanh nghiệp Nhà nước trước đây) xác định đó là vườn chè đã được thanh lý.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã phản ánh, gia đình bà Nguyễn Thị Mùi bị hủy hợp đồng giao khoán với Công ty CP Chè Sông Lô, thu lại toàn bộ diện tích vườn chè cũng như cây trồng chăm sóc nhiều năm mà không được bồi thường. 

Theo luật sư Phạm Hồng Sơn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Tuyên Quang đã tuyên trái ngược hoàn toàn với một bản án trước đó.

Cụ thể, bản án số 16 ngày 22/6/2018 do Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử đối với một trường hợp tương tự, giữa Công ty Cổ phần chè Mỹ Lâm là nguyên đơn và bị đơn là bà Đặng Thị Thuận. Trong đó, bản án tuyên buộc nguyên đơn phải bồi thường cho bị đơn toàn bộ giá trị vườn chè.

Điều này cũng phù hợp với thực tế gia đình bà Nguyễn Thị Mùi. Bởi, gia đình bà đã 3 lần được nhận khoản tiền bồi thường hỗ trợ của Nhà nước với khoản bồi thường 100% giá trị vườn chè và khoản hỗ trợ tiền sử dụng đất bằng 80% đơn giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành.

Bài 2: Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang vi phạm luật dân sự về quyền định đoạt tài sản? - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Đáp với vườn chè của gia đình hiện có năng suất 15-17 tấn/ha

Ông Phạm Văn Đáp, chồng bà Mùi, cho rằng, việc UBND tỉnh Tuyên Quang ký ban hành quyết định thu hồi đất khi nào gia đình ông hoàn toàn không hề biết. UBND tỉnh chưa hề triển khai công tác bồi thường tài sản trên đất, hỗ trợ tiền sử dụng đất cho gia đình. 

"Gia đình tôi không hề biết rằng vườn chè của gia đình đã được tỉnh giao cho Công ty Cổ phần. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền lợi của gia đình tôi, nhất là ảnh hưởng tới quyền định đoạt tài sản là vườn chè bởi vườn chè của gia đình đã được thanh lý, chúng tôi đã đầu tư vốn, công sức nhiều chục năm qua mới được như ngày nay. 

Giờ đây, chúng tôi không quan tâm sẽ được bồi thường bao nhiêu mà chỉ mong cấp tòa phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm, không hủy hợp đồng nói trên, giữ lại cho gia đình tôi vườn chè mà chúng tôi đã gắn bó, chăm sóc bao năm qua. Đây cũng là nguồn sống của nhiều thế hệ gia đình tôi. Với gia đình tôi, mất vườn chè là mất tất cả" - ông Đáp lo lắng chia sẻ.

PV Dân Việt đã liên hệ với Sở Tài chính Tuyên Quang để làm rõ việc vườn chè của người dân có được tự ý đem làm tài sản cho thuê với Công ty CP Chè Sông Lô hay không?

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Phòng Tài chính Doanh nghiệp Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang (người được Giám đốc Sở Tài chính cử tiếp và làm việc với phóng viên) xác nhận, giá trị vườn chè khi giao khoán (theo Nghị định 01 và Nghị định 135) so với thời điểm hiện nay đã có sự chênh lệch theo hướng gia tăng giá trị. Toàn bộ giá trị tăng thêm do quá trình đầu tư chăm sóc, thâm canh tăng năng suất là của người dân. 

Trong trường hợp, vườn chè đã được thanh lý thì toàn bộ giá trị vườn chè là của người dân. Tuy nhiên, ông Minh vẫn cho rằng, việc Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang ký hợp đồng số 02 ngày 9/12/2011 cho Công ty CP Chè Sông Lô thuê vườn chè, thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao là đúng!?

Bài 2: Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang vi phạm luật dân sự về quyền định đoạt tài sản? - Ảnh 2.

Trụ sở Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang

Trả lời câu hỏi của PV, khi ký hợp đồng cho thuê tài sản vườn chè, Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang có tính đến yếu tố tài sản là của người dân và số tiền thu được cần phải chia tỷ lệ cho người đồng sở hữu hay không? 

Ông Minh cho rằng, khi ký hợp đồng, Sở Tài chính căn cứ vào số liệu năng suất vườn chè tại thời điểm giao khoán cho người lao động theo Nghị định 01 và Nghị định 135, chứ không phải giá trị vườn chè ở thời điểm hiện tại nên không có phần giá trị gia tăng của người lao động!?

Chúng tôi đã xác minh thông tin của ông Nguyễn Quang Minh cung cấp là đúng. Căn cứ tại phụ lục điều chỉnh hợp đồng cho thuê tài sản nhà nước kèm theo hợp đồng số 02 ngày 9/11/2011, theo đó, vườn chè nhà bà Nguyễn Thị Mùi được xếp loại dưới 5 tấn/ha, trong khi, nếu được đánh giá lại tại thời điểm cho thuê năm 2011, con số đó phải là 15 tấn/ha, hiện nay là 17 tấn/ha.

Cũng từ việc đánh giá vườn chè của gia đình bà Mùi dưới 5 tấn/ha, nên giá cho thuê vườn chè này chỉ ở mức 300.000 đồng/ha/năm, thay vì 600.000 đồng/ha/năm. Với cách làm này, ngân sách nhà nước bị thất thu một khoản không nhỏ. Nhưng điều đáng lo ngại hơn, theo lời ông Nguyễn Quang Minh, trong thời gian tới, dự kiến các vườn chè dưới 5 tấn sẽ bị coi là năng suất thấp, sẽ bị tỉnh cho thanh lý. 

Nếu điều này thực sự xảy ra thì những vườn chè đang hoàn toàn tươi tốt, có năng suất cao như vườn chè của gia đình bà Mùi có thể đứng trước nguy cơ bị xóa sổ phục vụ cho một mục đích khác. 

Luật sư Phạm Hồng Sơn - Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, việc Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang đem tài sản của người dân ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê có dấu hiệu vi phạm Điều 197 Luật Dân sự quy định về quyền định đoạt tài sản. 

Cụ thể Điều 197 Luật Dân sự quy định: "Quyền định đoạt của chủ sở hữu: Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản". 

Do vậy, hợp đồng cho doanh nghiệp thuê là vô hiệu. Cụ thể, theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Dân sự: “Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu; Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.

Điều cấm ở đây là không được phép lấy tài sản không phải của nhà nước mà là của công dân, thuộc, quyền định đoạt của công dân để đem cho tổ chức tư nhân khác thuê.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Đáp cho biết, ông đã làm đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng về việc làm vi phạm pháp luật của Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang khi cơ quan này đơn phương đem tài sản gia đình ông để ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê nhưng không định giá lại tài sản, không tính đến quyền lợi của người lao động là những người chủ thực sự của vườn chè, gây thiệt hại cho gia đình ông và nhiều hộ dân trồng chè khác. 

"Lạ là, đơn tôi gửi đi từ nhiều ngày trước nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào thông báo việc thụ lý đơn tố cáo"- ông Đáp bức xúc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem