Vụ dân mất hàng tỷ đồng sau khi thủy điện xả lũ: Phó Chủ tịch tỉnh trực tiếp xuống hiện trường

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 04/12/2020 19:43 PM (GMT+7)
Liên quan đến vụ các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Sêrêpốk (huyện Cư Jút, Đắk Nông) bị mất trắng hàng tỷ đồng sau khi thủy điện Buôn Kuốp xả lũ, ngày 4/12 ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra, nhằm đánh giá thiệt hại và xác định nguyên nhân vụ việc.
Bình luận 0

Khu vực nuôi cá lồng của dân là "sông chết"

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 3/12, nhiều người dân tại thị trấn Ea T'ling (huyện Cư Jút, Đắk Nông) nuôi cá lồng trên sông Sêrêpốk đã mất hàng tỷ đồng. Trong đó, một số người mất trắng với tổng tài sản lên đến hơn 5 tỷ đồng. Bước đầu xác định, trong sáng 3/12, nước sông Sêrêpốk dâng cao hơn so với bình thường từ 5-6m. Do nước lũ quá mạnh đã cuốn trôi hoặc phá hỏng lồng nuôi cá của dân.

Vụ dân mất hàng tỷ đồng sau khi thủy điện xả lũ: Chưa xác định được trách nhiệm! - Ảnh 1.

Một người dân khóc nức nở trước những thiệt hại quá lớn.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Cư Jút, nguyên nhân khiến nước sông dâng cao là do thủy điện Buôn Kuốp xả lũ không đúng quy trình, cụ thể là thông báo chậm so với quy chế phối hợp. Trong khi đó, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị chủ quản thủy điện Buôn Kuốp) khẳng định đã làm đúng quy trình.

Liên quan đến việc này, ngày 4/12, ông Trần Văn Khánh- Phó giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, đoạn sông mà người dân đang nuôi cá lồng là "sông chết" và là dòng thoát lũ của hồ thủy điện Buôn Kuốp. Nơi đây, sau khi đi vào vận hành, hồ thủy điện Buôn Kuốp chỉ xả nước vào mùa khô (từ tháng 12 năm này đến tháng 5 năm sau) với lưu lượng 10m3/s, mỗi ngày xả 12 tiếng để duy trì dòng chảy sinh thái. Còn nước sông Sêrêpốk sẽ chảy từ hồ thủy điện Buôn Kuốp qua đường hầm dẫn xuyên qua núi xuống Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp (cách đó 4,2km).

Vụ dân mất hàng tỷ đồng sau khi thủy điện xả lũ: Chưa xác định được trách nhiệm! - Ảnh 2.

Ông Tống Văn Chung, một hộ dân bị thiệt hại đến hơn 5 tỷ đồng do lũ cuốn trôi mất lồng cá.

Ông Khánh cũng cho biết, do hồ thủy điện Buôn Kuốp chỉ có dung tích hơn 14 triệu khối nên không có chức năng điều tiết lũ. Trong quy trình vận hành liên hồ chứa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hồ thủy điện Buôn Kuốp được phép xả lũ cân bằng.

Trước cơn lũ, ngày 30/11, đơn vị đã phát hành văn bản thông tin về tình hình điều tiết lũ gửi cho 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và cả huyện Cư Jút để cảnh báo cho người dân. Các ngày tiếp theo, đơn vị đều có văn bản thông tin theo quy trình. Bên cạnh đó, việc xả lũ từ ngày 30/11 đến nay, lưu lượng xả lũ cũng tăng dần đều, không đột ngột, cả xả lũ và phát điện (không chảy qua đoạn sông 10km) cân bằng với lưu lượng nước về.

"Không hiểu sao các văn bản công ty phát hành, gửi đi tới các cơ quan chức năng nhưng người dân không nắm được để chủ động thu hoạch, di dời tài sản, dẫn đến thiệt hại rất lớn và rất đáng tiếc này"- ông Khánh nói.

Đâu đó còn chủ quan!

Liên quan đến việc này, ngày 4/12, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành cùng chính quyền địa phương kiểm tra, xác định thiệt hại cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Ông Trung cho biết, hiện Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN)- ông Lê Trọng Yên đã đến các khu vực bị ảnh hưởng để kiểm tra, chỉ đạo.

Vụ dân mất hàng tỷ đồng sau khi thủy điện xả lũ: Chưa xác định được trách nhiệm! - Ảnh 3.

Vào mùa khô đoạn sông mà người dân đang nuôi cá rất yên bình.

Cùng ngày trả lời PV Dân Việt, ông Lê Trọng Yên cho biết, đang đi thực tế tại địa phương. Về thiệt hại của người dân sau khi thủy điện xả lũ, ông Lê Trọng Yên cho biết, trước mắt đã chỉ đạo Sở Công Thương kiểm tra quy chế vận hành, thông báo xả lũ của thủy điện xem có vi phạm hay không; nguyên nhân sự việc có phải là do thủy điện hay do nước lũ từ sông Krông Ana đổ về.

"Phải đánh giá kỹ, khách quan mới có thể biết được lỗi ở chỗ nào. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần phải xem lại khu vực này có nằm trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản hay không"- ông Yên nói.

Vụ dân mất hàng tỷ đồng sau khi thủy điện xả lũ: Chưa xác định được trách nhiệm! - Ảnh 4.

Theo người dân mực nước khi có lũ cao hơn từ 5-6 m so với bình thường.

Còn theo ông Hoàng Trung Thơ, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông, kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh khẳng định, về cơ bản thủy điện đã thực hiện đúng quy trình vận hành, xả lũ.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Công ty Thủy điện Buôn Kuôp đã chủ động gửi các văn bản thông báo đến các đơn vị liên quan về quá trình vận hành, điều tiết hồ chứa. "Thủy điện Buôn Kuốp ngày nào cũng có thông báo về việc xả lũ. Việc thông báo đến người dân là của địa phương. Địa phương phải có trách nhiệm khuyến cáo cho người dân"- ông Hoàng Trung Thơ nói.

Trong khi đó, ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NNPTNT huyện Cư Jút, kiêm Phó ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cho biết, sau khi nhận các thông báo, cảnh báo về lũ đơn vị đều chuyển về cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các xã để triển khai thực hiện. Về việc các hộ dân nuôi cá lồng trên sông Sêrêpốk bị thiệt hại có thể một phần là do người dân chủ quan. Bởi từ ngày 30/11, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Cư Jút đã có thông báo đề nghị các xã, thị trấn tuyên truyền cho người dân chủ động các biện pháp phòng, tránh mưa lũ và di dời tài sản ven bờ đến nơi an toàn.

Theo ông Trần Văn Khánh, mưa lũ chủ yếu là phòng tránh chứ không thể để "nước đến chân mới nhảy". Do đó việc tuyên truyền, vận động người dân trước khi có lũ là hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để cùng bàn thảo tìm ra giải pháp tuyên truyền tốt hơn.

Về trách nhiệm khi để xảy ra thiệt hại về tài sản của người dân, ông Khánh nói: "Chắc chắn cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, phân tích, đánh giá đúng sai. Tôi nghĩ để xảy ra việc này thì đâu đó còn chủ quan, lơ là, sai sót và cơ quan chức năng cần phải chỉ ra để rút kinh nghiệm".

Liên quan đến việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân, ông Trần Văn Khánh cho biết, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty phát điện 3. Do đó việc chi tiêu tài chính không thể tùy tiện. Tuy nhiên, công ty sẽ sát cánh cùng chính quyền địa phương để chia sẻ, hỗ trợ nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem