Vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn: Người chịu trận cuối cùng là nông dân

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 31/03/2022 06:11 AM (GMT+7)
Từ lâu, ngành sắn đã hình thành một chuỗi liên hoàn từ nông dân, nhà máy đến thương mại. Vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn không chỉ đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản mà còn khiến hàng triệu nông dân lâm cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bình luận 0

Nông dân là người chịu thiệt vì vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn

Tại Quảng Trị, cây sắn trồng tập trung tại ở huyện trung du miền núi, như Hướng Hóa, Đăk Rông, Cam Lộ, Vĩnh Linh, với diện tích hơn 11.000ha.

Cây sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sự ra đời và hoạt động của các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Quảng Trị góp phần quan trọng tiêu thụ hàng chục ngàn tấn củ sắn tươi mỗi năm cho nông dân.

Sau chế biến, sắn thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương

Phần lớn diện tích trồng sắn ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có địa hình đồi dốc nên việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Phúc.

Phần lớn diện tích trồng sắn ở huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có địa hình đồi dốc nên việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyễn Phúc.

Từ nhiều năm nay, nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa (thuộc Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị - Sepon Group) đã liên kết với nông dân trồng sắn và bao tiêu sản phẩm.

Riêng 2 huyện Hướng Hóa, Đăk Rông có khoảng 40.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều và Tà Ôi liên kết trồng sắn với tổng diện tích 10.000ha.

Việc liên kết trồng sắn còn giúp chính quyền 2 huyện Hướng Hóa, Đăk Rông giữ được đất đai vùng biên giới, khẳng định chủ quyền bằng cách tạo điều kiện cho bà con sinh sống và sản xuất.

Ông Hồ Xuân Hiếu – Chủ tịch HĐQT Sepon Group cho biết, dù có khó khăn bao nhiêu, nhà máy vẫn cam kết thu mua hết sắn cho bà con.

Làm được điều này vì ngoài tinh bột sắn, Sepon Group còn hoạt động ở nhiều ngành hàng khác nữa.

Sepon có thể sử dụng kinh phí từ các ngành hàng nông sản khác chuyển qua để tiếp tục thu mua sắn.

"Nhưng với các đơn vị chỉ sản xuất hoặc kinh doanh tinh bột sắn đơn thuần, lại đang trong tình cảnh "chết đứng" vì vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn thì khó làm được", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, từ lâu, ngành sắn hình đã hình thành một chuỗi liên hoàn: Nông dân trồng sắn, nhà máy thu mua chế biến, khách hàng thu mua để xuất khẩu. Một mắt xích bị tác động thì cả chuỗi liên hoàn này bị ảnh hưởng.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Ảnh: Tuyết Mai

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa. Ảnh: Tuyết Mai

Sepon Group không bị tồn đọng thuế VAT vì chủ yếu bán cho các công ty thương mại để xuất khẩu.

Nhưng vì vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn, khách hàng không bán được thì họ sẽ không mua của nhà máy.

Nhà máy không bán được hàng thì đương nhiên khó thu hết sắn cho nông dân. Hết thời vụ mà sắn không tiêu thụ được thì hư hỏng.

"Cuối cùng nông dân là người chịu thiệt. Mà người trồng sắn nơi đây phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn", ông Hiếu giãi bày.

Ông Trần Quốc Hoàn – Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn Intimex (Nghệ An) cũng cho biết, trong số đối tác của công ty, nông dân trồng sắn chiếm phần lớn.

Khi xuất khẩu biên mậu được giá tốt, DN sẽ thu mua cho nông dân với giá tốt. Tuy nhiên, vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn đang gây khó khăn cho xuất khẩu sắn qua biên mậu.

Cần sớm trả lại công bằng từ vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn

Công ty CP Á Châu Hoa Sơn là đơn vị chuyên sản xuất chế biến tinh bột sắn ở tỉnh Nghệ An. Giám đốc Nguyễn Viết Hùng kể, vùng nguyên liệu nơi công ty đóng chân cũng đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Công ty không đủ điều kiện về nhân sự để lo khẩu thủ tục xuất khẩu.

Chỉ số ít nhà máy có tiềm lực thì tự mình xuất khẩu. Các nhà máy khác buộc lòng phải bán hàng cho công ty thương mại. 

Nhà máy chế biến tinh bột sắn của công Á Châu Hoa Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Trường

Nhà máy chế biến tinh bột sắn của công Á Châu Hoa Sơn (Nghệ An). Ảnh: Văn Trường

Ông Hùng kể, theo thông lệ, nhà máy bán hàng cho công ty thương mại rồi đưa hàng lên cửa khẩu. Nhà máy nhận tiền: Cả tiền hàng và tiền thuế. Nhà máy có nhiệm vụ nộp lại tiền thuế cho cơ quan thuế địa phương.

Các công ty thương mại sau khi nhận hàng thì bán cho thương nhân Trung Quốc theo thỏa thuận. Các công ty làm hợp đồng mua bán, mở tờ khai hải quan. Hải quan ra kiểm hàng, đồng ý cho qua biên phòng, đưa vào bãi tập kết. Xe bên Trung Quốc sang bãi tập kết, bốc hàng đưa về bên kia.

Hàng loạt mặt hàng nông sản khác, nhất là trái cây tươi nằm dài ở cửa khẩu.  

"Mình bán được tinh bột sắn và nhận được tiền là mừng lắm rồi", ông Hùng nói.

Vụ dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn lần này cũng vậy. DN đã đóng thuế rồi, đã xuất khẩu hàng ra khỏi biên giới Việt Nam. Theo quyền lợi thì DN làm thủ tục hoàn thuế.

"Nếu dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn của DN vì nghi ngờ sai phạm thì các cơ quan hải quan, biên phòng, ngân hàng cũng làm sai hay sao?", ông Hùng đặt ngược vấn đề.

Cũng theo ông Hùng, cách mà Tổng cục Thuế lấy ví dụ về các sai phạm để phòng ngừa rủi ro (trong văn bản trả lời báo chí) cũng không thuyết phục.

Theo đó, sai phạm của Thuduc House là một dạng mua bán lòng vòng, và có hành vi chiếm đoạt thuế rõ ràng.

Sai phạm như của Thuduc House không liên quan gì tới mua bán tinh bột sắn. Ngay trong ngành sắn, các công ty thương mại mua trực tiếp từ nhà máy rồi xuất đi. Rất khó có chuyện mua bán lòng vòng nhằm gian lận thuế.

Đầu vào của sắn vốn đã miễn thuế. Đầu ra là tinh bột sắn ở Trung Quốc cũng miễn thuế. Nếu Trung Quốc đánh thuế, chỉ làm thiệt hại cho cư dân biên giới của họ.

Việc thương nhân Trung Quốc mua lại rồi tìm cách lách thuế theo chính sách biên mậu không ảnh hưởng gì đến luật hoàn thuế của Việt Nam.

"Tổng Cục Thuế đang áp đặt quan điểm và làm phức tạp tình hình trong bối cảnh dịch bệnh khiến DN và người trồng sắn gặp rất nhiều khó khăn. Ngành chức năng cần sớm trả lại công bằng cho ngành sắn", ông Hùng nói.  

Tại buổi công bố báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021" của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 29/3, vấn đề kinh doanh bị nghẽn do thông tư, công văn tiếp tục được đặt ra.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhắc đến Công văn 632 dừng hoàn thuế VAT xuất khẩu sắn của Tổng cục Thuế là một điển hình.

Tham dự buổi họp, Luật sư Trương Thanh Đức – Thành viên Hội đồng Khoa học Pháp lý Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì nói thẳng: Sự vô lý của Công văn 632 là đưa ra các quy định để được hoàn thuế trái với quy định của pháp luật.

Luật sư Đức cho rằng, Luật quy định điều 3 kiện được hoàn thuế là: có Hợp đồng xuất khẩu, xác nhận của Hài quan, thanh toán qua ngân hàng. Hiệp hội Sắn Việt Nam đáp ứng đủ cả 3 điều kiện. Đó là bằng chứng hùng hồn.

"Việc Tổng cục Thuế vin vào cớ: Đối tác mua hàng "mờ ám", rồi dừng hoàn thuế với các DN ngành sắn là không có cơ sở pháp lý", Luật sư Đức chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem